CẤY CHỈ VÀO HUYỆT PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH HIỆU QUẢ, ÍT TỐN KÉM

        Bài ngắn hơn đăng Báo Quảng Nam hôm nay 6-11-2013 (Tại đây)
      Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật; từ những năm 1950, ngoài châm cứu truyền thống có nhiều hình thức mới tác động vào huyệt như: thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt), từ châm (tác động vào huyệt bằng từ trường), laser châm (tác động vào huyệt bằng ánh sáng)… trong đó có cấy chỉ vào huyệt.
Sử dụng các phương pháp không dùng thuốc và thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên đã và đang là một xu hướng của thời đại: quay trở về với tự nhiên. Cấy chỉ vào huyệt đạo là một trong nhiều phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

                            Ảnh 1: Kim Troca (chọc dò tủy sống): Dụng cụ cấy chỉ trước đây
Cấy chỉ (chôn chỉ) vào huyệt là một phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng rất độc đáo, là thành quả kết hợp giữa đông và tây y, trên nền tảng châm cứu của đông y. Trung Quốc là nơi xuất phát của phương pháp và là nước có nhiều nghiên cứu về cấy chỉ trong điều trị và phục hồi chức năng đã được báo cáo; ở Việt Nam từ những năm 1970 đã có báo cáo về phương pháp cấy chỉ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Cấy chỉ là dùng dụng cụ đưa chỉ catgut (có khả năng tự tiêu sau một thời gian nhất định) vào huyệt vị, sự tồn lưu của chỉ tại huyệt trong thời gian đó đã phát huy vai trò khích thích huyệt đạo nhằm tạo được sự cân bằng âm dương, điều chỉnh chức năng tạng phủ, hành khí hoạt huyết, khai uất trệ, giảm đau…. Một số tài liệu cho biết cấy chỉ catgut có tác dụng tăng cường đồng hóa, giảm dị hóa, kèm theo tăng cao protein và hydratcarbon ở cơ, giảm nồng độ acid lactic cũng như giảm sự phân giải acid ở cơ; vì vậy, cấy chỉ catgut góp phần tăng chuyển hóa và dinh dưỡng ở cơ; cấy chỉ có tác dụng làm tăng sinh lưới mao mạch, làm tăng lưu thông máu trong lòng mạch ở các chi thể; có tác dụng kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể.


                           Ảnh 2: Kim thường (nhỏ hơn kim troca rất nhiều) tôi đang dùng để cấy chỉ     
  
Ưu điểm của phương pháp: có hiệu quả cao trong điều trị và phục hồi chức năng; một lần cấy chỉ 10-20 phút, khoảng cách giữa 2 lần 10-20 ngày, nên người bệnh đỡ phải đi lại và không cần nằm viện, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh; đợt điều trị có thể 1 lần hoặc nhiều lần tùy thuộc mức độ bệnh; có thể điều trị nhiều bệnh cùng một lúc. Nếu tiếp cận vấn đề ở góc độ kinh tế y tế thì phương pháp này là một giải pháp tối ưu giảm thấp chi phí y tế, phát huy hiệu quả các cơ sở y tế trong lúc quá tải bệnh nhân có thể giảm được mức tải, tăng được số lượng người bệnh được chăm sóc y tế.
Là phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng không dùng thuốc, nên hầu như không gây phản ứng phụ gì đáng kể. Đáng chú ý nhất là có thể gây đau tại huyệt cấy chỉ, nguyên nhân quan trọng của nó là do thường dùng kim troca (kim chọc dò tủy sống) có kích thước to để đưa chỉ catgut vào huyệt vị (nên 1 lần cấy chỉ không quá 4 huyệt). Sau thời gian dùng kim troca, cá nhân tôi đã cải tiến dùng kim tiêm nhỏ để thay thế nên khắc phục được việc gây đau, cấy được nhiều huyệt và đặc biệt là kim dùng 1 lần nên đảm bảo vô trùng và tránh lây nhiễm bệnh tật.


Ảnh 3: Kim troca và kim thường
Các chứng bệnh châm cứu được thì đều áp dụng cấy chỉ được. Một số chứng bệnh chữa bằng phương pháp cấy chỉ có kết quả tốt như: (1) các chứng liệt: liệt nữa người, liệt mặt, liệt 2 chân…; (2) bệnh cơ xương khớp: thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau thần kinh hông to (thần kinh tọa), đau xương khớp do phong thấp, đau vai gáy cổ, viêm quanh khớp vai…; (3) bệnh đường tiêu hóa: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn tính…; (4) bệnh đường hô hấp: hen phế quản, viêm phế quản…; (5) bệnh phụ nữ: đau bụng kinh, khí hư, hội chứng mãn kinh…; (6) bệnh ngũ quan: viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, cận thị, loạn thị…; (7) béo phì, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiền đình …. Trong thực tế, châm cứu cũng đã chứng minh có khả năng chữa được nhiều loại bệnh khó; cấy chỉ vào huyệt cũng đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị - phục hồi chức năng nhiều loại bệnh tưởng bó tay như: di chứng liệt, Parkinson, động kinh, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa…
Hiện nay, trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam đang tồn tại nhiều phương pháp cấy chỉ khác nhau. Nhìn cả một quá trình phát triển của kỹ thuật cấy chỉ, có thể nhận thấy từ bước khởi đầu để đưa được chỉ catgut kích thích vào huyệt đạo, phải dùng dao mổ rạch trích da trên huyệt, rồi dùng dụng cụ thích hợp đẩy chỉ catgut vào huyệt; đến kim troca; rồi đến cây kim tiêm thông dụng chỉ sử dụng một lần là cả một chặng đường dài. Kết quả của chặng đường dài ấy là mở rộng được chỉ định của phương pháp chữa bệnh độc đáo này, khắc phục được những nhược điểm của các kỹ thuật cấy chỉ cổ điển.
Trước đây, có những thầy thuốc còn cho rằng hạn chế của phương pháp này là gây đau cho người bệnh, thì nay những hạn chế đó đã dần được khắc phục.
Một số trường hợp điều trị bằng cấy chỉ: (1) Hồ Thị Tuyết V sinh năm 1982 ở An Mỹ - Tam Kỳ bị đau lưng khoảng 1 tháng, cấy chỉ 1 lần hết đau đến nay khoảng 3 năm chưa tái phát. (2) Nguyễn Thị D sinh năm 1930 ở An Mỹ - Tam Kỳ bị hen phế quản cấy chỉ 4 lần hiện thỉnh thoảng chỉ còn khó thở nhẹ. (3) Hứa Thị T sinh năm 1970 ở Duy Phước – Duy Xuyên bị viêm khớp dạng thấp cấy chỉ 3 lần, trước cấy chỉ mỗi khi thời tiết thay đổi người bệnh đau nhức các khớp rất nhiều, sau cấy chỉ khi “trái gió trở trời” các khớp đau ít. (4) Phạm Tấn S sinh năm 1951 ở Tam Thăng – Tam Kỳ bị đau lưng gần 10 năm, sau 2 lần cấy chỉ giảm đau khoảng 80%.

Cùng với laser, xung điện…cấy chỉ vào huyệt đạo đã mang vào châm cứu truyền thống một cách tác động mới mẻ vào huyệt đạo, khẳng định một ngành châm cứu hiện đại, ghi nhận sự phát triển so với châm cứu truyền thống, đã mở ra một triển vọng lớn lao cho điều trị và phục hồi chức năng nhiều bệnh tật, mở rộng khả năng khám chữa bệnh cho người thầy thuốc, giúp cho người bệnh có thể tiếp cận với thành quả của y học.

LIÊN HỆ:   Phòng mạch BS LÊ  THÂN

                   44 Tiểu La - Tam Kỳ - Quảng Nam

                   DĐ: 0905217313         
                                 

Ảnh 4: Trang nhất Báo Quảng Nam số 3723 (6945)
Thứ tư ngày 6.11.2013


Ảnh 5: Trang 5 Báo Quảng Nam số 3723 (6945)
Thứ tư ngày 6.11.2013

Ảnh trong bài: Lê  Thân

Lê Thân (Tổng hợp và giới thiệu)

2 nhận xét:

  1. Viêm amydal thì mình cần cấy chỉ vào những huyệt nào vậy bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viêm amydal (viêm họng, viêm xoang) mình thường dùng phương pháp đặc trị là lễ huyệt và uống thuốc.

      Xóa