TÁC DỤNG CHỮA BỆNH CỦA RẮN
Hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy được xem là biểu tượng của ngành y và con rắn nhả nọc trên cái chén cổ là biểu tượng của ngành dược.
Như mọi động vật khác, rắn là nguồn cung cấp chất đạm rất tốt, thịt rắn tương đối nạc, ít mỡ do vận động nhiều. Nó cũng có nhiều vitamin và khoáng chất quý như kali; canxi; sắt; kẽm; vitamin A, D, B1, B2, B6, B9... Hầu hết các bộ phận của rắn đều được dùng làm thuốc trong đông y, tây y chỉ sử dụng nọc rắn.
1-Mật rắn: Có tính mát, vị ngọt và đắng, tác dụng thanh nhiệt giải độc, hóa đờm trấn kinh. Mật rắn thường dùng để chữa chứng kinh phong, thấp khớp nhất là thấp khớp cấp (nhiệt tý), viêm phế quản, ho gà, điều trị bệnh trứng cá. Để điều trị nhiệt đờm ứ tại phế gây ho, các y dược gia cổ truyền thường phối hợp với một số vị thuốc có tác dụng hành khí hóa đờm khác như trần bì...để tăng tác dụng thanh nhiệt hóa đờm của mật rắn. Mật rắn có độc nên khi sử dụng cần chú ý cẩn trọng.
2-Nọc rắn: Có tác dụng chỉ thống (giảm đau). Nếu ngâm rắn có cả đầu, nọc rắn sẽ được chiết ra làm tăng tác dụng chỉ thống của rượu rắn, các nhà khoa học đã nghiên cứu thấy rằng, nọc rắn có tác dụng giảm đau, nhưng không gây nghiện đặc biệt là nọc rắn hổ mang. Nọc rắn có tác dụng độc trực tiếp vào hệ tuần hoàn và hệ thần kinh qua vết cắn (hoặc tiêm chích). Chưa thấy có tài liệu nói nọc rắn độc qua đường uống (qua đường tiêu hóa hấp thu). Song vì nọc rắn độc rất độc, cho nên cần cẩn trọng trong lúc sử dụng. Cũng có địa phương chỉ dùng rắn đã bỏ đầu để ngâm rượu. (Tuyến nọc độc của rắn ở phần đầu rắn, thông với răng nanh; loại bỏ đầu cần chú ý loại bỏ cả tuyến nọc độc để loại trừ độc chất).
Tây y chỉ chú trọng nghiên cứu độc tính và tác dụng của nọc rắn nhằm chế tạo các loại huyết thanh kháng độc khi bị rắn cắn. Các nhà khoa học nhận thấy dù cùng một nhóm thì mỗi loài rắn vẫn sở hữu một loại nọc đặc thù. Có thể chia các độc tố thành: Độc tố tác động vào máu (gây đông máu hoặc chống đông máu), độc tố tác động vào hệ thần kinh (gây kích thích thần kinh, tê liệt cơ, co giật, ức chế thần kinh làm suy hô hấp, suy tim) và độc tố gây dị ứng (nổi mề đay, lở loét da, sưng phù toàn thân). Ngoài huyết thanh kháng nọc, y học đã chế được thuốc từ nọc rắn; một loại thuốc chống đông máu đã được bào chế bằng độc chất chiết xuất từ nọc loài rắn chuông ở Mỹ, được đặt tên là Barbouri, một loại thuốc khác mang tên Integrilin (được chế tạo theo công thức của Barbourin, chỉ thay thế vài vị trí của các acid amin) cũng đang được thử nghiệm trong điều trị cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
3-Da rắn: Có tác dụng khu phong giải độc sát trùng. Da rắn có tính bình cho nên có thể dùng để chữa chúng phong thấp hàn và phong thấp nhiệt (hàn tý và nhiệt tý). Cần lưu ý rằng, có một số loại rắn da cũng có tác dụng độc ví dụ như Ô tiêu xà, Bạch hoa xà. Những loại rắn này trước lúc ngâm rượu người ta loại bỏ da để tránh độc.
4-Thịt rắn: Có vị ngọt, tính ấm; có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, khu phong trừ thấp, thông kinh lạc và chỉ thống. Theo lý luận của y học cổ truyền, thận chủ xương cốt, thận khỏe thì xương cốt sẽ vững chắc; can tàng huyết nuôi dưỡng cân, can khỏe mạnh, cân được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ hoạt động thư thái không bị co rút tê bì, mặt khác can khỏe mạnh, can huyết đầy đủ nội phong sẽ không sinh ra (huyết hư sẽ sinh phong), ngoại phong cũng khó xâm nhập. Bản thân can thận mạnh khỏe là yếu tố rất cơ bản đảm bảo gân xương vững chắc và cường kiện. Thêm vào nữa thịt rắn vừa có tác dụng khu phong vừa có tác dụng thông kinh hoạt lạc; kinh lạc lưu thông, khí huyết sẽ luôn tuần hoàn không ngừng trong tiểu chu thiên, không bị ứ trệ, ngoại tà cũng khó xâm nhập vào cơ thể gây nên chứng phong thấp được. Các danh y Trung Quốc thường dùng các vị thuốc có nguồn gốc động vật, tiết túc nhất là rắn để kết hợp điều trị chứng phong thấp đặc biệt là phong thấp để hàn mạn tính. Họ quan niệm, phong thấp thể hàn mạn tính đa phần thuộc hư chứng, lý chứng. Thịt rắn có tính ấm, vừa tác dụng phù chính, vừa tác dụng khu tà (khu phong thông kinh lạc). Hơn nữa, bệnh chứng ở lý vào sâu, rắn vừa chạy nhanh (nhanh như gió), vừa có khả năng luồn lách vào sâu tận nơi ngõ ngách hang cùng ngõ hẻm, do vậy mà có tác dụng điều trị phong thấp hàn mạn tính.
Rắn thường hay sử dụng để ngâm rượu; rượu rắn ngoài rắn, thường hay có ngâm kèm theo các vị thuốc đông y. Như vậy, rượu rắn ngoài tác dụng của rắn còn có tác dụng của đông dược ngâm kèm theo và tác dụng của rượu:
Đông dược ngâm cùng rắn trong vò rượu rắn có thể phân ra làm hai nhóm chính: (1) Nhóm thuốc có tác dụng khử mùi tanh: Mật, da và thịt rắn có mùi tanh, vì vậy rượu rắn đơn thuần cũng có mùi tanh, nhất là loại mới ngâm được ít ngày. Tuy rằng mùi tanh không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của rượu rắn nhưng gây cảm giác khó uống thậm chí sợ uống, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh. Các y dược gia cổ truyền đã sử dụng các vị thuốc như: gừng, nhục quế hoặc quế chi, hồi....ngâm cùng rắn (hoặc ướp với thịt rắn sau một thời gian nhất định sau đó mới ngâm) mục đích chính là để khử mùi tanh của rắn. (2) Nhóm thuốc hợp đồng tác dụng: (a) Đỗ trọng, cẩu tích, thiên niên kiện, kỷ tử... có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, trừ phong thấp. Thận thuộc hành thủy, chức năng chủ xương cốt, thận khỏe mạnh không những xương cốt vững chắc, các khớp hoạt động lưu lợi mà còn nuôi dưỡng can mộc tươi tốt (thận thủy sinh can mộc). Can khỏe mạnh thư thái nhu mì thì cân được nuôi dưỡng đầy đủ nên cường kiện khỏe chắc... Nhóm thuốc này vừa cũng hợp đồng tác dụng với rắn, vừa làm tăng tác dụng bổ thận can, mạnh gân cốt, trừ phong thấp của rắn do đó bệnh sẽ chóng khỏi. (b) Kê huyết đằng, đương quy, hà thủ ô, huyết giác... có tác dụng bổ huyết, hành huyết. Chứng phong thấp thuộc vào tý chứng, chủ yếu do phong tà kết hợp với thấp tà gây nên; cổ nhân dạy rằng: “Trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tất diệt”; huyết nhiệt, huyết hư, huyết ứ đều sinh phong.
Rượu trong vò rượu rắn có hai tác dụng: (1) Rượu làm dung môi để chiết xuất các chất có tác dụng điều trị phong thấp bổ can thận trong rắn và thuốc tan trong rượu. (2) Rượu còn có tác dụng hoạt huyết thông kinh lạc; phong thấp và thấp tà xâm nhập vào cơ thể làm huyết vận hành kém thậm chí còn gây ứ huyết, tắc kinh mạch; kinh mạch không thông, khí huyết lưu thông kém.
Chế rượu rắn có nhiều cách: ngâm tươi hoặc ngâm khô, nhưng theo kinh nghiệm của cổ nhân thì ngâm tươi vẫn là tốt nhất: (1) Ngâm khô: Lột da mổ bỏ ruột, có người chặt bỏ đầu đuôi (hoặc để cả con cũng được), rửa bằng rượu gừng hoặc rượu quế rồi lấy giấy bản thấm sạch, chặt từng khúc sấy khô hoặc nướng cho vàng tán nhỏ ngâm với rượu 40o theo tỷ lệ 1 phần rắn 3 phần rượu, thời gian từ 15 ngày trở lên là được.
(2) Ngâm tươi: Rắn còn sống cho vào bình đã đổ đầy cồn hoặc rượu trắng 40 độ, ngâm trong 24 giờ cho rắn chết và tiết hết chất độc. Tiếp đó, đổ bỏ rượu, lấy rắn ra chặt bỏ đầu đuôi, mổ bỏ ruột (trừ mật), để nguyên da rồi lại cho vào bình đã đổ ngập rượu trắng 40 độ, bịt kín miệng bình, để nơi thoáng mát, ngâm đủ ít nhất là 100 ngày. Cũng có người cho rằng đem cả bình rượu chôn sâu xuống đất chừng 30 cm thì hay hơn.
Những trường hợp nào không nên dùng rượu rắn? Những người hay bị dị ứng, người không được uống rượu như: bị bệnh đường tiêu hoá, tăng huyết áp, phụ nữ có thai..... Rượu rắn có tính ấm nóng, những người thuộc nhiệt chứng (tạng nhiệt, máu nóng) không nên sử dụng. Rượu rắn tuy tốt với người bị phong thấp, tuy nhiên không nên lạm dụng, chỉ nên dùng 10 ngày cho 1 đợt và mỗi ngày chỉ uống khoảng 25ml vào bữa cơm tối. Về thịt rắn có sách khuyên người tiêu hoá không tốt không nên dùng...
Bài đã đăng ở BẢN TIN Y DƯỢC QUẢNG NAM số 49 Quý I/2013
0 nhận xét: