MƯỚP ĐẮNG CHỮA ĐÁI ĐƯỜNG
Bài ngắn hơn
được đăng ở Báo Quảng Nam Cuối tuần
số 1844 (5066) ngày 24-25/6/2006
Ảnh từ Internet
Mướp
đắng còn có tên: khổ qua, ổ qua, lương qua, mướp mủ…Tên khoa học: Momordica
charantia L, thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae)
Mướp
đắng được người dân trồng nhiều ở nương rẫy và trong vườn nhà, thường được gieo
hạt vào mùa xuân, hái trái vào các tháng 5-7, trái mướp đắng là thức ăn ngon,
bổ. Các bộ phận của cây mướp đắng: trái, rễ, hạt, hoa, lá…đều có tác dụng chữa
bệnh.
1-Trái: Theo nghiên cứu hiện đại trong
trái mướp đắng có: Momordicin, hỗn hợp charantin và protein, adenin, betanin,
vitamin B1,C…. Trong đó quan trọng nhất là 2 chất: Momordicin là một glucozid đắng, có tác
dụng diệt vi khuẩn và siêu vi khuẩn-giúp cơ thể chống lại các tế bào ung thư
đang phát triển; và hỗn hợp charantin và
protein (có cấu trúc giống insulin) có tác dụng hạ lượng đường cao trong
máu một cách từ từ nên rất an toàn cho người bệnh; dùng nước ép hoặc nước sắc
trái mướp đắng tươi (dạng bào chế viên nang cứng chứa bột đông khô nước ép mướp
đắng tươi là tiện dùng nhất). Nó có tác dụng: Chữa tiểu đường týp (type) II mới
mắc, chưa dùng các loại tân dược, phối hợp với các sulfamid chữa tiểu đường týp
II để tăng tác dụng, giảm liều và giảm tác dụng phụ của sulfamid trong chữa
tiểu đường; phòng chống các bệnh tim mạch, thần kinh, ung thư, lão hoá, phối
hợp với xạ trị chữa ung thư và giảm tác hại của tia xạ với người bệnh. Những
người mắc bệnh tiểu đường dùng mướp đắng nên báo cho bác sĩ của mình biết, theo
dõi đường trong máu của mình một cách kỹ lưỡng, và sẵn sàng giảm bớt liều lượng
insulin và các thuốc khác. Một điều hấp dẫn có tiềm năng khác của mướp đắng là
ảnh hưởng của nó lên cholesterol máu, một nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy khi
cho chuột ăn chất trích từ mướp đắng và ghi nhận một sự “sụt giảm đáng kể” của
cholesterol trong máu. Ăn trái mướp đắng sống để giảm cân đang là phương pháp
được ưa chuộng của người Mỹ và Nhật Bản. Chưa thấy báo cáo đã được phổ biến nào
về phản ứng phụ nghiêm trọng ở người lớn được khuyên nên dùng những liều lượng
mướp đắng khác nhau; tuy nhiên, bao tử bị rối loạn có thể xảy ra và các bệnh
nhân có bệnh gan nên tránh dùng nó.
Theo
đông y trái mướp đắng có tính hàn (lạnh), vị đắng, không độc; khi còn xanh, nó
có tính chất giải nhiệt, tiêu đàm, sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, bổ thận,
nuôi can huyết, bớt mệt mỏi, trừ nhiệt độc, lợi tiểu, làm bớt đau nhức xương;
khi đã chín nó có tính chất bổ thận, kiện tỳ, dưỡng huyết; nói chung quả mướp
đắng là thuốc bổ huyết, giải nhiệt, giảm ho, trị giun, nhuận tràng, sát trùng
và hạ đường trong máu. Liều dùng thường 2-3 trái tươi/ ngày. Người tỳ vị hư hàn
(hay ỉa lỏng nhất là đi vào lúc sáng sớm, đi cầu phân sống…) dùng cần thận
trọng. Dùng làm nước tắm cho trẻ em chữa rôm sảy: mướp đắng 2-3 trái tươi băm
nhỏ nấu với nước để tắm cho trẻ bị rôm sảy, ngày một lần, bã xát nhẹ trên da;
có thể lấy dây mướp đắng nấu sôi để nguội tắm cho trẻ. Hạ nhiệt, giải độc, làm
sáng mắt: trái mướp đắng lượng vừa đủ, phơi hay sấy khô, mỗi lần dùng 15g hãm
với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút thì dùng được, uống thay trà trong
ngày. Một trái mướp đắng tươi xẻ ra bỏ ruột, cho lá chè vào khép lại, treo vào
chỗ thông gió không nắng mà phơi khô (phơi âm can); khi bị cảm nắng, nóng nấu
nước uống hoặc pha như pha chè uống, mỗi lần 10-15g. Dùng 2-3 trái nấu ăn hằng
ngày để chữa: ho, đột quỵ, khô miệng, viêm hầu, đái dắt, đái buốt, phù thũng do
gan nhiệt... Tán bột để liền các vết thương, vết loét.
*LƯU
Ý: Khi sử dụng trái mướp đắng không được sử dụng vị thuốc Huyền sâm của đông y
và các chế phẩm có huyền sâm.
2-Hạt (thu hoạch ở những trái chín): Hạt mướp đắng có chứa một
chất dầu và một chất đắng. Theo đông y nó có tính bổ dương, tráng khí, dùng để
chữa ho, viêm họng, trẻ em lên cơn co giật do sốt cao hoặc kinh phong, có tài
liệu cho rằng nó còn có tác dụng chữa rắn cắn. Thường dùng từ 3-6g hạt khô/
ngày: Chữa viêm họng: 3-5g/ngày nhai nuốt hoặc sắc uống. Chữa các chứng ho
khan, ho có đàm, ho từng cơn hoặc ho kéo dài: hạt mướp đắng và hạt chanh, mỗi
thứ 40 hạt; sao khô, tán bột, rây lấy bột mịn, trộn với nước mật gà (20 cái);
phơi khô, rồi tán lại cho đều và mịn; sau đó luyện thuốc với xirô (nấu từ 50g
đường) làm thành viên bằng hạt đậu xanh; trẻ em từ 1-5 tuổi mỗi lần uống 2-4g,
2 lần/ ngày; trẻ 6-10 tuổi mỗi lần uống 5-8g, 2 lần/ ngày. Nhân hạt mướp đắng
mài với sữa cho trẻ uống để hạ nhiệt.
3- Lá: Chữa sưng đỏ và mụn nhọt,
đau nhức: sắc một nắm lá uống với chén
nước, hoặc lá phơi khô tán bột uống mỗi lần 12g với một ít rượu; dùng ngoài giã
lá tươi chưng nóng đắp vào. Chữa mệt mỏi do háo khát, hâm hấp sốt (hư nhiệt),
do lao động quá sức, hay do thức đêm, đi đường xa: dùng lá mướp đắng non và lá
hoa thiên lý nấu canh ăn. Lá mướp đắng giã đắp chữa lòi dom. Nước ép của lá
dùng làm thuốc gây nôn, thuốc tẩy trong những bệnh về đường mật; nó có tác dụng
chữa giun; Chú ý nếu dùng liều cao
sẽ làm chết người. Nước hãm lá mướp đắng phơi khô dùng để giải độc, kích
thích tiêu hoá, nhuận tràng tẩy giun. Lá
dùng uống để chữa khi sốt cao. Dùng ngoài: lá giã với lá rau muống và lá cây
sầu đâu, thêm một ít nước thành một thứ bột nhão đắp lên ngực người bệnh khi
tức ngực hay đắp lên trên đầu khi mê sảng trong cơn sốt.
4-Hoa: Chữa đau dạ dày: hoa
mướp đắng tán nhỏ uống. Chữa đau mắt: hoa mướp đắng sắc với cây bấc đèn uống.
5-Rễ: Rễ dùng để chữa sốt, giải độc, trị trĩ và lòi
dom. Rễ, lá và hoa dùng trị lỵ, nhất là lỵ a míp
Ảnh từ Internet
Lê Thân (Tổng hợp)
0 nhận xét: