ĐINH LĂNG: "CÂY SÂM CỦA NGƯỜI NGHÈO"

            Bài ngắn hơn đã đăng ở Báo Quảng Nam Cuối tuần số 1848(5070) ngày 01-02 tháng 7-2006                   
                                           (không tìm thấy dữ kiệu trên báo Quảng Nam điện tử)
            1-Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá (vì nhân dân thường lấy lá để ăn gỏi cá), nam dương sâm. Nó là một loại cây phổ biến được trồng làm cảnh ở khắp nơi. Nhân dân thường dùng lá đinh lăng phơi khô đem lót gối hoặc trải gường cho trẻ nằm để đề phòng kinh giật; dùng lá sắc cho phụ nữ sau sinh uống thấy cơ thể nhẹ nhõm, khoẻ mạnh, có nhiều sữa; lá non có thể dùng làm rau ăn sống; lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian thường gọi là “mùi thuốc bắc”, lá tươi không có mùi thơm này. Thường sử dụng đinh lăng lá nhỏ (Panax fruticosum L.) để làm thuốc: dùng rễ (thường sử dụng cây 3 năm tuổi trở lên) rửa sạch, phơi khô để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5% sao qua, rồi tẩm mật ong 5% sao thơm, dược liệu có vị ngọt đắng, mùi thơm, tính mát; các loại đinh lăng khác ít hoặc không dùng làm thuốc; người Ấn Độ còn dùng đinh lăng làm thuốc hạ sốt, làm săn da và niêm mạc.









Ảnh: Internet

          Đã từ lâu y học cổ truyền nước ta dùng đinh lăng lá nhỏ dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa các chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, làm thuốc tăng lực. Theo y học cổ truyền: rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết; lá đinh lăng có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ; nói chung, ngoài tác dụng lương (làm mát) huyết và giải độc thức ăn, những tính chất khác của đinh lăng gần giống như nhân sâm. Hải Thượng Lãn Ông đã dùng rễ đinh lăng sao vàng, khử thổ, sắc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa. Có y gia gọi cây đinh lăng lá nhỏ là “cây sâm của người nghèo”.
          2-Những nghiên cứu của khoa học hiện đại ngày càng chứng minh sự đúng đắn kinh nghiệm của y học cổ truyền:
-Các nghiên cứu về hoá học cho thấy: rễ đinh lăng lá nhỏ 3 năm tuổi chứa hàm lượng hoạt chất cao trong vỏ như gluxit, saponin triterpenic, tanin; thân và lá cũng chứa chúng nhưng hàm lượng thấp hơn. Thành phần dịch chiết của đinh lăng lá nhỏ gần giống như nhân sâm Triều Tiên. Bột rễ đinh lăng lá nhỏ chứa 20 axit amin (trong đó có một số axit amin cơ thể không thể tổng hợp được), vitamin nhóm B và các nguyên tố vi lượng.
-Những nghiên cứu về dược lý cho thấy: nước sắc hay bột rễ đinh lăng lá nhỏ có tác dụng bổ, tăng sức dẻo dai của cơ thể bị suy nhược, làm ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, làm nhịp tim sớm trở lại bình thường sau khi gắng sức… Vì vậy, các chế phẩm của đinh lăng lá nhỏ được dùng cho vận động viên trong thi đấu, bộ đội hành quân kéo dài; được Liên Xô sử dụng trong chương trình du hành vũ trụ và các nghiên cứu của Liên Xô gọi nó là “Thuốc sinh thích nghi”. Các nghiên cứu ở nước ta cũng cho thấy: bột rễ hay dịch chiết rễ đinh lăng lá nhỏ có khả năng tăng sức chịu đựng của cơ thể con người trong điều kiện nóng ẩm tốt hơn vitamin C và chè giải nhiệt. Dịch chiết rễ hay bột rễ còn có tác động ức chế men Monoamin Oxydaza (M.A.O) trên cơ thể (sâm Triều Tiên hay tam thất không có tác dụng này), nhờ vậy giúp duy trì việc dẫn truyền xung động thần kinh một cách liên tục và mạnh mẽ, gây nên sự kích thích sinh học cơ thể, làm cơ thể không mệt mỏi, có cảm giác sung sức, thoải mái, đó là tác dụng làm tăng lực của đinh lăng lá nhỏ; nó còn có tác dụng kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng đối với bệnh tật. Một nghiên cứu về dung dịch cao đinh lăng cho thấy: tăng biên độ điện thế não; tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng; tăng hoạt động phản xạ có điều kiện gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt; nhìn chung, dưới tác dụng của cao đinh lăng, vỏ não được hoạt hóa nhẹ và có tính đồng bộ, các chức năng của hệ thần kinh về tiếp nhận và tích hợp đều tốt. Một vài nghiên cứu còn cho thấy nước sắc, rượu lá đinh lăng lá nhỏ có tác dụng ức chế các vi khuẩn sinh mủ và vi khuẩn đường ruột. Đinh lăng ít độc, còn ít độc hơn so với nhân sâm.
          3-Một số ứng dụng:
          3.1-Để bồi bổ cơ thể, tăng lực thường dùng các dạng sau:
           -Thuốc ngâm rượu: rễ đinh lăng khô không sao tẩm 100g, tán nhỏ ngâm với 1 lít rượu 30-350 trong 7-10 ngày, thỉnh thoảng lắc đều; ngày uống 2 lần, mỗi lần 6-10ml, uống trước bữa ăn 30 phút.
          -Thuốc bột và thuốc viên: rễ đinh lăng đã sao tẩm (như trên) 100g tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 1-2g; hoặc trộn mật ong vừa đủ làm viên, mỗi viên 0,5g, ngày uống 2-4 viên chia 2 lần.
          -Thuốc hãm: rễ đinh lăng đã sao tẩm 5-10g, hãm với nước sôi như hãm chè, chia uống nhiều lần trong ngày; chữa mệt mỏi, biếng hoạt động. Nếu để thông tia sữa thì dùng 30-40g đổ 500ml nước sắc còn 250ml, uống nóng chia 2-3 lần trong ngày.
-Thuốc sắc: nấu sôi khoảng 200ml nước, cho 150-200g lá đinh lăng tươi vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút mở nắp ra và đảo qua đảo lại vài lần; sau 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên; đổ tiếp 200ml nước vào để nấu nước 2 và uống tiếp. Cách này còn có thể ngừa dị ứng.
          3.2-Một số ứng dụng khác:
          -Chữa nổi mề đay, mẩn ngứa: lá đinh lăng khô 80g, đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày.
          -Nhai nuốt lá với một ít đường phèn để trị hóc (mắc) xương cá
          -Ngoài ra còn dùng thân và cành lá đinh lăng sắc uống liều 20-30g/ngày chữa đau lưng, mỏi gối, phong thấp.
          LƯU Ý: dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say, có hiện tượng mệt mỏi đối với cơ thể.
          Do giá trị y học to lớn và tính phổ biến của cây đinh lăng lá nhỏ (dễ tìm, dễ trồng và dễ sử dụng), có thể ví nó là “Cây sâm của mọi nhà”; mỗi gia đình nên trồng cây đinh lăng lá nhỏ vừa làm cây cảnh, vừa sử dụng làm thuốc (chủ yếu là mặt bổ dưỡng, tăng lực)

                                                         Lê   Thân  (Tổng hợp)


0 nhận xét: