CON TẰM KHÔNG CHỈ NHẢ TƠ

Bài ngắn hơn đăng trên Báo Quảng Nam (Ở đây)
           Con tằm, ngoài việc nhả tơ để dệt lụa cho ta cái mặc; nó còn cho ta cái ăn (rượu tằm; nhộng tằm là món ăn dân dã phổ biến, có sẵn ở các chợ, nhất là các địa phương nuôi tằm, đây là một thức ăn giàu chất dinh dưỡng, rẻ tiền, chế biến đơn giản, chỉ cần rang với ít mỡ, cho mắm muối vừa đủ, múc ra đĩa, rắc thêm mấy sợi lá chanh xắt nhỏ, chúng ta sẽ có một món ăn bùi, béo, đậm đà, ngon miệng....), sử dụng trong chăn nuôi và sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền. Phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến việc sử dụng tằm (chỉ dùng con tằm nuôi bằng lá dâu) và các sản phẩm liên quan từ tằm làm thuốc trong y học cổ truyền:




          1-TẰM CHÍN: Lấy tằm lúc đã chín đỏ bóng, đã lên bủa nhả ít sợi tơ (con nào bị ruồi nhặn đốt có vết đen thì bỏ đi). Cho tằm vào nồi nước đang sôi, khuấy nhanh tay, khi thấy tằm trắng ngà vớt ngay ra cho vào rổ thưa để ráo nước; rồi sấy khô với lửa nhẹ (40-500C) thường đảo luôn, khi da tằm đã săn, cho lửa to hơn (70-800C) cho đến khi tằm khô đến 9/10 là được; có nắng đem phơi, phủ vải màng tránh ruồi nhặng; lúc nào tằm khô, có màu vàng nâu bóng, có mùi thơm thì bỏ vào lọ nút kín; khi dùng, lấy tằm khô tẩm nước gừng (một phần gừng giã nát, hai phần nước), cho tằm mềm ra, sao vàng, đảo luôn, không để cháy, đến khi tằm khô, bẻ gãy là được; tán chung với các dược liệu khác cho mịn, dùng mật ong làm viên.
Theo y học cổ truyền; tằm chín có vị mặn, béo, bùi, thơm; tính ấm; có tác dụng: bổ dưỡng thần kinh, bổ tỳ thận; trị các chứng: suy nhược thần kinh, ăn ngủ kém, di mộng tinh, suy nhược cơ thể, chữa trẻ con chậm lớn, đàn bà ít sữa mệt mỏi; ngày dùng 6 - 12g. Người ta bào chế “Thuốc bổ con tằm” gồm: tằm chín 200g, lá dâu 500g (bỏ cuống và xương lá), mè đen 300g, mật ong vừa đủ làm viên bằng hạt bắp; người lớn mỗi lần uống 8-12 viên với nước chè nóng, ngày uống 2 lần sáng và tối, cứ uống 10 ngày lại nghỉ 3 ngày, uống liền trong 1 tháng; dùng bồi dưỡng người lớn và trẻ em, người bị các chứng suy nhược, ít ăn, kém ngủ, mệt nhọc, xanh xao thiếu máu dùng có tác dụng tốt.
2-TẰM VÔI (tằm chết gió hay bạch cương tàm): Là toàn thân khô của con tằm tự nhiên bị bệnh (do vi nấm Beauveria  bassiana [Bals] Vuill) mà chết cứng, sắc trắng như vôi; đem phơi khô con tằm vôi trong gió hoặc ngoài nắng có phủ vải màn hoặc sấy nhẹ đến khô; đem sao với cám cho đến vàng, để nguội; bảo quản trong chai lọ kín, cho chất hút ẩm để tránh mốc
Theo y học cổ truyền, tằm vôi có vị mặn, cay; tính bình. Có tác dụng: trừ phong, hoá đàm, trấn kinh, tán kết. Trị các chứng: kinh giản, cổ họng sưng đau, phong đờm ho hen, mất ngủ, trúng phong mất tiếng, đầu phong răng đau; dùng ngoài chữa các chứng lở ngứa, các vết sạm trên mặt. Những người huyết hư không phải phong tà không dùng được. Ngày dùng 4 - 8g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Theo Hải Thượng Lãn Ông nó ghét vị cát cánh, phục linh (tức là không nên dùng chung). Một vài đơn thuốc có tằm vôi: Chữa mặt đen sạm: tằm vôi tán nhỏ, hoà với nước bôi vào vết sạm, mỗi đêm  một lần. Chữa thiên đầu thống : tằm vôi 4g/ngày, hoà với nước chè uống.


3-NGÀI TẰM (hay tàm nga): Khi dùng bỏ đầu, chân, cánh rồi sao vàng. Có vị mặn thơm, tính ấm. Có tác dụng: bổ thận, tráng dương, ích tinh. Dùng chữa: liệt dương, mộng tinh, sinh lý yếu; thường chỉ dùng ngài tằm đực, nhất là loại chưa giao phối; qua nghiên cứu theo dõi, một hiện tượng sinh lý học lý thú đã được phát hiện là đúng 5 giờ sáng mỗi ngày, thì ngài tằm đực đồng loạt cắn kén chui ra, và từ 6 giờ sáng trở đi, ngài tằm cái mới cắn kén chui ra (tức là từ 5 đến 6 giờ sáng chỉ có ngài tằm đực chui ra); ngài tằm đực nhỏ, toàn thân có màu nâu sẫm, bụng thon, còn con cái to hơn, màu nâu nhạt, bụng phình ra vì mang nhiều trứng; dùng ngài tằm sao khô 40g, tán bột hoà mật ong uống mỗi ngày 4g vào buổi tối. Chữa lãnh cảm, rối loạn kinh nguyệt hoặc tắc kinh sớm ở phụ nữ: ngài tằm 100g, ngâm trong 500ml rượu trắng trong 7-10 ngày (càng lâu càng tốt), ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml. Dân gian còn dùng: ngài tằm 7 con sao giòn, tôm he bóc vỏ (20g) giã nát, trộn với trứng gà hai quả dùng dưới dạng thức ăn như chiên hoặc hấp chín làm thuốc bổ thận, tráng dương.  Còn dùng bột ngài tằm hoà mật ong bôi trong miệng chữa trẻ con bị “phong chúm miệng” cứng lưỡi, khóc không ra tiếng.
4-PHÂN TẰM (hay tàm sa, tàm mễ): Là thứ phân lúc tằm ăn lên (phân tằm già gần chín), loại bỏ những lá tằm chưa ăn, các tạp chất, rồi phơi khô, sàng sạch bẩn là được, hơi có mùi hôi, có thể dùng lửa nhỏ sao hơi đen. Thường được lấy vào mùa xuân và mùa hạ. Theo y học cổ truyền, phân tằm có vị cay hơi ngọt, tính ấm, không độc. Có tác dụng: trừ phong thấp, tán ứ huyết, giảm đau; những người không phải tê thấp mà có huyết nóng thì không dùng được. Thường dùng 6-12g/ ngày, dạng thuốc sắc hay thuốc viên, dùng ngoài không kể liều lượng. Một vài đơn thuốc có phân tằm: Chữa bán thân bất toại, đau nhức khớp do phong thấp: dùng 2 chén phân tằm sao nóng, đựng vào 2 túi vải thay đổi mà chườm vào chổ tê đau. Chữa đàn bà lậu huyết lâu ngày: phân tằm, đất lòng bếp (phục long can), a giao sao, hoa hoè sao qua mỗi vị đều 12g, tán thành bột uống 8g/ lần với nước có pha tí rượu.
5-NHỘNG TẰM (hay tàm dũng): Nhộng tằm chứa 13% protein, gần 3% lipit và nhiều chất muối khoáng. Do đó, nó vừa là món ăn ngon, vừa là vị thuốc có tác dụng bồi dưỡng sức khoẻ. Trẻ em cần ăn nhộng tằm vì trong đó có nhiều can xi, phốt pho rất cần cho sự phát triển của cơ thể trẻ. Nhộng tằm còn có tác dụng nhuận tràng.
6-KÉN TẰM (hay tàm kiển): Tức là xác kén tằm mà bướm tằm đã cắn ra, chỉ còn lại xác. Nó có vị ngọt, tính ấm, không độc. Chữa đi tiểu ra máu, băng huyết. Ngoài ra còn có thể dùng ngoài.

7-NƯỚC ƯƠM TƠ (hay sào ty thang): Vị mặn nồng, không độc; trị chứng trong lòng nóng, tiêu khát, thường ngày uống nhiều thì khỏi nóng và đỡ khát.
           (Ảnh trong bài lấy từ Internet)
                                                   Lê   Thân (Tổng hợp) 

0 nhận xét: