HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN VI)


Đã đăng đủ 6 phần trong blog này. Các bạn vào các phần còn lại tham khảo nhé! Chúc các bạn thành công!                                                                          Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN

                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam

               Phần sáu : Hội chứng các tạng phủ kiêm bệnh




1-Đại cương:
Trên lâm sàng thường phối hợp bệnh 2 - 3 tạng, phủ với nhau.
Giữa các cơ quan nội tạng trong cơ thể con người về chức năng sinh lý là giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy khi phát sinh ra bệnh cũng thường chịu ảnh hưởng lẫn nhau, trên lâm sàng hình thái kết hợp này rất đa dạng, có thể kết hợp tạng - tạng, có thể kết hợp tạng - phủ và cũng có thể kết hợp phủ - phủ. Quan điểm YHCT cho rằng hễ có sự kết hợp giữa hai cơ quan trở lên và giữa chúng có mối quan hệ ảnh hưởng bệnh tật lẫn nhau, hoặc đồng thời cùng phát bệnh thì người ta gọi là hội chứng các tạng phủ kiêm bệnh. Trên lâm sàng hội chứng này rất đa dạng và phức tạp, nhưng thường gặp nhất là hội chứng kiêm bệnh giữa tạng và tạng.
2-Các hội chứng tạng phủ kiêm bệnh:   Chỉ giới thiệu một số hội chứng:
2.1-Hội chứng tâm thận bất giao:
Theo quan niệm YHCT tâm dương hạ giáng xuống thận với chức năng để ôn ấm phần thận thủy, đồng thời thận âm phải thượng tế lên tâm để dưỡng tâm hỏa, mối quan hệ qua lại ấy giữa tâm và thận gọi là tâm thận tương giao và làm cho thủy hỏa tương tế, đó là các hoạt động sinh lý bình thường giữa 2 tạng tâm và thận; trong trường hợp thận âm bất túc, không thể thượng tế lên tâm, để dưỡng tâm hỏa làm cho tâm hỏa không giữ đưọc cân bằng âm dương mà vượng lên, như vậy đồng thời tâm dương cũng không thể hạ giao xuống dưới để ôn dưỡng thận thủy làm cho quan hệ tâm - thận , âm - dương, thủy - hỏa mất đi sự hiệp hiệu và giao hòa với nhau đưa đến tình trạng bệnh lý là hội chứng tâm thận bất giao.
2.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh cảm thấy tâm phiền, mất ngủ, hay quên, đầu váng, tai ù, họng khô, lưng và gối có cảm giác đau mỏi, có thể xuất hiện triều nhiệt, đạo hãn, hoặc đôi khi lưng và gối có thể đau tê mà phát lạnh, đối với nam có thể xuất hiện mộng tinh.
2.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số hay gặp ở những người lao lực quá độ hoặc phòng sự bất điều, ảnh hưởng làm tiêu hao đến phần âm của tâm thận, phần âm của tâm thận bị tiêu hao sẽ làm cho tâm hỏa mất cân bằng mà vượng lên, nó không thể hạ giao xuống dưới với thận dẫn đến tâm thận bất giao; khi tâm hỏa vượng lên, nó không tàng chứa được thần làm cho người bệnh tâm thần bất an, tâm phiền không ngủ được; đồng thời thận âm hư kéo theo thận tinh hư tổn, làm cho đầu, mắt không được nuôi dưỡng, cốt tủy không được đầy đủ cho nên người bệnh hay quên, váng đầu, ù tai, họng khô, lưng và gối mềm đau; mặt khác âm hư hỏa vượng đưa tới hư  hỏa bị vọng động, cho nên người bệnh  triều nhiệt, đạo hãn, có thể mộng tinh đối với nam; đồng thời trong trường hợp hỏa vượng lên kéo dài, hỏa không được đưa xuống dưới quy về nguồn là thận, người ta gọi là hỏa bất quy nguyên, cho nên người bệnh có cảm giác lưng gối đau, tê mà phát lạnh.
2.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa (để giao thông tâm thận), dẫn hỏa quy nguyên.
*Bài thuốc     : Hoàng liên a giao thang
2.2-Hội chứng tâm thận dương hư:
Bình thường phần dương tâm và thận có sự hiệp hiệu nhằm ôn ấm các tạng phủ để vận hành huyết mạch (thận là nguồn gốc dương khí - tâm là chủ huyết mạch), đồng thời nó tham gia vào khí hóa tân dịch, vì vậy trong trường hợp tâm thận dương hư tất biểu hiện âm hàn bên trong mạch, hậu quả làm cho vận hành của huyết thường dễ bị đình ngưng và kéo theo thủy khí dễ ngưng trệ bên trong.
2.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh tay chân lạnh, người lạnh, tâm phiền, chính xung (hay tâm quí), nước tiểu thường ít, người có thể phù, môi và móng tay móng chân có thể xanh tím, chất lưỡi hơi tím, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm vi.
2.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số hay gặp ở những người mắc bệnh lâu ngày không khỏi, hoặc do lao lực, nội thương nhiều làm tổn thương phần dương khí của tâm; khi phần dương khí của tâm và thận suy làm mất chức năng ôn dưỡng hình thể nên người lạnh, tay chân lạnh; đồng thời khi tâm thận dương hư do bởi dương khí suy giảm làm mất động lực cho sự vận hành và điều hòa thủy dịch, đặc biệt vai trò của thận, vì vậy làm cho hàn thủy không hóa được, ứ trệ lại dẫn đến thủy khí nhập vào tâm (gọi là thủy khí lăng tâm) gây nên tâm phiền, chính xung, đồng thời thủy dịch ngưng lại bên trong làm cho tiểu ít và ngấm ra bì phu gây phù; bên cạnh đó, dương hư đặc biệt là tâm dương hư, ảnh hưởng đến ôn vận huyết mạch làm cho huyết bị ứ trở lại vì vậy môi, móng tay, móng chân người bệnh xanh tím, chất lưỡi xanh tím; thủy thấp không được vận hóa, ứ trệ bên trong nên rêu lưỡi trắng nhờn.
2.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Ôn bổ tâm thận
*Bài thuốc     : Chân vũ thang + Bảo nguyên thang.
2.3-Hội chứng phế thận khí hư;
Phế chủ khí điều hòa hô hấp, thận nạp khí là gốc của khí. Những trường hợp bệnh lý của phế và thận liên quan đến khí (hô hấp).
2.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Khó thở, khi thở thì đoản khí, đăc biệt khi người bệnh vận động các triệu chứng trên tăng lên, tiếng nói yếu, tiếng thở yếu, người bệnh có thể tự hãn, tay chân thường lạnh, mặt thường xanh, lưỡi nhợt, có thể xuất hiện di niệu, trong một số trường hợp nặng người bệnh có thể ra nhiều mồ hôi, mồ hôi lạnh. Mạch thường hư. Một số trường hợp môi khô, họng khô, mặt đỏ, lưỡi đỏ, mạch tế sác.
2.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Hội chứng này hay gặp ở những người ho và khó thở kéo dài, làm tổn thương đến phế  khí  và thận  khí, khi phế và thận khí đều hư  làm cho  khí không về nguồn (bất quy nguyên) và thận không nạp khí, dẫn đến người bệnh khó thở và đoản khí, khi vận động thì tăng lên; phế hư làm cho phần tông khí cũng kém cho nên tiếng nói rời rạc, tiếng thở yếu, đồng thời khí hư làm cho vệ khí bị tổn thương, gây nên vệ dương bất cố làm ra nhiều mồ hôi; khí hư cũng làm cho khí hóa của bàng quang kém, mất khả năng tiết chế nước tiểu, vì vậy mà người bệnh có thể bị di niệu. Khí hư thường kéo theo dương hư, mà dương hư không ôn ấm được hành thổ làm cho người lạnh, tay chân lạnh, lưỡi nhợt, sắc mặt xanh nhợt. Trong trường hợp nặng có thể gây nên dương khí thoát làm cho mồ hôi ra như tắm và mồ hôi lạnh, khí hư cho nên mạch cũng hư, trong trường hợp người bệnh lại thiên về âm hư do bởi âm dịch bị tổn thương sẽ sinh nội nhiệt, cùng với những biểu hiện của khó thở, của rối loạn hô hấp, người bệnh còn kèm theo mặt đỏ, miệng khô, họng khô, mạch tế sác.
2.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ thận nạp khí.
*Bài thuốc     : Nhân sâm hồ đào thang hoặc Thất vị đô khí hoàn + Sinh mạch tán
2.4- Hội chứng phế thận âm hư;
Quan điểm YHCT cho rằng thận âm là căn bản của âm dịch toàn cơ thể, cùng với phế là tạng có chức năng tham gia điều hòa tân dịch cho cơ thể, vì vậygiữa phế và thận có mối quan hệ tương hỗ với nhau trong phần điều hòa âm dịch, do đó đứng về góc độ bệnh lý khi phế thận âm đều hư làm cho cơ thể mất đi sự nhu nhuận và hậu quả là táo nhiệt sinh ra bên trong, đối với tạng phế khi phế âm hư mất đi khả năng thanh túc mà đưa tới khí nghịch, thận âm hư mất đi khả năng tư nhuận đưa tới hỏa động.
2.4.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh ho, khạc đàm trong đàm ít có thể có dính máu, miệng họng thường khô, lưng gối có cảm giác đau mỏi, tâm phiền, ít ngủ, cốt chưng (có cảm giác đau nóng trong xương), triều nhiệt, đạo hãn, gò má đỏ, đối với nam di tinh, đối với nữ rối loạn kinh nguyệt, chất lưỡi thường đỏ và ít rêu, mạch tế sác.
2.4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần vì người bệnh ho lâu ngày làm cho tạng phế bị tổn thương, phế hư không thể phân bố được tân dịch, đồng thời có thể kết hợp với những trường hợp lao lực quá độ, cũng làm cho thận âm bị hư tổn, dẫn đến âm dịch không được đưa lên trên, kết hợp với âm hư sinh hỏa vượng dẫn đến hư hỏa làm tổn thương tạng phế mà hình thành hội chứng phế thận âm hư. Phế âm hư mất khả năng thanh nhuận, vì vậy người bệnh ho khan và ít đàm, miệng họng khô; trong trường hợp hư hỏa đưa lên mặt, có thể thiêu đốt phần mạch lạc của phế mà gây ho ra máu hoặc trong đàm có lẫn máu; hư hỏa bốc lên trên còn có thể gây ra nhiễu loạn thần minh, làm cho người bệnh tâm phiền không ngủ được; hư hỏa bên trong có thể gây nhiễu loạn đối với nam làm ảnh hưởng tinh phòng gây di tinh, đối với nữ ảnh hưởng bào cung gây rối loạn kinh nguyệt.
2.4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ nhuận phế
*Bài thuốc     : Bách hợp  cố kim thang.
2.5-Hội chứng can thận âm hư:
Y học cổ truyền cho rằng can thận đồng nguyên: thận thủy dưỡng can mộc, làm cho  can  âm  và thận  âm luôn  có sự hỗ tương tác  động lẫn nhau, nếu  mạnh cả  2  cùng mạnh, nếu suy cả hai cùng suy. Vì vậy trong thực tế khi thận âm bất túc, bao giờ cũng dẫn tới can âm bất túc. Ngược lại khi can âm bất túc bao giờ cũng ảnh hưởng ngược làm cho thận âm dễ tổn thương. Âm hư làm cho dương vượng, cho nên hội chứng can thận âm hư dựa trên: Biểu hiện âm dịch bị tổn thương; hậu quả là dương kháng và hỏa động.
2.5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Hay váng đầu, hoa mắt, hay quên, mất ngủ, tai có thể ù như ve kêu, họng miệng khô, có thể đau vùng mạn sườn, đau lưng gối, có thể biểu hiện ngũ tâm phiền nhiệt, gò má đỏ, đạo hãn, nam có thể di tinh, nữ kinh nguyệt thường lượng ít.
2.5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do nguyên nhân bên trong, người bệnh lao lực quá độ, làm tổn thương phần tinh huyết của cơ thể nhiều, hoặc từ những bệnh khác mà tình trạng bệnh kéo dài làm tiêu tổn phần âm của can thận gây nên hội chứng can thận âm hư. Khi phần âm của can thận bị suy tổn, làm phần dương vượng lên tạo thành hư hỏa mà nhiễu động lên trên, gây váng đầu, hoa mắt, hay quên, ù tai; hư hỏa vọng động lên trên mà âm dịch không đưa được lên trên nên người bệnh xuất hiện miệng họng khô. Kinh mạch của tạng can phân bốở 2 bên mạn sườn, một khi kinh mạch mất phần âm dịch nuôi dưỡng nó sẽ bị co rút làm cho người bệnh xuất hiện đau vùng mạn sườn; khi hư hỏa vọng động lên trên gây ngũ tâm phiền nhiệt, đạo hãn, xuất hiện cơn bốc hỏa làm cho mặt đỏ, gò má đỏ. Đồng thời hỏa còn có thể nhiễu động thần minh làm người bệnh mất ngủ, tâm phiền, đối với nam hỏa có thể nhiuễ động tinh phòng làm xuất hiện di tinh, đối với nữ mạch nhâm và mạch xung chủ về điều hòa kinh nguyệt và hai mạch này đều thuộc can và thận do vậy khi can thận âm hư, cũng làm ảnh hưởng tới sự hoạt động của 2 mạch xung nhâm, cho nên làm kinh nguyệt lượng ít; người bệnh toàn thân chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít và mạch tế sác đều là biểu hiện của chứng âm hư sinh nội nhiệt.
2.5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư bổ can thận.
*Bài thuốc     : Kỷ cúc địa hoàng hoàn.



0 nhận xét:

HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN V)


                                                                          Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN

                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam

    Phần năm : THẬN - BÀNG QUANG

                   "Thận vô thực chứng": Tạng thận không có chứng thực



1-Hội chứng thận dương hư;
1.1-Hội chứng thận dương bất túc:
1.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh sắc mặt xạm trắng, cơ thể tay chân lạnh, tinh thần ủ rủ, lưng gối thường đau mỏi, có cảm giác lạnh, đối với nam có thể liệt dương, đối với nữ có thể làm cho bào cung lạnh mà không có thai, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế vô lực.
1.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Phần nhiều là do bẩm sinh của cơ thể đã là dương hư, hoặc hay gặp ở những người tuổi cao làm cho dương khí của cơ thể suy giảm đi nhiều, hay người bệnh bị mắc các bệnh khác kéo dài lâu ngày cũng làm ảnh hưởng đến thận, hoặc gặp ở những người phòng lao qúa độ làm tổn thương dương khí của tạng thận mà dẫn đến.
1.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Ôn bổ thận dương.
*Bài thuốc     : Bát vị quế phụ hoặc Kim quỹ thận khí hoàn hoặc Hữu quy ẩm.
1.2-Hội chứng thận hư thủy phiếm:
1.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh sợ lạnh, chân tay lạnh, đi tiểu nước tiểu thường ít, người có phù, đặc biệt từ lưng trở xuống phù nặng, lưng đau, gối mỏi; hoặc ở trạng thái lâm sàng khác có thể thấy: tâm phiền, khí đoản, khó thở, ho có thể nghe tiếng lọc xọc trong cổ. Chất lưỡi nhợt và bệu, rêu lưỡi trắng và nhờn, có thể vết hằn răng trên chất lưỡi; mạch trầm huyền.
1.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường gặp ở người mắc bệnh lâu ngày, làm tổn thương dương khí của thận, làm  cho dương khí của thận tiêu hao, mất khả năng ôn hóa thủy dịch, làm thủy thấp ngưng đọng mà đưa đến phù, đồng thời dương hư hỏa suy không thể ôn ấm được cơ thể và tứ chi cho nên người lạnh và chân tay lạnh.
1.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Ôn dương hành thủy.
*Bài thuốc     : Tế sinh thận khí hoàn hoặc Chân vũ thang.
2-Hội chứng thận âm hư:
2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh chóng mặt, ù tai, hay quên, ít ngủ, thị lực có thể giảm, lưng gối đau mỏi, người gầy yếu, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khô, lưỡi khô, hay có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, đạo hãn, gò má đỏ; đối với nam có thể di tinh; đối với nữ có thể kinh nguyệt ít, thậm chí có thể bế kinh, hoặc ngược lại có thể rong kinh, rong huyết; lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít khô, mạch tế sác.
2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần do mắc bệnh khác kéo dài mà ảnh hưởng đến thận, hoặc cũng do hành sự bất điều, hoặc gặp ở những ngưòi bị mất nước, mất máu nhiều, hoặc gặp ở những người ăn uống các thuốc hay các thức ăn cay nóng nhiều, làm tổn thương âm dịch cơ thể, hoặc do rối loạn thất tình làm ảnh hưởng đến phần âm cơ thể mà đưa tới.
2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
  -Trường hợp thông thường:
          *Pháp điều trị: Tư bổ thận âm.
          *Bài thuốc     : Lục vị hoàn.
  -Trường hợp có biểu hiện hỏa vượng:
          *Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa.
          *Bài thuốc     : Tri bá địa hoàng hoàn.
3-Hội chứng thận khí bất cố:
3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh có tinh thần mệt mỏi, lưng gối đau mỏi; đi tiểu hay đái rắc, nước tiểu trong hoặc cũng có thể sau khi đi tiểu không hết bãi, nước tiểu còn sót lại, hoặc ngược lại người bệnh khi mót tiểu thì không cầm được (di niệu), đêm có thể hay đi tiểu nhiều lần; đối với nam có thể có hiện tượng xuất tinh sớm; đối với nữ thường hay ra khí hư với tính chất trong và loãng, khi có thai hay bị sẩy thai.
3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đây là hội chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi vì theo quy luật sinh lý thì thận khí đã suy giảm nhiều, hoặc gặp ở phụ nữ mới sinh mà thận khí không đầy đủ, hoặc có thể gặp ở những người mắc bệnh lâu ngày hay lao tổn nhiều mà ảnh hưởng đến thận, làm cho phần khí của tạng thận bị tiêu hao nhiều, dẫn đến chức năng tàng chứa tinh của tạng thận cũng như chức năng cố nhiếp của tạng thận bị rối loạn.
3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ thận cố nhiếp.
*Bài thuốc     : Bế tinh hoàn.



4-Hội chứng thận tinh bất túc:
4.1-Triệu chứng lâm sàng:
Đối với nam: lượng tinh thường ít, thậm chí mất khả năng có con; đối với phụ nữ: có thể bế kinh hoặc khó có con; đối với trẻ em: phát dục chậm, sự phát triển của cơ thể cũng như về trí tuệ châm chạp và đần độn, xương mềm yếu, thóp chậm liền. Khi hội chứng này xảy ra ở người trưởng thành thì tốc độ già nhanh, răng lung lay dễ rụng, hay quên, tinh thần và các động tác chậm chạp.
4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Có thể do bẩm sinh làm cho tiên thiên phát dục không tốt, hoặc cũng có thể do hậu thiên là chế độ dinh dưỡng kém, kết hợp lao lực quá nhiều, hoặc cũng có thể từ bệnh khác kéo dài làm tổn thương đến chức năng sinh tinh của thận.
4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ thận ích tinh.
*Bài thuốc     : Hà sa đại tạo hoàn.
5-Hội chứng bàng quang thấp nhiệt:
5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Đái buốt, đái rắc, mỗi lần đi tiểu nước tiểu ít  người bệnh có cảm giác đau, đặc điểm nước tiểu thường vàng, đục, đôi khi có thể kèm theo đái ra máu hoặc đái ra sạn sỏi. Toàn thân: có thể có hay không có phát sốt, đau lưng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.
5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Phần lớn là do thấp nhiệt tà từ bên ngoài xâm phạm vào cơ thể, nó ôn kết ở bàng quang, hoặc do ăn uống không điều độ, ăn nhiều các thức ăn cay nóng làm thấp nhiệt nội sinh bên trong đưa xuống bàng quang mà gây bệnh.
5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp thông lâm.
*Bài thuốc     :  -Đái ra sỏi: Bát chính tán.   -Đái ra máu: Đạo xích tán.

0 nhận xét:

HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN IV)


                                                                          Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN

                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam

       Phần bốn : CAN - ĐỞM



1- Hư chứng;   Chỉ có 1 hội chứng can huyết hư:
1.1.-Triệu chứng lâm sàng:
Sắc mặt nhợt, hay hoa mắt, chóng mặt, khi ngủ hay mơ, tai hay có cảm giác ù như ve kêu, mắt thường khô, thị lực thường giảm hoặc có trường hợp người bệnh quáng gà, tay chân - cơ thể thường có cảm giác tê bì hoặc đôi khi có thể co giật, móng tay - móng chân nhợt nhạt; phụ nữ: kinh nguyệt lượng ít và thậm chí có thể vô kinh. Lưỡi nhợt, mạch tế.
1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số do bởi những nguyên nhân làm cho nguồn tạo huyết không đủ, hoặc vì những lý do khác làm người bệnh mất máu kéo dài hoặc mất máu nhiều, hoặc do mắc các bệnh lâu ngày làm tổn thương đến can huyết mà đưa tới bệnh lý.
1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ dưỡng can huyết.
*Bài thuốc     : Bổ can thang.
2- Thực chứng:
2.1-Hội chứng can khí uất kết;
2.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh có cảm giác uất ức, hay cáu giận, có cảm giác đau tức vùng ngực hoặc mạn sườn, khi nghỉ ngơi và thư thái thì các triệu chứng trên giảm đi, biểu hiện này ở phụ nữ có thể ở dưới dạng khác: cảm giác đau, chướng bụng, kèm theo rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt hay thống kinh. Mạch can huyền. Hoặc trong trường hợp can khí uất kết biểu hiện dưới dạng một tình trạng bệnh lý khác như: người bệnh có cảm giác vướng trong họng, cảm giác có một cái hạt trong họng mà không thể nuốt hoặc khạc ra được (YHCT gọi là mai hạch khí # loạn cảm họng của YHHĐ), hoặc có trường hợp có bướu ở cổ (YHCT gọi là anh lựu, YHHĐ là cả bướu cổ đơn thuần và cường tính hóa).
2.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số là do tình chí uất ức, từ uất giận mà làm tổn thương đến tạng can, có thể do từ nguyên nhân khác làm rối loạn sơ tiết của tạng can mà dẫn tới.
2.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
-Trường hợp can khí uất kết thông thường:
*Pháp điều trị: Sơ can giải uất.
*Bài thuốc     : Sài hồ sơ can thang.
          -Trường hợp mai hạch khí:
                   *Pháp điều trị: Lý khí tiêu đàm.
                   *Bài thuốc     : Tứ thất thang.
          -Trường hợp anh lựu;
                   *Pháp điều trị: Lý khí tiêu anh.
                   *Bài thuốc     : Hải tảo ngọc hoàn thang.
2.2-Hội chứng can hỏa thượng viêm (hay dùng từ can hỏa vượng):
          2.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
          Người bệnh thường hay đau đầu, chóng mặt, ù tai, ở mặt hay có cơn bốc hỏa: mặt đỏ, mắt đỏ; miệng họng thường khô, hay có cảm giác đau với tính chất nóng rát vùng ngực sườn, tính tình người bệnh nóng nảy, dễ cáu giận thường ít ngủ và giấc ngủ không  sâu, hay mê sảng, trường hợp nặng người bệnh có thể nôn ra máu hay chảy máu cam. Toàn thân thường đại tiện táo, nước tiểu đỏ và ít, chất lưỡi thường đỏ, rêu lưỡi thường vàng khô, mạch huyền sác.
          2.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
          Đa phần là hậu quả của can khí uất kết kéo dài h óa hỏa mà dẫn đến, làm cho khí hỏa của can thượng nghịch lên trên mà dẫn đến bệnh, trong y văn cổ nói; “khí hữu dư biến thành hỏa”
          2.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
          *Pháp điều trị: Thanh can tả hỏa.
          *Bài thuốc     : Long đởm tả can thang.
          2.3- Hội chứng can dương thượng kháng;
2.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh chóng mặt, ù tai, thường đau đầu, mặt đỏ, mắt đỏ, tính tình nóng nảy dễ cáu giận, thường mất ngủ, khi ngủ hay mê, hay quên và hay có cảm giác tâm phiền, kèm theo có lưng đau, gối mỏi, chất lưỡi đỏ sẫm, mạch huyền tế sác.
2.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Dẫn đến can dương thượng kháng nguyên nhân phần lớn là do thận âm hư không thể chế ước được can dương mà đưa tới can dương thượng nghịch lên trên, hoặc do bởi người bệnh uất giận, lo lắng nhiều làm cho khí uất bên trong hóa hỏa dẫn tới làm tiêu tổn phần âm dịch, làm phần âm huyết bị hư không thể cân bằng với dương, không thể chế ước được dương, dẫn tới phần dương thượng kháng lên trên.
2.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư âm bình can tiềm dương.
*Bài thuốc:   - Mức độ nhẹ    : Kỷ cúc địa hoàng hoàn.
                    - Mức độ nặng  : Thiên ma câu đằng ẩm
2.4-Hội chứng can phong nội động:  Có nhiều trạng thái biểu hiện lâm sàng khác nhau:
2.4.1-Triệu chứng lâm sàng:
2.4.1.1-Thể can dương vượng:
    -Can dương thượng xung (nhẹ): Người bệnh nhức đầu, chóng mặt, ù tai, đi đứng có cảm giác hay loạng choạng, chân tay thường có cảm giác tê bì và dễ co giật, lưỡi đỏ, mạch huyền tế.
   -Thể trúng phong (nặng): Đột nhiên người bệnh ngã, lưỡi cứng, mắt và miệng có thể méo lệch, kèm theo thường có liệt nữa người, trong một số trường hợp có thể kèm theo hôn mê
2.4.1.2-Thể nhiệt cực sinh phong (Sốt cao co giật): Sốt cao, khát nước, co giật, nặng có thể thấy cổ cứng, 2 mắt trợn ngược lên (trực thị), có thể xuất hiện hôn mê, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch thường là huyền sác
2.4.1.3-Thể huyết hư sinh phong: Người bệnh thường đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tay chân có thể co quắp, hoặc có cảm giác tê bì hay run, thị lực có thể giảm, sắc mặt hơi vàng, phụ nữ thì kinh nguyệt lượng thường ít và màu nhạt, lưỡi nhợt, mạch huyền tế.
2.4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
2.4.2.1-Thể can dương vượng: Thường do phần âm của can thận bị tổn thương, bị tiêu hao đi nhiều, nó làm cho can dương trội lên, làm dương khí của can bốc lên mà sinh phong.
2.4.2.2-Thể nhiệt cực sinh phong; Thường do nhiệt tà bên ngoài xâm phạm vào mạnh, nó hun đốt can kinh, mà can chủ cân làm cho người bệnh co giật, đồng thời nhiệt tà có thể xâm phạm vào tâm bào mà trong các trường hợp nặng làm cho người bệnh hôn mê.
2.4.2.3-Thể huyết hư sinh phong: Do bởi can huyết không đầy đủ làm cho cân mạch không được nuôi dưỡng, làm huyết hư mà sinh ra phong động.
2.4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
2.4.3.1-Thể can dương vượng:
  -Can dương thượng xung:
          *Pháp điều trị: Dưỡng âm (dục âm) bình can tức phong
          *Bài thuốc     : Trấn can tức phong thang,
  -Trúng phong:
          *Pháp điều trị: Khai khiếu.
          *Bài thuốc     : Chí bảo đan + Tô hợp hương hoàn.
2.4.3.2-Thể nhiệt cực sinh phong:
  -Không hôn mê, chỉ sốt cao co giật:
          *Pháp điều trị: Thanh nhiệt lương can tức phong.
          *Bài thuốc     : Linh dương giác câu đằng ẩm.
  -Có hôn mê:
          *Pháp điều trị: Khai khiếu.
          *Bài thuốc     : An cung ngưu hoàng hoàn.
2.4.3.3-Thể huyết hư sinh phong:
          *Pháp điều trị: Dường huyết tức phong.
          *Bài thuốc     : Bổ can thang.
2.5- Hội chứng hàn ngưng ở can mạch:
2.5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Đau bụng vùng hạ vị lan xuống dưới (vì theo đường đi của kinh can), đối với nam thấy có hiện tượng tinh hoàn bị sưng to. Toàn thân người lạnh, chân tay lạnh, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch thường trầm huyền hoặc trì.
2.5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường là do hàn tà từ bên ngoài xâm phạm vào mạch của can kinh, làm cho khí huyết vận hành trong can mạch bị ngưng trệ mà tạo thành.
2.5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Noãn (ấm) can tán hàn.
*Bài thuốc     : Noãn can tiễn.
2.6- Hội chứng can đởm thấp nhiệt:
2.6.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh thường có cảm giác đau tức vùng mạn sườn, miệng đắng, không muốn ăn, kèm theo cảm giác hay lợm giọng - buồn nôn, đại tiện thất thường lúc táo lúc nát, đi tiểu thường nước tiểu đỏ và ít, rêu lưỡi vàng - nhờn, mạch huyền sác.
Cũng có trường hợp xuất hiện hoàng đản (vàng mắt, vàng da). Có trường hợp biểu hiện dưới dạng lâm sàng khác: Đối với nam: tinh hoàn sưng nóng đỏ đau; đối với nữ: ra khí hư vàng hôi.
2.6.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do bởi người bệnh cảm thụ tà của thấp nhiệt từ bên ngoài vào, hoặc gặp ở người hay uống rượu, hay ăn các thức ăn béo ngọt làm cho yếu tố thấp từ bên trong sinh ra (thấp nhiệt nội sinh), do bởi rượu và các thức ăn béo ngọt khi ăn quá nhiều làm ảnh hưởng chức năng kiện vận của tỳ vị, vì đặc tính của tỳ vị là thích táo và ghét thấp, thấp nhiệt ở bên trong ôn kết vào can đởm mà dẫn đến hội chứng can đởm thấp nhiệt.
2.6.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, sơ can lợi ẩm.
*Bài thuốc     : Nhân trần cao thang.
2.7-Hội chứng đởm uất đàm nhiễu:
2.7.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh váng đầu, hoa mắt, miệng đắng, hay lợm giọng, buồn nôn, có khi nôn mữa thật sự, người bệnh có cảm giác phiền táo (bức rức khó chịu, cảm giác nóng trong người), thường kèm theo tức ngực, hay thở dài, ít ngủ và giấc ngủ không sâu, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền hoạt.
2.7.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Do rối loạn thất tình làm tình chí uất kết, khí uất lâu ngày có thể hóa hỏa, nhưng đồng thời cũng có thể sinh ra đàm, nếu tình trạng đàm ở bên trong sinh ra kéo dài thì đàm cũng hóa hỏa hình thành đàm nhiệt, nhiễu loạn bên trong, làm ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của đởm, cũng như chức năng hòa giáng của vị mà dẫn đến bệnh.
2.7.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh hhiệt hóa đàm, giáng nghịch hòa vị.

*Bài thuốc     : Hoàng liên ôn đởm thang.

0 nhận xét:

HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN III)


                                                                          Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN

                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam

        Phần ba : TỲ - VỊ




1- Hư chứng;
1.1-Hội chứng tỳ vị khí hư:
1.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Ăn uống kém, sau ăn thường khó tiêu, bụng có cảm giác chướng đầy, đại tiện phân thường nát và nhão, tứ chi thường mệt mỏi, tiếng thở yếu, ngại nói, người gầy, sắc mặt hơi vàng không tươi, lưỡi: nhợt rêu trắng, mạch hoãn nhược.
1.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do bởi người bệnh ăn uống thất thường, hoặc do lao lực làm người bệnh quá mệt mỏi, hoặc do những nguyên nhân khác làm cho người bệnh nôn và ỉa chảy kéo dài, cũng có thể do ảnh hưởng từ các bệnh của tạng phủ khác như: tạng can khắc tỳ vị quá mạnh, làm cho tỳ vị hư nhược và đưa đến.
1.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: ích khí kiện tỳ.
*Bài thuốc     : Tứ quân tử thang hoặc lục quân tử thang.
1.2- Hội chứng tỳ dương hư:
1.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Ăn kém, bụng có cảm giác chướng đầy, thường hay đau bụng âm ỉ với tính chất khi được chườm nóng hoặc xoa bóp thì có cảm giác dễ chịu hơn, miệng nhạt, không khát, đại tiện phân thường nhão và nát; có trường hợp tay và chân hơi phù, tiểu ít; phụ nữ có thể ra nhiều khí hư, tính chất của khí hư: trắng và loãng; chất lưỡi thường bệu và nhợt, rêu lưỡi thường trắng trơn; mạch trầm tế hoặc trì nhược.
1.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Tỳ dương hư thông thường là trên cơ sở của tỳ vị khí hư, bệnh phát triển nặng thêm một bước nữa mà hình thành; còn do người bệnh ăn uống thất thường, đặc biệt là ăn quá nhiều các thức ăn sống lạnh hoặc dùng quá nhiều các vị thuốc với tính vị hàn lương; những nguyên nhân này, làm tổn thương phần khí của tạng tỳ mà dẫn đến. Hội chứng này do bởi dương hư mà sinh hàn, nên người ta còn gọi nó 1 tên khác: Tỳ hư hàn chứng (tỳ vị hư hàn).
1.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
-Trong trường hợp không phù:
          *Pháp điều trị: Ôn trung kiện tỳ.
          *Bài thuốc     : Lý trung thang.
-Trong trường hợp có phù:
          *Pháp điều trị: Ôn tỳ hành thủy.
          *Bài thuốc     : Thực tỳ ẩm
1.3-Hội chứng tỳ khí hư hạ hãm:
1.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh thường hay váng đầu, hoa mắt, tiếng nói nhỏ - yếu, đoản khí, hay tự hãn, ăn ít, sau ăn bụng đầy trướng khó tiêu hay đại tiện vặt hoặc ỉa chảy kéo dài, có thể  kèm theo sa nội tạng (như: sa dạ dày, sa đại tràng...)
1.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Bệnh chứng này còn được gọi dưới một tên khác là trung khí hư hạ hãm, mà nguyên nhân là do khí ở trung tiêu bị suy giảm gây nên bệnh lý; làm cho khí ở trung tiêu suy giảm thường do lao lực quá nhiều, ăn uống kém hoặc ở những người bị ỉa chảy hay lỵ kéo dài.
1.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: ích khí thăng đề.
*Bài thuốc     : Bổ trung ích khí thang.
1.4-Hội chứng tỳ bất thống nhiếp huyết:
1.4.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh hay biểu hiện tình trạng xuất huyết dưới nhiều hình thức khác nhau: có thể là xuất huyết dưới da; có thể là đi cầu ra máu; ở phụ nữ có thể là: kinh nguyệt ra quá nhiều, rong kinh hay rong huyết; hoặc trong các trường hợp xuất huyết khác.
Tình trạng này có thể xuất hiện đơn độc hoặc kèm theo các hội chứng bệnh lý khác, ví dụ như: kèm hội chứng tỳ khí hư hoặc hội chứng tỳ dương hư.
1.4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Tình trạng này đa phần gặp ở những người mắc bệnh lâu ngày, làm cho tỳ khí bị hư tổn; hoặc ở những người do lao lực quá độ mà làm tổn thương tới tỳ khí lúc ban đầu, sau đó phát triển thành tỳ khí hư hạ hãm. Tất cả những nguyên nhân ấy làm cho tỳ khí hư, mất khả năng thống nhiếp huyết mà đưa đến bệnh lý.
1.4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: ích khí nhiếp huyết.
*Bài thuốc    : Quy tỳ thang.
1.5-Hội chứng vị âm bất túc:
1.5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh có miệng và lưỡi khô ráo, đói nhưng không muốn ăn hoặc nôn khan hay ợ hơi, bụng thường chướng, đại tiện phân thường khô táo, nước tiểu đỏ và ít, lưỡi thường khô đỏ sẫm và ít tân dịch, mạch tế sác.
1.5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do bởi hỏa nhiệt bên trong cơ thể mạnh, làm tiêu hao phần âm dịch của vị mà dẫn đến.
1.5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư âm dưỡng vị
*Bài thuốc     : ích vị thang
2- Thực chứng:
2.1- Hội chứng hàn thấp khốn tỳ:
2.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh có cảm giác đầy trướng bụng, không muốn ăn, khi ăn vào rất dễ bị nôn, miệng nhạt, không khát, bụng thường đau, đại tiện phân thường nát, đầu có cảm giác nặng như bị bọc, người có cảm giác nặng nề hoặc phù nhẹ, sắc mặt thường vàng tối, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch nhu hoãn.
2.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần nguyên nhân đưa đến là do bởi người bệnh ăn uống các thức ăn sống lạnh nhiều làm cho hàn thấp đình ngưng ở trung tiêu; hoặc do người bệnh trong công việc hay sinh hoạt bị dầm mưa, ngâm nước nhiều, làm cho thấp tà từ môi trường ngoài xâm phạm vào cơ thể, kết quả hàn thấp xâm nhập nặng vào bên trong, làm tổn thương phần dương khí của tạng tỳ mà gây bệnh.
2.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Ôn trung hóa thấp.
*Bài thuốc     : Vị linh thang.
2.2-Hội chứng tỳ vị thấp nhiệt:
2.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh có cảm giác đầy trướng bụng hoặc nôn khi ăn, tay chân và cơ thể có cảm giác nặng nề, đại tiện phân thường nhão nát, đi tiểu nước tiểu thường đỏ ít và khó đi tiểu. Có trường hợp người bệnh xuất hiện hoàng đản: da vàng, mắt vàng; người có thể nóng, ra mồ hôi mà nhiệt vẫn không giảm. Rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác.
2.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số là do cảm thụ thấp nhiệt tà từ bên ngoài xâm phạm vào cơ thể, hoặc có thể gặp ở những người ăn nhiều các thức ăn béo, ngọt hay uống rượu quá nhiều, những yếu tố đó tạo thành thấp nhiệt bên trong cơ thể ảnh hưởng đến tỳ vị mà đưa đến hội chứng bệnh lý.
2.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh nhiệt hóa thấp
*Bài thuốc     : Cam lộ tiêu độc đan.
2.3-Hội chứng vị hàn;
2.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh có cảm giác lạnh và đau vùng thượng vị, mức độ nhẹ thì đau âm ỉ kéo dài, mức độ nặng có thể xuất hiện các cơn đau rõ rệt, đặc biệt tính chất đau là gặp lạnh thí đau tăng lên, khi chườm nóng có cảm giác dễ chịu hơn; miệng nhạt, không khát, hay chảy ra nước miếng trong; hoặc sau khi ăn có thể bị nôn; người bệnh có cảm giác sôi bụng; lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, nhờn; mạch huyền hoặc trì.
2.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do bởi vị dương hư dẫn tới, mà vị dương hư thì nguyên nhân là bởi người  bệnh  hay  ăn  các  thức ăn  không sạch, ăn  nhiều các  thức ăn sống lạnh làm hàn ngưng ở vị mà tạo thành.
2.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Ôn trung tán hàn.
*Bài thuốc     : Hậu phác ôn trung thang.
2.4-Hội chứng vị nhiệt;
2.4.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh đau vùng thượng vị, nhưng đau có tính chất nóng rát vùng thượng vị, thường hay có cảm giác nuốt chua hoặc cồn cào vùng thượng vị, thích uống nước mát, khi ăn hay có cảm giác mau tiêu, mau đói hoặc sau khi ăn hay có cảm giác buồn nôn, dễ nôn hoặc có trường hợp biểu hiện miệng hôi hay có chảy máu vùng răng lợi hoặc sưng đau vùng răng lợi, đại tiện thường táo, chất lưỡi thường đỏ, rêu lưỡi thường vàng, mạch hoạt sác
2.4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do người bệnh ăn quá nhiều các thức ăn cay nóng, gia vị nhiều, tình trạng ấy kéo dài làm cho nhiệt tích lại ở tỳ vị hoặc có thể do rối loạn thất tình làm cho tình chí uất ức lâu ngày mà hóa hỏa hoặc nhiệt tà từ bên ngoài xâm phạm vào vị.
2.4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh vị tả hỏa.
*Bài thuốc     : Tả tâm thang hoặc Ngọc nữ tiễn.
2.5-  Hội chứng thực tích đình ngưng ở vị:
2.5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Vùng thượng vị có cảm giác chướng đau, người bệnh không thích ăn, hay ợ hơi và nôn mữa; đặc biệt khi ăn nhiều chất thịt, chất mỡ đại tiện thường thất thường lúc táo, lúc nát; rêu lưỡi dày, nhờn; mạch hoạt.
2.5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường do bởi ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều, ăn nhanh; đặc biệt là các chất thức ăn béo, ngọt đưa đến thức ăn đình tích ở vị, không vận hóa được mà dẫn tới bệnh lý.
2.5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tiêu thực dẫn ngưng.
*Bài thuốc     : Bảo hòa hoàn.
2.6-Hội chứng tỳ hư do giun:  (có thể xếp vào hư hoặc thực đều được)
2.6.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh hay có cảm giác đầy trướng vùng thượng vị, cùng cảm giác hay đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, mặt hơi vàng, người thường gầy, hay ợ hơi, đôi khi có thể nôn ra giun, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu.
2.6.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Do giun gây ra.
2.6.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Kiện tỳ trừ trùng tích.
*Bài thuốc     : Ô mai hoàn.


0 nhận xét:

HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN II)

                                                                          Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN
                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam

      Phần hai : phế - đại trường




1- Hư chứng;
1.1-Hội chứng phế khí hư:
1.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh mệt mỏi, tiếng thở yếu và tiếng ho cũng yếu, khi vận động thì khó thở tăng lên, người bệnh tự ra mồ hôi, sợ lạnh, sắc mặt nhợt, chất lưỡi nhợt, mạch hư nhược.
1.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
          Do phế chủ khí và điều hòa hô hấp, cho nên trong các trường hợp người bệnh bị ho lâu ngày, khó thở lâu ngày sẽ làm tổn thương phế khí hoặc do nguồn gốc sinh hóa của khí không đầy đủ mà nguyên nhân thường do tỳ hư, làm cho chức năng chủ khí của phế bị suy giảm mà đưa tới các biểu hiện lâm sàng trên.
1.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ ích phế khí.
*Bài thuốc     : Tứ quân tử thang gia hoàng kỳ.
Nếu phế khí hư nhiều làm cho người bệnh ra nhiều mồ hôi thì:
*Pháp điều trị phải là: ích khí cố biểu.
*Bài thuốc                 : Ngọc bình phong tán.
1.2-Hội chứng phế âm hư:
1.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Ho khan, khó thở, đôi khi có đàm nhưng ít và thường dính hoặc có trường hợp đàm lẫn tia máu, miệng và họng có cảm giác khô, tiếng nói đôi khi có thể bị khàn, người gầy mòn thậm chí có trường hợp hay sốt về chiều, ngũ tâm phiền nhiệt, ra mồ hôi trộm (đạo hãn), gò má có thể đỏ, lưỡi đỏ khô, mạch tế sác.
1.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do lao tổn gây nên hoặc hay gặp ở những người ho kéo dài, làm thương tổn đến phần âm của phế, gây nên phế âm hư.
1.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư âm nhuận phế.
*Bài thuốc     : Bách hợp cố kim thang.
1.3-Hội chứng đại trường tổn thương tân dịch;
1.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh đại tiện thường táo bón, phân thường khô, khó đại tiện, thậm chí có thể mấy ngày mới đại tiện 1 lần, miệng thường hôi, hay có cảm giác váng đầu; lưỡi đỏ, ít tân dịch nên khô, rêu lưỡi vàng khô; mạch tế sác
1.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đại trường táo nhiệt là do bởi tân dịch bị tổn thương, tiêu hao nhiều hoặc do phần vị âm không đủ không đưa được xuống dưới đại trường đều có thể làm cho tân dịch của đại trường bị tổn thương, chứng bệnh này hay thường gặp ở người già, phụ nữ sau đẻ, ở người trong giai đoạn hồi phục của các bệnh có sốt (hay gặp ở bệnh truyền nhiễm).
1.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Nhuận tràng để thông tiện.
*Bài thuốc     : Ma tử nhân hoàn.


2- Thực chứng:
2.1-Hội chứng hàn tà phạm phế:
2.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Ho và khó thở, khạc ra đàm trắng và loãng, miệng không khát, mũi hay tắc, nước mũi thường trong, toàn thân người bệnh cũng hay sợ lạnh, có thể có sốt, đầu và mình mẩy hay có cảm giác đau mỏi, rêu lưỡi trắng, mạch  khẩn.
2.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường là do ngoại cảm hàn tà từ bên ngoài, khi xâm phạm vào cơ thể nó từ biểu vào lý và tạng đầu tiên nó va chạm chính là tạng phế.
2.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tuyên phế tán hàn.
*Bài thuốc     : Hạnh tô tán.
2.2- Hội chứng phong nhiệt phạm phế:
2.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Ho, khó thở, tiếng thở thô, nếu khạc đàm thì đàm vàng đặc, miệng khát, họng đau, toàn thân phát sốt, sợ gió, sợ lạnh, đau ngực, đại tiện táo, nước tiểu đỏ và ít; trong các trường hợp nặng do nhiệt tắc trở bên trong lâu ngày, làm cho người bệnh có thể ộc ra máu hoặc mủ mùi hôi; lưỡi thường đỏ, rêu lưỡi thường vàng; mạch sác.
2.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường do nhiệt tà từ bên ngoài xâm phạm vào, có khi ban đầu là do phong hàn từ bên ngoài xâm phạm vào phế lâu ngày uất mà hóa hỏa, hỏa thiêu đất bên trong tạo thành đàm nhiệt; tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời làm cho đàm nhiệt hóa nùng hình thành chứng phế ung làm cho người bệnh ộc ra mủ.
2.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
-Trong trường hợp chưa hình thành phế ung:
          *Pháp điều trị: Thanh tuyên phế nhiệt, chỉ khái, bình suyễn.
          *Bài thuốc     : Tang cúc ẩm (nhẹ) hoặc Ma hạnh thạch cam thang (nặng).
-Trường hợp đã hình thành phế ung và người bệnh ộc ra mủ:
          *Pháp điều trị: Thanh nhiệt bài nùng.
          *Bài thuốc     : Thiên kim vĩ thành thang.
2.3-Hội chứng táo tà phạm phế:
2.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh ho khan, ít đàm nhưng đàm thường dính và khó khạc, kèm theo có thể có khó thở, mũi khô, họng khô, khi ho hay có cảm giác đau ngực, rêu lưỡi mỏng, lưỡi khô ít tân dịch, mạch tế sác. Toàn thân: có thể xuất hiện phát sốt, sợ gió và sợ lạnh, đau đầu (có nghĩa là biểu hiện thêm các triệu chứng ở biểu)
2.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần bệnh hay phát vào mùa thu đông, là mùa mà các yếu tố táo chiếm ưu việt, cho nên táo tà dễ xâm nhập vào cơ thể làm ảnh hưởng tạng phế, dễ làm tiêu hao tân dịch của tạng phế mà đưa đến phế táo.
2.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh phế nhuận táo.
*Bài thuốc     : Tang hạnh thang hoặc Thanh táo cứu phế thang.
2.4-Hội chứng đàm thấp phạm phế:
2.4.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh ho khạc ra rất nhiều đàm, tính chất của đàm: sắc trắng, dính, dễ khạc; kèm theo có thể đau tức ngực, có thể thở thấy tiếng đàm lọc xọc ở trong gây ra khó thở; lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng và dính; mạch  huyền hoạt hoặc nhu hoãn.
2.4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Nguyên nhân ban đầu thường là do cảm thụ phong hàn, thấp tà từ bên ngoài xâm phạm vào; hoặc do ho và khó thở đã lâu ngày đưa đến phế mất chức năng phân bố và điều hòa tân dịch, làm tân dịch ngưng lại mà hóa thành đàm thấp; hoặc có thể do tỳ khí hư làm khả năng vận hóa và điều hòa tân dịch của tạng tỳ cũng bị ảnh hường làm cho tân dịch nung lại mà thành đàm thấp, đưa lên trên phế mà thành hội chứng bệnh lý.
2.4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Táo thấp hóa đàm.
*Bài thuốc     : Nhị trần thang hợp Tam tử dưỡng thân thang.


2.5-Hội chứng đại trường thấp nhiệt:
2.5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Đau bụng, tính chất đau có thể quặn, mót rặn, khi đại tiện có cảm giác nóng rát hậu môn, phân thường có máu mủ; toàn thân: miệng khô nhưng không thích uống nước (do thấp), đi tiểu thường ít, nước tiểu đỏ; lưỡi thường đỏ, rêu lưỡi vàng nhợt; mạch hoạt sác
2.5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Hội chứng bệnh này đa số gặp vào mùa hè và thu, là thời kỳ yếu tố thử và thấp dễ xâm phạm vào vị trường; ngoài ra còn có thể do người bệnh ăn uống thức ăn không sạch, ăn qúa nhiều các thức ăn sống lạnh; những nhân tố ấy làm cho thấp nhiệt ôn kết ở đại trường mà dưa đến hội chứng này.
2.5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh lợi thấp nhiệt.
*Bài thuốc     : Cát căn cầm liên thang hoặc Bạch đầu ông thang.


                            Ảnh trong bài lấy từ Internet

0 nhận xét: