BÁNH CHƯNG DƯỚI GÓC ĐỘ ĐÔNG Y

            Bài ngắn hơn đã đăng trên BÁO QUẢNG NAM


Hình 1: Bánh chưng (Ảnh Internet)
         Là người Việt Nam, ai cũng nhớ câu chuyện truyền thuyết “Bánh chưng bánh dầy” kể chuyện Hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo với Vua Hùng. Chiếc bánh chưng xanh phản ánh vũ trụ quan “trời tròn, đất vuông”, sự hòa hợp âm dương của người xưa; không chỉ có thế, nó còn là một bài thuốc bổ cổ truyền có tác dụng bồi bổ cơ thể.
          Ngoài ý nghĩa tượng trưng cho đất, bánh chưng còn tượng trưng cho sự kết hợp âm dương, trời đất:
          Chiếc bánh chưng dạng hình khối, có 4 mặt hình chữ nhật, 2 mặt hình vuông. Hai mối lạt vuông góc với nhau tại tâm mỗi mặt hình vuông, cùng với các cạnh của mặt hình vuông tạo nên một chữ “điền” (Hình 2), “điền” có nghĩa là đất.
          Cắt đôi chiếc bánh chưng thành 2 nửa bằng nhau theo chiều dài từng mối lạt, mỗi nửa mặt vuông cùng mối lạt còn lại ở giữa tạo thành một chữ “nhật” (Hình 3), nên mỗi mặt vuông sẽ có 4 (hai cặp) chữ “nhật”,  hai mặt vuông có 8 chữ “nhật”. Mỗi mặt bên là một chữ “nhật’ (các cạnh mặt bên hình chữ nhật cùng với mối lạt ở giữa). Vậy trên 6 mặt của chiếc bánh chưng có 12 chữ “nhật”, “nhật” có nghĩa là ngày, là mặt trời. Mười hai chữ “nhật” trên 6 mặt chiếc bánh chưng nhằm mô tả tất cả các vị trí quanh chiếc bánh chưng đều có mặt trời chiếu rọi.

Hình 2: Chữ điền (Ảnh Internet)

Hình 3: Chữ nhật (Ảnh Internet

          Mặt trời thuộc dương, trái đất thuộc âm; như vậy chiếc bánh chưng mô tả mối quan hệ kết hợp của âm dương, trời đất; dương (chỉ mặt trời) ở bên ngoài, âm (chỉ đất) ở bên trong, âm dương kết hợp để vạn vật sinh trưởng (tượng trưng bởi màu xanh của lá dong).
          Nguyên liệu làm bánh chưng rất dễ kiếm, đơn giản; chiếc bánh chưng dưới góc độ y học cổ truyền là một bài thuốc bổ, mỗi thành phần của bánh là một vị thuốc:
          -Gạo nếp (nguyên liệu chính): Vị ngọt, tính ấm, vào kinh tỳ. Gạo nếp chín nhừ trong thủy hỏa có công năng ôn trung, kiện tỳ ích khí (bổ cả tỳ dương và tỳ âm), trợ tiêu hóa.
          -Thịt heo: Vị mặn, tính bình, vào kinh thận; có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng bổ thận.
          -Đậu xanh (bỏ vỏ): Vị ngọt và mặn, tính bình, vào 2 kinh tỳ - thận . Vừa có tác dụng kiện tỳ, vừa có tác dụng bổ thận; ngoài ra còn có tác dụng: dưỡng can, thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt, tiêu phù thũng. 
          -Hành củ: Vị cay, tính ấm, vào kinh phế. Hành củ là gia vị chính của thịt heo, làm tăng độ ngon của thịt heo. Có tác dụng: hành khí [ hành khí trệ ở phế ( do quy luật hưu vượng của ngũ hành gây ra); phòng ứ trệ do tác dụng bổ tỳ, bổ thận của các thành phần khác trong bánh chưng], tiêu thực, giải tà khí phong hàn.
          -Lá dong: Ngoài tác dụng làm khuôn giữ ruột bánh, tạo hình dáng, tạo mùi thơm đặc biệt và dễ chịu sau khi luộc bánh chưng, tạo màu xanh bên ngoài tượng trưng cho sự sống trên trái đất ra. Nó còn có tác dụng dã rượu chữa say rượu, giải độc; bánh chưng gói bằng lá chuối, lá dứa hoặc các loại lá khác không có tác dụng này.
          Sự điều hòa 5 thành phần (cũng là 5 vị thuốc) trong chiếc bánh chưng, làm cho nó tăng thêm khẩu vị ngon, bồi bổ sức khỏe, giữ đưọc mức quân bình của ngũ hành (theo quy luật hưu vượng của ngũ hành thì trong mùa xuân cần bổ tỳ, thận và hành phế khí) để lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể.
          Chiếc bánh chưng không những là tác phẩm nghệ thuật tượng trưng cho đất, cho sự tương tác giữa trời đất âm dương; mà còn là một bài thuốc cổ truyền có tác dụng bổ thận , kiện tỳ trong dịp đầu xuân.

                                                                Lê   Thân (Tổng hợp)




0 nhận xét: