HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN VI)


Đã đăng đủ 6 phần trong blog này. Các bạn vào các phần còn lại tham khảo nhé! Chúc các bạn thành công!                                                                          Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN

                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam

               Phần sáu : Hội chứng các tạng phủ kiêm bệnh




1-Đại cương:
Trên lâm sàng thường phối hợp bệnh 2 - 3 tạng, phủ với nhau.
Giữa các cơ quan nội tạng trong cơ thể con người về chức năng sinh lý là giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy khi phát sinh ra bệnh cũng thường chịu ảnh hưởng lẫn nhau, trên lâm sàng hình thái kết hợp này rất đa dạng, có thể kết hợp tạng - tạng, có thể kết hợp tạng - phủ và cũng có thể kết hợp phủ - phủ. Quan điểm YHCT cho rằng hễ có sự kết hợp giữa hai cơ quan trở lên và giữa chúng có mối quan hệ ảnh hưởng bệnh tật lẫn nhau, hoặc đồng thời cùng phát bệnh thì người ta gọi là hội chứng các tạng phủ kiêm bệnh. Trên lâm sàng hội chứng này rất đa dạng và phức tạp, nhưng thường gặp nhất là hội chứng kiêm bệnh giữa tạng và tạng.
2-Các hội chứng tạng phủ kiêm bệnh:   Chỉ giới thiệu một số hội chứng:
2.1-Hội chứng tâm thận bất giao:
Theo quan niệm YHCT tâm dương hạ giáng xuống thận với chức năng để ôn ấm phần thận thủy, đồng thời thận âm phải thượng tế lên tâm để dưỡng tâm hỏa, mối quan hệ qua lại ấy giữa tâm và thận gọi là tâm thận tương giao và làm cho thủy hỏa tương tế, đó là các hoạt động sinh lý bình thường giữa 2 tạng tâm và thận; trong trường hợp thận âm bất túc, không thể thượng tế lên tâm, để dưỡng tâm hỏa làm cho tâm hỏa không giữ đưọc cân bằng âm dương mà vượng lên, như vậy đồng thời tâm dương cũng không thể hạ giao xuống dưới để ôn dưỡng thận thủy làm cho quan hệ tâm - thận , âm - dương, thủy - hỏa mất đi sự hiệp hiệu và giao hòa với nhau đưa đến tình trạng bệnh lý là hội chứng tâm thận bất giao.
2.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh cảm thấy tâm phiền, mất ngủ, hay quên, đầu váng, tai ù, họng khô, lưng và gối có cảm giác đau mỏi, có thể xuất hiện triều nhiệt, đạo hãn, hoặc đôi khi lưng và gối có thể đau tê mà phát lạnh, đối với nam có thể xuất hiện mộng tinh.
2.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số hay gặp ở những người lao lực quá độ hoặc phòng sự bất điều, ảnh hưởng làm tiêu hao đến phần âm của tâm thận, phần âm của tâm thận bị tiêu hao sẽ làm cho tâm hỏa mất cân bằng mà vượng lên, nó không thể hạ giao xuống dưới với thận dẫn đến tâm thận bất giao; khi tâm hỏa vượng lên, nó không tàng chứa được thần làm cho người bệnh tâm thần bất an, tâm phiền không ngủ được; đồng thời thận âm hư kéo theo thận tinh hư tổn, làm cho đầu, mắt không được nuôi dưỡng, cốt tủy không được đầy đủ cho nên người bệnh hay quên, váng đầu, ù tai, họng khô, lưng và gối mềm đau; mặt khác âm hư hỏa vượng đưa tới hư  hỏa bị vọng động, cho nên người bệnh  triều nhiệt, đạo hãn, có thể mộng tinh đối với nam; đồng thời trong trường hợp hỏa vượng lên kéo dài, hỏa không được đưa xuống dưới quy về nguồn là thận, người ta gọi là hỏa bất quy nguyên, cho nên người bệnh có cảm giác lưng gối đau, tê mà phát lạnh.
2.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa (để giao thông tâm thận), dẫn hỏa quy nguyên.
*Bài thuốc     : Hoàng liên a giao thang
2.2-Hội chứng tâm thận dương hư:
Bình thường phần dương tâm và thận có sự hiệp hiệu nhằm ôn ấm các tạng phủ để vận hành huyết mạch (thận là nguồn gốc dương khí - tâm là chủ huyết mạch), đồng thời nó tham gia vào khí hóa tân dịch, vì vậy trong trường hợp tâm thận dương hư tất biểu hiện âm hàn bên trong mạch, hậu quả làm cho vận hành của huyết thường dễ bị đình ngưng và kéo theo thủy khí dễ ngưng trệ bên trong.
2.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh tay chân lạnh, người lạnh, tâm phiền, chính xung (hay tâm quí), nước tiểu thường ít, người có thể phù, môi và móng tay móng chân có thể xanh tím, chất lưỡi hơi tím, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm vi.
2.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số hay gặp ở những người mắc bệnh lâu ngày không khỏi, hoặc do lao lực, nội thương nhiều làm tổn thương phần dương khí của tâm; khi phần dương khí của tâm và thận suy làm mất chức năng ôn dưỡng hình thể nên người lạnh, tay chân lạnh; đồng thời khi tâm thận dương hư do bởi dương khí suy giảm làm mất động lực cho sự vận hành và điều hòa thủy dịch, đặc biệt vai trò của thận, vì vậy làm cho hàn thủy không hóa được, ứ trệ lại dẫn đến thủy khí nhập vào tâm (gọi là thủy khí lăng tâm) gây nên tâm phiền, chính xung, đồng thời thủy dịch ngưng lại bên trong làm cho tiểu ít và ngấm ra bì phu gây phù; bên cạnh đó, dương hư đặc biệt là tâm dương hư, ảnh hưởng đến ôn vận huyết mạch làm cho huyết bị ứ trở lại vì vậy môi, móng tay, móng chân người bệnh xanh tím, chất lưỡi xanh tím; thủy thấp không được vận hóa, ứ trệ bên trong nên rêu lưỡi trắng nhờn.
2.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Ôn bổ tâm thận
*Bài thuốc     : Chân vũ thang + Bảo nguyên thang.
2.3-Hội chứng phế thận khí hư;
Phế chủ khí điều hòa hô hấp, thận nạp khí là gốc của khí. Những trường hợp bệnh lý của phế và thận liên quan đến khí (hô hấp).
2.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Khó thở, khi thở thì đoản khí, đăc biệt khi người bệnh vận động các triệu chứng trên tăng lên, tiếng nói yếu, tiếng thở yếu, người bệnh có thể tự hãn, tay chân thường lạnh, mặt thường xanh, lưỡi nhợt, có thể xuất hiện di niệu, trong một số trường hợp nặng người bệnh có thể ra nhiều mồ hôi, mồ hôi lạnh. Mạch thường hư. Một số trường hợp môi khô, họng khô, mặt đỏ, lưỡi đỏ, mạch tế sác.
2.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Hội chứng này hay gặp ở những người ho và khó thở kéo dài, làm tổn thương đến phế  khí  và thận  khí, khi phế và thận khí đều hư  làm cho  khí không về nguồn (bất quy nguyên) và thận không nạp khí, dẫn đến người bệnh khó thở và đoản khí, khi vận động thì tăng lên; phế hư làm cho phần tông khí cũng kém cho nên tiếng nói rời rạc, tiếng thở yếu, đồng thời khí hư làm cho vệ khí bị tổn thương, gây nên vệ dương bất cố làm ra nhiều mồ hôi; khí hư cũng làm cho khí hóa của bàng quang kém, mất khả năng tiết chế nước tiểu, vì vậy mà người bệnh có thể bị di niệu. Khí hư thường kéo theo dương hư, mà dương hư không ôn ấm được hành thổ làm cho người lạnh, tay chân lạnh, lưỡi nhợt, sắc mặt xanh nhợt. Trong trường hợp nặng có thể gây nên dương khí thoát làm cho mồ hôi ra như tắm và mồ hôi lạnh, khí hư cho nên mạch cũng hư, trong trường hợp người bệnh lại thiên về âm hư do bởi âm dịch bị tổn thương sẽ sinh nội nhiệt, cùng với những biểu hiện của khó thở, của rối loạn hô hấp, người bệnh còn kèm theo mặt đỏ, miệng khô, họng khô, mạch tế sác.
2.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ thận nạp khí.
*Bài thuốc     : Nhân sâm hồ đào thang hoặc Thất vị đô khí hoàn + Sinh mạch tán
2.4- Hội chứng phế thận âm hư;
Quan điểm YHCT cho rằng thận âm là căn bản của âm dịch toàn cơ thể, cùng với phế là tạng có chức năng tham gia điều hòa tân dịch cho cơ thể, vì vậygiữa phế và thận có mối quan hệ tương hỗ với nhau trong phần điều hòa âm dịch, do đó đứng về góc độ bệnh lý khi phế thận âm đều hư làm cho cơ thể mất đi sự nhu nhuận và hậu quả là táo nhiệt sinh ra bên trong, đối với tạng phế khi phế âm hư mất đi khả năng thanh túc mà đưa tới khí nghịch, thận âm hư mất đi khả năng tư nhuận đưa tới hỏa động.
2.4.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh ho, khạc đàm trong đàm ít có thể có dính máu, miệng họng thường khô, lưng gối có cảm giác đau mỏi, tâm phiền, ít ngủ, cốt chưng (có cảm giác đau nóng trong xương), triều nhiệt, đạo hãn, gò má đỏ, đối với nam di tinh, đối với nữ rối loạn kinh nguyệt, chất lưỡi thường đỏ và ít rêu, mạch tế sác.
2.4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần vì người bệnh ho lâu ngày làm cho tạng phế bị tổn thương, phế hư không thể phân bố được tân dịch, đồng thời có thể kết hợp với những trường hợp lao lực quá độ, cũng làm cho thận âm bị hư tổn, dẫn đến âm dịch không được đưa lên trên, kết hợp với âm hư sinh hỏa vượng dẫn đến hư hỏa làm tổn thương tạng phế mà hình thành hội chứng phế thận âm hư. Phế âm hư mất khả năng thanh nhuận, vì vậy người bệnh ho khan và ít đàm, miệng họng khô; trong trường hợp hư hỏa đưa lên mặt, có thể thiêu đốt phần mạch lạc của phế mà gây ho ra máu hoặc trong đàm có lẫn máu; hư hỏa bốc lên trên còn có thể gây ra nhiễu loạn thần minh, làm cho người bệnh tâm phiền không ngủ được; hư hỏa bên trong có thể gây nhiễu loạn đối với nam làm ảnh hưởng tinh phòng gây di tinh, đối với nữ ảnh hưởng bào cung gây rối loạn kinh nguyệt.
2.4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ nhuận phế
*Bài thuốc     : Bách hợp  cố kim thang.
2.5-Hội chứng can thận âm hư:
Y học cổ truyền cho rằng can thận đồng nguyên: thận thủy dưỡng can mộc, làm cho  can  âm  và thận  âm luôn  có sự hỗ tương tác  động lẫn nhau, nếu  mạnh cả  2  cùng mạnh, nếu suy cả hai cùng suy. Vì vậy trong thực tế khi thận âm bất túc, bao giờ cũng dẫn tới can âm bất túc. Ngược lại khi can âm bất túc bao giờ cũng ảnh hưởng ngược làm cho thận âm dễ tổn thương. Âm hư làm cho dương vượng, cho nên hội chứng can thận âm hư dựa trên: Biểu hiện âm dịch bị tổn thương; hậu quả là dương kháng và hỏa động.
2.5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Hay váng đầu, hoa mắt, hay quên, mất ngủ, tai có thể ù như ve kêu, họng miệng khô, có thể đau vùng mạn sườn, đau lưng gối, có thể biểu hiện ngũ tâm phiền nhiệt, gò má đỏ, đạo hãn, nam có thể di tinh, nữ kinh nguyệt thường lượng ít.
2.5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do nguyên nhân bên trong, người bệnh lao lực quá độ, làm tổn thương phần tinh huyết của cơ thể nhiều, hoặc từ những bệnh khác mà tình trạng bệnh kéo dài làm tiêu tổn phần âm của can thận gây nên hội chứng can thận âm hư. Khi phần âm của can thận bị suy tổn, làm phần dương vượng lên tạo thành hư hỏa mà nhiễu động lên trên, gây váng đầu, hoa mắt, hay quên, ù tai; hư hỏa vọng động lên trên mà âm dịch không đưa được lên trên nên người bệnh xuất hiện miệng họng khô. Kinh mạch của tạng can phân bốở 2 bên mạn sườn, một khi kinh mạch mất phần âm dịch nuôi dưỡng nó sẽ bị co rút làm cho người bệnh xuất hiện đau vùng mạn sườn; khi hư hỏa vọng động lên trên gây ngũ tâm phiền nhiệt, đạo hãn, xuất hiện cơn bốc hỏa làm cho mặt đỏ, gò má đỏ. Đồng thời hỏa còn có thể nhiễu động thần minh làm người bệnh mất ngủ, tâm phiền, đối với nam hỏa có thể nhiuễ động tinh phòng làm xuất hiện di tinh, đối với nữ mạch nhâm và mạch xung chủ về điều hòa kinh nguyệt và hai mạch này đều thuộc can và thận do vậy khi can thận âm hư, cũng làm ảnh hưởng tới sự hoạt động của 2 mạch xung nhâm, cho nên làm kinh nguyệt lượng ít; người bệnh toàn thân chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít và mạch tế sác đều là biểu hiện của chứng âm hư sinh nội nhiệt.
2.5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư bổ can thận.
*Bài thuốc     : Kỷ cúc địa hoàng hoàn.



0 nhận xét: