HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN II)

                                                                          Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN
                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam

      Phần hai : phế - đại trường




1- Hư chứng;
1.1-Hội chứng phế khí hư:
1.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh mệt mỏi, tiếng thở yếu và tiếng ho cũng yếu, khi vận động thì khó thở tăng lên, người bệnh tự ra mồ hôi, sợ lạnh, sắc mặt nhợt, chất lưỡi nhợt, mạch hư nhược.
1.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
          Do phế chủ khí và điều hòa hô hấp, cho nên trong các trường hợp người bệnh bị ho lâu ngày, khó thở lâu ngày sẽ làm tổn thương phế khí hoặc do nguồn gốc sinh hóa của khí không đầy đủ mà nguyên nhân thường do tỳ hư, làm cho chức năng chủ khí của phế bị suy giảm mà đưa tới các biểu hiện lâm sàng trên.
1.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ ích phế khí.
*Bài thuốc     : Tứ quân tử thang gia hoàng kỳ.
Nếu phế khí hư nhiều làm cho người bệnh ra nhiều mồ hôi thì:
*Pháp điều trị phải là: ích khí cố biểu.
*Bài thuốc                 : Ngọc bình phong tán.
1.2-Hội chứng phế âm hư:
1.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Ho khan, khó thở, đôi khi có đàm nhưng ít và thường dính hoặc có trường hợp đàm lẫn tia máu, miệng và họng có cảm giác khô, tiếng nói đôi khi có thể bị khàn, người gầy mòn thậm chí có trường hợp hay sốt về chiều, ngũ tâm phiền nhiệt, ra mồ hôi trộm (đạo hãn), gò má có thể đỏ, lưỡi đỏ khô, mạch tế sác.
1.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do lao tổn gây nên hoặc hay gặp ở những người ho kéo dài, làm thương tổn đến phần âm của phế, gây nên phế âm hư.
1.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư âm nhuận phế.
*Bài thuốc     : Bách hợp cố kim thang.
1.3-Hội chứng đại trường tổn thương tân dịch;
1.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh đại tiện thường táo bón, phân thường khô, khó đại tiện, thậm chí có thể mấy ngày mới đại tiện 1 lần, miệng thường hôi, hay có cảm giác váng đầu; lưỡi đỏ, ít tân dịch nên khô, rêu lưỡi vàng khô; mạch tế sác
1.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đại trường táo nhiệt là do bởi tân dịch bị tổn thương, tiêu hao nhiều hoặc do phần vị âm không đủ không đưa được xuống dưới đại trường đều có thể làm cho tân dịch của đại trường bị tổn thương, chứng bệnh này hay thường gặp ở người già, phụ nữ sau đẻ, ở người trong giai đoạn hồi phục của các bệnh có sốt (hay gặp ở bệnh truyền nhiễm).
1.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Nhuận tràng để thông tiện.
*Bài thuốc     : Ma tử nhân hoàn.


2- Thực chứng:
2.1-Hội chứng hàn tà phạm phế:
2.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Ho và khó thở, khạc ra đàm trắng và loãng, miệng không khát, mũi hay tắc, nước mũi thường trong, toàn thân người bệnh cũng hay sợ lạnh, có thể có sốt, đầu và mình mẩy hay có cảm giác đau mỏi, rêu lưỡi trắng, mạch  khẩn.
2.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường là do ngoại cảm hàn tà từ bên ngoài, khi xâm phạm vào cơ thể nó từ biểu vào lý và tạng đầu tiên nó va chạm chính là tạng phế.
2.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tuyên phế tán hàn.
*Bài thuốc     : Hạnh tô tán.
2.2- Hội chứng phong nhiệt phạm phế:
2.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Ho, khó thở, tiếng thở thô, nếu khạc đàm thì đàm vàng đặc, miệng khát, họng đau, toàn thân phát sốt, sợ gió, sợ lạnh, đau ngực, đại tiện táo, nước tiểu đỏ và ít; trong các trường hợp nặng do nhiệt tắc trở bên trong lâu ngày, làm cho người bệnh có thể ộc ra máu hoặc mủ mùi hôi; lưỡi thường đỏ, rêu lưỡi thường vàng; mạch sác.
2.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường do nhiệt tà từ bên ngoài xâm phạm vào, có khi ban đầu là do phong hàn từ bên ngoài xâm phạm vào phế lâu ngày uất mà hóa hỏa, hỏa thiêu đất bên trong tạo thành đàm nhiệt; tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời làm cho đàm nhiệt hóa nùng hình thành chứng phế ung làm cho người bệnh ộc ra mủ.
2.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
-Trong trường hợp chưa hình thành phế ung:
          *Pháp điều trị: Thanh tuyên phế nhiệt, chỉ khái, bình suyễn.
          *Bài thuốc     : Tang cúc ẩm (nhẹ) hoặc Ma hạnh thạch cam thang (nặng).
-Trường hợp đã hình thành phế ung và người bệnh ộc ra mủ:
          *Pháp điều trị: Thanh nhiệt bài nùng.
          *Bài thuốc     : Thiên kim vĩ thành thang.
2.3-Hội chứng táo tà phạm phế:
2.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh ho khan, ít đàm nhưng đàm thường dính và khó khạc, kèm theo có thể có khó thở, mũi khô, họng khô, khi ho hay có cảm giác đau ngực, rêu lưỡi mỏng, lưỡi khô ít tân dịch, mạch tế sác. Toàn thân: có thể xuất hiện phát sốt, sợ gió và sợ lạnh, đau đầu (có nghĩa là biểu hiện thêm các triệu chứng ở biểu)
2.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần bệnh hay phát vào mùa thu đông, là mùa mà các yếu tố táo chiếm ưu việt, cho nên táo tà dễ xâm nhập vào cơ thể làm ảnh hưởng tạng phế, dễ làm tiêu hao tân dịch của tạng phế mà đưa đến phế táo.
2.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh phế nhuận táo.
*Bài thuốc     : Tang hạnh thang hoặc Thanh táo cứu phế thang.
2.4-Hội chứng đàm thấp phạm phế:
2.4.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh ho khạc ra rất nhiều đàm, tính chất của đàm: sắc trắng, dính, dễ khạc; kèm theo có thể đau tức ngực, có thể thở thấy tiếng đàm lọc xọc ở trong gây ra khó thở; lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng và dính; mạch  huyền hoạt hoặc nhu hoãn.
2.4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Nguyên nhân ban đầu thường là do cảm thụ phong hàn, thấp tà từ bên ngoài xâm phạm vào; hoặc do ho và khó thở đã lâu ngày đưa đến phế mất chức năng phân bố và điều hòa tân dịch, làm tân dịch ngưng lại mà hóa thành đàm thấp; hoặc có thể do tỳ khí hư làm khả năng vận hóa và điều hòa tân dịch của tạng tỳ cũng bị ảnh hường làm cho tân dịch nung lại mà thành đàm thấp, đưa lên trên phế mà thành hội chứng bệnh lý.
2.4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Táo thấp hóa đàm.
*Bài thuốc     : Nhị trần thang hợp Tam tử dưỡng thân thang.


2.5-Hội chứng đại trường thấp nhiệt:
2.5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Đau bụng, tính chất đau có thể quặn, mót rặn, khi đại tiện có cảm giác nóng rát hậu môn, phân thường có máu mủ; toàn thân: miệng khô nhưng không thích uống nước (do thấp), đi tiểu thường ít, nước tiểu đỏ; lưỡi thường đỏ, rêu lưỡi vàng nhợt; mạch hoạt sác
2.5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Hội chứng bệnh này đa số gặp vào mùa hè và thu, là thời kỳ yếu tố thử và thấp dễ xâm phạm vào vị trường; ngoài ra còn có thể do người bệnh ăn uống thức ăn không sạch, ăn qúa nhiều các thức ăn sống lạnh; những nhân tố ấy làm cho thấp nhiệt ôn kết ở đại trường mà dưa đến hội chứng này.
2.5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh lợi thấp nhiệt.
*Bài thuốc     : Cát căn cầm liên thang hoặc Bạch đầu ông thang.


                            Ảnh trong bài lấy từ Internet

0 nhận xét: