HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN V)
Biên
soạn: BSCKI LÊ THÂN
Bệnh viện YHCT Quảng Nam
Phần năm :
THẬN - BÀNG QUANG
|
"Thận vô thực chứng": Tạng thận không có chứng thực
1-Hội
chứng thận dương hư;
1.1-Hội
chứng thận dương bất túc:
1.1.1-Triệu
chứng lâm sàng:
Người bệnh
sắc mặt xạm trắng, cơ thể tay chân lạnh, tinh thần ủ rủ, lưng gối thường đau
mỏi, có cảm giác lạnh, đối với nam có thể liệt dương, đối với nữ có thể làm cho
bào cung lạnh mà không có thai, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế vô lực.
1.1.2-Nguyên
nhân và cơ chế bệnh sinh:
Phần
nhiều là do bẩm sinh của cơ thể đã là dương hư, hoặc hay gặp ở những người tuổi
cao làm cho dương khí của cơ thể suy giảm đi nhiều, hay người bệnh bị mắc các
bệnh khác kéo dài lâu ngày cũng làm ảnh hưởng đến thận, hoặc gặp ở những người
phòng lao qúa độ làm tổn thương dương khí của tạng thận mà dẫn đến.
1.1.3-Pháp
điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều
trị: Ôn bổ thận dương.
*Bài
thuốc : Bát vị quế phụ hoặc Kim quỹ
thận khí hoàn hoặc Hữu quy ẩm.
1.2-Hội
chứng thận hư thủy phiếm:
1.2.1-Triệu
chứng lâm sàng:
Người bệnh
sợ lạnh, chân tay lạnh, đi tiểu nước tiểu thường ít, người có phù, đặc biệt từ
lưng trở xuống phù nặng, lưng đau, gối mỏi; hoặc ở trạng thái lâm sàng khác có
thể thấy: tâm phiền, khí đoản, khó thở, ho có thể nghe tiếng lọc xọc trong cổ.
Chất lưỡi nhợt và bệu, rêu lưỡi trắng và nhờn, có thể vết hằn răng trên chất
lưỡi; mạch trầm huyền.
1.2.2-Nguyên
nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường gặp
ở người mắc bệnh lâu ngày, làm tổn thương dương khí của thận, làm cho dương khí của thận tiêu hao, mất khả năng
ôn hóa thủy dịch, làm thủy thấp ngưng đọng mà đưa đến phù, đồng thời dương hư
hỏa suy không thể ôn ấm được cơ thể và tứ chi cho nên người lạnh và chân tay lạnh.
1.2.3-Pháp
điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều
trị: Ôn dương hành thủy.
*Bài
thuốc : Tế sinh thận khí hoàn hoặc
Chân vũ thang.
2-Hội
chứng thận âm hư:
2.1-Triệu
chứng lâm sàng:
Người bệnh
chóng mặt, ù tai, hay quên, ít ngủ, thị lực có thể giảm, lưng gối đau mỏi,
người gầy yếu, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khô, lưỡi khô, hay có cảm giác hâm hấp
sốt về chiều, đạo hãn, gò má đỏ; đối với nam có thể di tinh; đối với nữ có thể
kinh nguyệt ít, thậm chí có thể bế kinh, hoặc ngược lại có thể rong kinh, rong
huyết; lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít khô, mạch tế sác.
2.2-Nguyên
nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần do
mắc bệnh khác kéo dài mà ảnh hưởng đến thận, hoặc cũng do hành sự bất điều,
hoặc gặp ở những ngưòi bị mất nước, mất máu nhiều, hoặc gặp ở những người ăn
uống các thuốc hay các thức ăn cay nóng nhiều, làm tổn thương âm dịch cơ thể,
hoặc do rối loạn thất tình làm ảnh hưởng đến phần âm cơ thể mà đưa tới.
2.3-Pháp
điều trị và bài thuốc:
-Trường hợp thông thường:
*Pháp điều trị: Tư bổ thận âm.
*Bài thuốc : Lục vị hoàn.
-Trường hợp có biểu hiện hỏa vượng:
*Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa.
*Bài thuốc : Tri bá địa hoàng hoàn.
3-Hội
chứng thận khí bất cố:
3.1-Triệu
chứng lâm sàng:
Người bệnh
có tinh thần mệt mỏi, lưng gối đau mỏi; đi tiểu hay đái rắc, nước tiểu trong
hoặc cũng có thể sau khi đi tiểu không hết bãi, nước tiểu còn sót lại, hoặc
ngược lại người bệnh khi mót tiểu thì không cầm được (di niệu), đêm có thể hay
đi tiểu nhiều lần; đối với nam có thể có hiện tượng xuất tinh sớm; đối với nữ
thường hay ra khí hư với tính chất trong và loãng, khi có thai hay bị sẩy thai.
3.2-Nguyên
nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đây là hội
chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi vì theo quy luật sinh lý thì thận khí đã
suy giảm nhiều, hoặc gặp ở phụ nữ mới sinh mà thận khí không đầy đủ, hoặc có
thể gặp ở những người mắc bệnh lâu ngày hay lao tổn nhiều mà ảnh hưởng đến
thận, làm cho phần khí của tạng thận bị tiêu hao nhiều, dẫn đến chức năng tàng
chứa tinh của tạng thận cũng như chức năng cố nhiếp của tạng thận bị rối loạn.
3.3-Pháp
điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều
trị: Bổ thận cố nhiếp.
*Bài
thuốc : Bế tinh hoàn.
4-Hội
chứng thận tinh bất túc:
4.1-Triệu
chứng lâm sàng:
Đối với
nam: lượng tinh thường ít, thậm chí mất khả năng có con; đối với phụ nữ: có thể
bế kinh hoặc khó có con; đối với trẻ em: phát dục chậm, sự phát triển của cơ
thể cũng như về trí tuệ châm chạp và đần độn, xương mềm yếu, thóp chậm liền.
Khi hội chứng này xảy ra ở người trưởng thành thì tốc độ già nhanh, răng lung
lay dễ rụng, hay quên, tinh thần và các động tác chậm chạp.
4.2-Nguyên
nhân và cơ chế bệnh sinh:
Có thể do
bẩm sinh làm cho tiên thiên phát dục không tốt, hoặc cũng có thể do hậu thiên
là chế độ dinh dưỡng kém, kết hợp lao lực quá nhiều, hoặc cũng có thể từ bệnh
khác kéo dài làm tổn thương đến chức năng sinh tinh của thận.
4.3-Pháp
điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều
trị: Bổ thận ích tinh.
*Bài
thuốc : Hà sa đại tạo hoàn.
5-Hội
chứng bàng quang thấp nhiệt:
5.1-Triệu
chứng lâm sàng:
Đái buốt,
đái rắc, mỗi lần đi tiểu nước tiểu ít
người bệnh có cảm giác đau, đặc điểm nước tiểu thường vàng, đục, đôi khi
có thể kèm theo đái ra máu hoặc đái ra sạn sỏi. Toàn thân: có thể có hay không
có phát sốt, đau lưng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.
5.2-Nguyên
nhân và cơ chế bệnh sinh:
Phần
lớn là do thấp nhiệt tà từ bên ngoài xâm phạm vào cơ thể, nó ôn kết ở bàng
quang, hoặc do ăn uống không điều độ, ăn nhiều các thức ăn cay nóng làm thấp
nhiệt nội sinh bên trong đưa xuống bàng quang mà gây bệnh.
5.3-Pháp
điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều
trị: Thanh nhiệt lợi thấp thông lâm.
*Bài
thuốc : -Đái ra sỏi: Bát chính tán. -Đái ra máu: Đạo xích tán.
0 nhận xét: