DƯA LEO: CHỮA BỆNH NGOÀI DA

Bài đăng trên Báo Quảng Nam (Ở đây)

           Dưa leo (hay còn gọi dưa chuột) là một loại thức ăn rất thông dụng và được ưa chuộng trong các bữa ăn hằng ngày của nhân dân ta. Nếu ăn sống nhiều cũng có khi gây khó tiêu. Trái dưa leo có tác dụng giải khát, lọc máu, hoà tan axít uríc và urat, lợi tiểu và gây ngủ nhẹ; thường được chỉ dẫn dùng trong các trường hợp sốt nhẹ, nhiễm độc đau bụng và kích thích ruột, thống phong, sỏi tiết niệu. Do hàm lượng canxi cao nên dưa leo có tác dụng tốt đối với trẻ em chậm lớn, người già; do có nhiều kali nên người bị bệnh tim mạch như tăng huyết áp dùng rất tốt. Lá cây dưa leo hơi có độc, giã nát vắt lấy nước cho uống để gây nôn (khi ngộ độc thức ăn lấy 100g lá làm như trên để gây nôn).

          Đặc biệt, trái dưa leo dùng ngoài trị ngứa, nấm ngoài da và dùng như mỹ phẩm để dưỡng da như: Trị da nhờn: dưa leo 1 trái cắt lát, nước 0,5 lít; nấu dưa leo với nước trong 10 phút, để nước còn ấm rửa mặt hằng ngày. Trị tàn nhang: trái dưa leo xắt mỏng, ngâm trong sữa bò tươi khoảng 20 phút, rồi lấy nước cốt bôi lên vùng tàn nhang, sau 30 phút rửa mặt bằng nước ấm. Trị nếp nhăn trên mặt: trái dưa leo cắt từng khoang mỏng, đắp lên vùng da nhăn khoảng 20 phút mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Một số ứng dụng khác để chữa bệnh:
          -Chữa trẻ nhỏ đi lỵ trong mùa nắng: trái dưa leo non 1kg, rửa sạch, xắt nhỏ, đổ mật mía vào cho xâm xấp, nấu sôi 10 phút, ăn nhiều lần trong 1-2 ngày.
          -Phối hợp với thuốc khác để chữa sốt: khi dùng các thuốc chữa chứng sốt, nên dùng nước ép từ trái dưa leo làm nước giải khát, có tác dụng hỗ trợ cho việc làm hạ thân nhiệt.
          -Trong người nóng, khát khó chịu: trái dưa leo tươi 100g, ăn sống ngày 1-2 lần; hoặc trái dưa leo già 200g, gọt vỏ bỏ ruột, cắt miếng, trộn đường ăn.
          -Dưa leo trộn gỏi (làm nộm) với cà rốt, tôm tươi, thịt nạc, mè rang, đậu phộng; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị mắt đỏ.  
          Vì có tính hàn nên không dùng cho người tỳ vị hư hàn ( hay ỉa lỏng) nhất là trẻ em, thận hư yếu.
                             
                                                      Ảnh trong bài lấy từ Internet

                                                            Lê    Thân (Tổng hợp)



0 nhận xét: