KHÔNG DÙNG CÂY VÒI VOI BẰNG ĐƯỜNG UỐNG

Bài đăng ở Báo Quảng Nam số 3531 (6753) ngày 21.3.2013 ( Tại đây)

Cây vòi voi còn gọi là vòi voi, cẩu vĩ trùng, đại vĩ đạo. Tên khoa học Heliotropium indicum L. (Heliotropium anisophyllum P. de B.), thuộc họ Vòi voi Borraginaceae. Cây mọc hoang khắp nơi, dân gian thường dùng toàn cây, hái về phơi khô hoặc dùng tươi.


                                                                                                   Ảnh: Internet


Trong lá, hoa, quả và rễ cây có độc tính cao đối với gan và gây hủy hoại tổ chức gan, đau bụng, ỉa chảy, xuất huyết lan tỏa và có thể gây ung thư; tính chất độc này thường không thể hiện ngay khi dùng, mà thường xuất hiện một cách âm ỉ, kéo dài, khó phát hiện. Trên cơ sở đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên dùng vòi voi làm thuốc; Bộ Y tế Việt Nam năm 1985 cũng đã có chỉ thị cần thận trọng khi dùng vòi voi chữa bệnh, mặc dầu chỉ dùng ngoài để đắp theo kinh nghiệm cổ truyền: trong các trường hợp tụ huyết, bầm tím do chấn thương, viêm tấy, áp xe, sưng vú, sưng khớp, đinh nhọt giai đoạn chưa có mủ…; tuy nhiên, không nên dùng cho người già yếu và khi có kết quả nên ngừng ngay, không nên dùng lâu.
Cây vòi voi có hai tác dụng chủ yếu:  (1) Cao rượu vòi voi có tác dụng rất tốt đối với những trường hợp viêm hay cương tụ huyết chưa làm mủ: chỉ cần đắp cao rượu vòi voi trong 3 - 5 ngày, đắp ướt liên tục. Nếu đã có mủ rồi, cao rượu vòi voi không có tác dụng làm tan mủ, nhưng cũng làm cho mủ không lan rộng hơn và làm bớt sưng tấy ở những vùng xung quang ổ mủ. Sau khi chích mủ, nếu băng bằng cao rượu vòi voi, vết thương chóng lành và đỡ đau hơn là băng thường. Cao rượu vòi voi đắp lên chỗ sưng làm dịu đau ngay, người bệnh thấy có cảm giác mát dịu, dễ chịu, không nhức nhối như khi chưa đắp thuốc. (2) Chữa sưng đầu gối với các triệu chứng sau: trước phát bệnh mỏi đầu gối, 3 hôm sau vùng đầu gối đỏ và sưng to lên, người sốt nhẹ, không đi lại được; dùng cây vòi voi tươi, chặt thành từng đoạn nhỏ, giã cho dập, bỏ vào nồi sao với giấm hoặc với rượu, gói vào miếng vải, buộc vào chỗ sưng; làm như vậy trong một năm.
Tuyệt đối không dùng cây vòi voi trong thang thuốc để sắc uống, mà chỉ dùng đắp ngoài như trên, nhưng phải hết sức thận trọng.
Ở Quảng Nam có phong trào sử dụng thuốc nam, châm cứu chữa bệnh thông thường ở tuyến y tế cơ sở; có nhiều sách xuất bản trước đây hướng dẫn dùng thuốc, trong đó có dùng cây vòi voi làm thuốc chữa phong thấp, đinh nhọt… bằng đường uống. Tuy nhiên, một số thầy thuốc đông y và một số người chưa nắm được thông tin về độc tính của cây vòi voi nên vẫn bốc thuốc hoặc mách miệng tự dùng vị thuốc vòi voi cho người bệnh uống và kể cả việc dạy cho học trò những thang thuốc uống chữa bệnh có vòi voi.
Còn việc chế biến cây vòi voi bằng cách sao vàng hạ thổ, đất sẽ hút độc đi! Đó chỉ mới là ý tưởng, cần được nghiên cứu thử nghiệm một cách khoa học.

Lê Thân (Tổng hợp)

0 nhận xét: