HỘI CHỨNG BỆNH LÝ TẠNG PHỦ (PHẦN IV)


                                                                          Biên soạn:  BSCKI LÊ THÂN

                                                                          Bệnh viện YHCT Quảng Nam

       Phần bốn : CAN - ĐỞM



1- Hư chứng;   Chỉ có 1 hội chứng can huyết hư:
1.1.-Triệu chứng lâm sàng:
Sắc mặt nhợt, hay hoa mắt, chóng mặt, khi ngủ hay mơ, tai hay có cảm giác ù như ve kêu, mắt thường khô, thị lực thường giảm hoặc có trường hợp người bệnh quáng gà, tay chân - cơ thể thường có cảm giác tê bì hoặc đôi khi có thể co giật, móng tay - móng chân nhợt nhạt; phụ nữ: kinh nguyệt lượng ít và thậm chí có thể vô kinh. Lưỡi nhợt, mạch tế.
1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số do bởi những nguyên nhân làm cho nguồn tạo huyết không đủ, hoặc vì những lý do khác làm người bệnh mất máu kéo dài hoặc mất máu nhiều, hoặc do mắc các bệnh lâu ngày làm tổn thương đến can huyết mà đưa tới bệnh lý.
1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Bổ dưỡng can huyết.
*Bài thuốc     : Bổ can thang.
2- Thực chứng:
2.1-Hội chứng can khí uất kết;
2.1.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh có cảm giác uất ức, hay cáu giận, có cảm giác đau tức vùng ngực hoặc mạn sườn, khi nghỉ ngơi và thư thái thì các triệu chứng trên giảm đi, biểu hiện này ở phụ nữ có thể ở dưới dạng khác: cảm giác đau, chướng bụng, kèm theo rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt hay thống kinh. Mạch can huyền. Hoặc trong trường hợp can khí uất kết biểu hiện dưới dạng một tình trạng bệnh lý khác như: người bệnh có cảm giác vướng trong họng, cảm giác có một cái hạt trong họng mà không thể nuốt hoặc khạc ra được (YHCT gọi là mai hạch khí # loạn cảm họng của YHHĐ), hoặc có trường hợp có bướu ở cổ (YHCT gọi là anh lựu, YHHĐ là cả bướu cổ đơn thuần và cường tính hóa).
2.1.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa số là do tình chí uất ức, từ uất giận mà làm tổn thương đến tạng can, có thể do từ nguyên nhân khác làm rối loạn sơ tiết của tạng can mà dẫn tới.
2.1.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
-Trường hợp can khí uất kết thông thường:
*Pháp điều trị: Sơ can giải uất.
*Bài thuốc     : Sài hồ sơ can thang.
          -Trường hợp mai hạch khí:
                   *Pháp điều trị: Lý khí tiêu đàm.
                   *Bài thuốc     : Tứ thất thang.
          -Trường hợp anh lựu;
                   *Pháp điều trị: Lý khí tiêu anh.
                   *Bài thuốc     : Hải tảo ngọc hoàn thang.
2.2-Hội chứng can hỏa thượng viêm (hay dùng từ can hỏa vượng):
          2.2.1-Triệu chứng lâm sàng:
          Người bệnh thường hay đau đầu, chóng mặt, ù tai, ở mặt hay có cơn bốc hỏa: mặt đỏ, mắt đỏ; miệng họng thường khô, hay có cảm giác đau với tính chất nóng rát vùng ngực sườn, tính tình người bệnh nóng nảy, dễ cáu giận thường ít ngủ và giấc ngủ không  sâu, hay mê sảng, trường hợp nặng người bệnh có thể nôn ra máu hay chảy máu cam. Toàn thân thường đại tiện táo, nước tiểu đỏ và ít, chất lưỡi thường đỏ, rêu lưỡi thường vàng khô, mạch huyền sác.
          2.2.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
          Đa phần là hậu quả của can khí uất kết kéo dài h óa hỏa mà dẫn đến, làm cho khí hỏa của can thượng nghịch lên trên mà dẫn đến bệnh, trong y văn cổ nói; “khí hữu dư biến thành hỏa”
          2.2.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
          *Pháp điều trị: Thanh can tả hỏa.
          *Bài thuốc     : Long đởm tả can thang.
          2.3- Hội chứng can dương thượng kháng;
2.3.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh chóng mặt, ù tai, thường đau đầu, mặt đỏ, mắt đỏ, tính tình nóng nảy dễ cáu giận, thường mất ngủ, khi ngủ hay mê, hay quên và hay có cảm giác tâm phiền, kèm theo có lưng đau, gối mỏi, chất lưỡi đỏ sẫm, mạch huyền tế sác.
2.3.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Dẫn đến can dương thượng kháng nguyên nhân phần lớn là do thận âm hư không thể chế ước được can dương mà đưa tới can dương thượng nghịch lên trên, hoặc do bởi người bệnh uất giận, lo lắng nhiều làm cho khí uất bên trong hóa hỏa dẫn tới làm tiêu tổn phần âm dịch, làm phần âm huyết bị hư không thể cân bằng với dương, không thể chế ước được dương, dẫn tới phần dương thượng kháng lên trên.
2.3.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Tư âm bình can tiềm dương.
*Bài thuốc:   - Mức độ nhẹ    : Kỷ cúc địa hoàng hoàn.
                    - Mức độ nặng  : Thiên ma câu đằng ẩm
2.4-Hội chứng can phong nội động:  Có nhiều trạng thái biểu hiện lâm sàng khác nhau:
2.4.1-Triệu chứng lâm sàng:
2.4.1.1-Thể can dương vượng:
    -Can dương thượng xung (nhẹ): Người bệnh nhức đầu, chóng mặt, ù tai, đi đứng có cảm giác hay loạng choạng, chân tay thường có cảm giác tê bì và dễ co giật, lưỡi đỏ, mạch huyền tế.
   -Thể trúng phong (nặng): Đột nhiên người bệnh ngã, lưỡi cứng, mắt và miệng có thể méo lệch, kèm theo thường có liệt nữa người, trong một số trường hợp có thể kèm theo hôn mê
2.4.1.2-Thể nhiệt cực sinh phong (Sốt cao co giật): Sốt cao, khát nước, co giật, nặng có thể thấy cổ cứng, 2 mắt trợn ngược lên (trực thị), có thể xuất hiện hôn mê, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch thường là huyền sác
2.4.1.3-Thể huyết hư sinh phong: Người bệnh thường đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tay chân có thể co quắp, hoặc có cảm giác tê bì hay run, thị lực có thể giảm, sắc mặt hơi vàng, phụ nữ thì kinh nguyệt lượng thường ít và màu nhạt, lưỡi nhợt, mạch huyền tế.
2.4.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
2.4.2.1-Thể can dương vượng: Thường do phần âm của can thận bị tổn thương, bị tiêu hao đi nhiều, nó làm cho can dương trội lên, làm dương khí của can bốc lên mà sinh phong.
2.4.2.2-Thể nhiệt cực sinh phong; Thường do nhiệt tà bên ngoài xâm phạm vào mạnh, nó hun đốt can kinh, mà can chủ cân làm cho người bệnh co giật, đồng thời nhiệt tà có thể xâm phạm vào tâm bào mà trong các trường hợp nặng làm cho người bệnh hôn mê.
2.4.2.3-Thể huyết hư sinh phong: Do bởi can huyết không đầy đủ làm cho cân mạch không được nuôi dưỡng, làm huyết hư mà sinh ra phong động.
2.4.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
2.4.3.1-Thể can dương vượng:
  -Can dương thượng xung:
          *Pháp điều trị: Dưỡng âm (dục âm) bình can tức phong
          *Bài thuốc     : Trấn can tức phong thang,
  -Trúng phong:
          *Pháp điều trị: Khai khiếu.
          *Bài thuốc     : Chí bảo đan + Tô hợp hương hoàn.
2.4.3.2-Thể nhiệt cực sinh phong:
  -Không hôn mê, chỉ sốt cao co giật:
          *Pháp điều trị: Thanh nhiệt lương can tức phong.
          *Bài thuốc     : Linh dương giác câu đằng ẩm.
  -Có hôn mê:
          *Pháp điều trị: Khai khiếu.
          *Bài thuốc     : An cung ngưu hoàng hoàn.
2.4.3.3-Thể huyết hư sinh phong:
          *Pháp điều trị: Dường huyết tức phong.
          *Bài thuốc     : Bổ can thang.
2.5- Hội chứng hàn ngưng ở can mạch:
2.5.1-Triệu chứng lâm sàng:
Đau bụng vùng hạ vị lan xuống dưới (vì theo đường đi của kinh can), đối với nam thấy có hiện tượng tinh hoàn bị sưng to. Toàn thân người lạnh, chân tay lạnh, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch thường trầm huyền hoặc trì.
2.5.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Thường là do hàn tà từ bên ngoài xâm phạm vào mạch của can kinh, làm cho khí huyết vận hành trong can mạch bị ngưng trệ mà tạo thành.
2.5.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Noãn (ấm) can tán hàn.
*Bài thuốc     : Noãn can tiễn.
2.6- Hội chứng can đởm thấp nhiệt:
2.6.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh thường có cảm giác đau tức vùng mạn sườn, miệng đắng, không muốn ăn, kèm theo cảm giác hay lợm giọng - buồn nôn, đại tiện thất thường lúc táo lúc nát, đi tiểu thường nước tiểu đỏ và ít, rêu lưỡi vàng - nhờn, mạch huyền sác.
Cũng có trường hợp xuất hiện hoàng đản (vàng mắt, vàng da). Có trường hợp biểu hiện dưới dạng lâm sàng khác: Đối với nam: tinh hoàn sưng nóng đỏ đau; đối với nữ: ra khí hư vàng hôi.
2.6.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Đa phần là do bởi người bệnh cảm thụ tà của thấp nhiệt từ bên ngoài vào, hoặc gặp ở người hay uống rượu, hay ăn các thức ăn béo ngọt làm cho yếu tố thấp từ bên trong sinh ra (thấp nhiệt nội sinh), do bởi rượu và các thức ăn béo ngọt khi ăn quá nhiều làm ảnh hưởng chức năng kiện vận của tỳ vị, vì đặc tính của tỳ vị là thích táo và ghét thấp, thấp nhiệt ở bên trong ôn kết vào can đởm mà dẫn đến hội chứng can đởm thấp nhiệt.
2.6.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, sơ can lợi ẩm.
*Bài thuốc     : Nhân trần cao thang.
2.7-Hội chứng đởm uất đàm nhiễu:
2.7.1-Triệu chứng lâm sàng:
Người bệnh váng đầu, hoa mắt, miệng đắng, hay lợm giọng, buồn nôn, có khi nôn mữa thật sự, người bệnh có cảm giác phiền táo (bức rức khó chịu, cảm giác nóng trong người), thường kèm theo tức ngực, hay thở dài, ít ngủ và giấc ngủ không sâu, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền hoạt.
2.7.2-Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Do rối loạn thất tình làm tình chí uất kết, khí uất lâu ngày có thể hóa hỏa, nhưng đồng thời cũng có thể sinh ra đàm, nếu tình trạng đàm ở bên trong sinh ra kéo dài thì đàm cũng hóa hỏa hình thành đàm nhiệt, nhiễu loạn bên trong, làm ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của đởm, cũng như chức năng hòa giáng của vị mà dẫn đến bệnh.
2.7.3-Pháp điều trị và bài thuốc:
*Pháp điều trị: Thanh hhiệt hóa đàm, giáng nghịch hòa vị.

*Bài thuốc     : Hoàng liên ôn đởm thang.

0 nhận xét: