HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ ( PHẦN I)

Dành cho các bạn học Y sĩ định hướng YHCT
                                                                        Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN
                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam
Hội chứng bệnh lý các tạng phủ là phản ánh dưới ảnh hưởng của các tác nhân gây bệnh làm thay đổi các chức năng sinh lý của các tạng phủ, do bởi chức năng sinh lý của các tạng phủ không giống nhau, cho nên biểu hiện trên lâm sàng bằng các hội chứng bệnh lý khác nhau.
          Giữa các tạng phủ với nhau, cũng như giữa tạng phủ và tổ chức khác, chúng nằm trong mối quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy khi xây dựng hội chứng bệnh lý các tạng phủ phải xuất phát từ quan điểm chỉnh thể và chú ý sự ảnh hưởng trong mối liên hệ giữa các tạng phủ với nhau, có như vậy mới nắm được tình trạng bệnh lý một cách hoàn chỉnh và toàn diện

     Phần một : TÂM - TIỂU TRƯỜNG

         


1-Hư chứng;
          1.1-Hội chứng tâm khí hư và tâm dương hư:
          1.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
          -Triệu chứng chung: Tâm phiền (buồn bực, khó chịu, hay hồi hộp), đoản khí (thở ngắn, khó thở), khi hoạt động hoặc vận động nhiều các biểu hiện ấy nặng hơn; mạch tế nhược hoặc kết đại.
          -Triệu chứng của tâm khí hư: Triệu chứng chung + sắc mặt trắng nhợt, người mệt mỏi, tự hãn, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng.
          -Triệu chứng của tâm dương hư: Triệu chứng chung + sắc mặt tối xạm, người bệnh sợ lạnh, tay chân lạnh, hay đau tức ngực, lưỡi nhợt nhưng tím và bệu.
          -Tâm dương hư thoát (mức độ nặng của tâm dương hư): mồ hôi ra như tắm, tay chân lạnh, miệng và môi tím, thở yếu, tinh thần có thể lơ mơ, mạch vi.
          1.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:  YHCT gọi là Biện chứng
          Nguyên nhân đa phần là do người bệnh mắc bệnh lâu ngày, làm cơ thể suy yếu hoặc người bệnh mắc các bệnh nặng, những nguyên nhân này làm tổn thương và tiêu hao phần dương khí trong cơ thể, tình trạng bệnh này hay gặp ở những người già do bởi tuổi cao làm phần dương và phần khí trong cơ thể của các tạng phủ đã suy giảm nhiều.
          1.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
          -Tâm khí hư:                 
* Pháp điều trị: Bổ ích tâm khí
*Bài thuốc      : Dưỡng tâm thang.
          -Tâm dương hư:            
* Pháp điều trị: Ôn bổ tâm dương
*Bài thuốc      : Bảo nguyên thang.
          -Tâm dương hư thoát:  
* Pháp điều trị: Hồi dương cứu nghịch.
*Bài thuốc      : Sâm phụ thang.
1.2-Hội chứng tâm huyết hư và tâm âm hư:
          1.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
          -Triệu chứng chung: Tâm phiền, hay quên, ngủ ít, hay mất ngủ, giấc ngủ thường không sâu, hay mê nhiều.
          -Triệu chứng của tâm huyết hư: Triệu chứng chung + hay nhức đầu chóng mặt, sắc môi và lưỡi nhợt, mạch tế nhược.
-Triệu chứng của tâm âm hư: Triệu chứng chung + ngũ tâm phiền nhiệt (do âm hư sinh nội nhiệt), đạo hãn, miệng và họng khô, lưỡi đỏ khô, mạch tế sác.
          1.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
          Thường là do nguồn gốc sinh hóa tạo thành khí huyết không đầy đủ, ví như: người bệnh bị tỳ vị hư kéo dài hoặc tình trạng này xuất hiện sau khi người bệnh mất máu hoặc từ những bệnh ôn nhiệt (bệnh có sốt), làm tổn thương phần âm của cơ thể, cũng có thể do nội nhân bởi rối loạn về thất tình, làm phần âm và huyết của cơ thể bị tiêu hao mà dẫn tới tình trạng tâm âm và tâm huyết hư.
          1.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
          -Tâm huyết hư:
                   * Pháp điều trị: Dưỡng huyết an thần
                   *Bài thuốc      : Tứ vật thang gia hắc táo nhân, bá tử nhân, phục thần.
          -Tâm âm hư:
                   * Pháp điều trị: Tư âm an thần.
                   *Bài thuốc      : Thiên vương bổ tâm đan.


          2- Thực chứng:
          2.1-Hội chứng tâm hỏa vượng:
          .2.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
          Tâm phiền, mất ngủ, mặt đỏ, miệng khát, đôi khi trên miệng và lưỡi có thể sinh ra các nốt mụn phỏng, lưỡi đỏ, mạch sác; đôi khi người bệnh có thể xuất hiện hay cáu giận, nói năng có thể lãm nhãm hoặc đôi khi lại xuất hiện chứng đi tiểu nước tiểu đỏ, đái buốt, đái rắt, đái ra máu.
          2.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
          Đa số là do bởi hỏa từ bên trong phát ra, mà nguyên nhân từ rối loạn thất tình hoặc là do lục khí từ bên ngoài xâm phạm vào cơ thể hóa thành lục dâm, lâu ngày hóa hỏa hoặc do người bệnh trong quá trình ăn uống hay ăn nhiều các thức ăn cay, nóng; những nguyên nhân ấy làm tổn thương phần âm của cơ thể, âm hư lâu ngày có thể làm cho hỏa vượng mà đưa đến.
          2.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
                   *Pháp điều trị: Thanh tâm hỏa.
                   *Bài thuốc     : Tả tâm thang.
          Trong trường hợp tâm đưa nhiệt xuống tiểu trường hoặc do thận âm hư không giao hòa tâm hỏa; dẫn đến nước tiểu đỏ, đái buốt, đái rắt, đái ra máu, thì :
                   *Pháp điều trị: Thanh tâm đạo xích.
                   *Bài thuốc     : Đạo xích tán.
2.2-Hội chứng đàm hỏa nhiễu tâm và đàm mê tâm khiếu;
          2.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
          -Đàm mê tâm khiếu: Người bệnh có tinh thần trì trệ, hay uất ức, nói năng thường lung tung hay lằng nhằng, hoặc có trường hợp đột nhiên người bệnh ngã lăn ra đất thở có tiếng đờm khò khè hoặc lọc xọc trong cổ họng. Rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hoãn và hoạt.
          -Đờm hỏa nhiễu tâm: Người bệnh tâm phiền, miệng khát, ít ngủ, khi ngủ hay mê, mặt đỏ, tiếng thở thô, đại tiện thường táo, nước tiểu thường đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền hoạt và thực.
          2.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
          Trường hợp đàm mê tâm khiếu và đàm hỏa nhiễu tâm, thường là kết quả do rối loạn thất tình bên trong hoặc do cảm thụ thấp tà bên ngoài xâm phạm vào cơ thể hóa đàm làm ảnh hưởng đến tâm.
          2.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
          -Đàm mê tâm khiếu:
                   *Pháp điều trị: Trừ đàm khai khiếu.
                   *Bài thuốc  : Thường kết hợp bài Dị đàm thang và bài Tô hợp hương hoàn.
          -Đàm hỏa nhiễu tâm:
                   *Pháp điều trị: Thanh tâm hóa đàm.
                   *Bài thuốc     : Thập vị ôn đởm thang
.                                        (còn 5 phần nữa)

0 nhận xét: