GỪNG KHÔNG CHỈ LÀ GIA VỊ

Bài ngắn hơn đã đăng trên Báo Quảng Nam (Ở đây)

Từ lâu y học hiện đại đã biết tác dụng của gừng đối với hô hấp; tiêu hóa; tác dụng chống khuẩn, diệt vi trùng gây bệnh…. Gần đây, các nhà khoa học đã khám phá thêm tác dụng kỳ diệu của gừng trong: (1) dưỡng sinh chống lão hóa:… ở Trung Quốc nhân dân ca ngợi gừng trở thành tục ngữ như “Buổi sáng ăn ba lát gừng còn hơn uống nước sâm”, “Mỗi ngày ăn ba lát gừng khỏi phải mời thầy thuốc đến nhà”, “Một cốc chè xanh với một lát gừng là bài thuốc trừ hàn, kiện vị”. (2) cải thiện thành phần máu: gừng có chất gần giống chất acid salicylic trong asparin, nó làm loãng máu, chống sự đông máu, làm giảm mỡ trong máu, làm hạ huyết áp, phòng ngừa chứng huyết khối, bệnh tắc nghẽn cơ tim. (3) phòng chống ung thư. (4) phòng chống sỏi mật. (5) tăng tinh dịch và tính năng động của tinh trùng, tăng khả năng tình dục (cho cả nam và nữ)….





Củ gừng là một loại gia vị quen thuộc (không phải gừng xanh còn gọi là gừng gió) với mọi người, nó còn là một vị thuốc được nhân dân sử dụng rộng rãi. Gừng tươi (sinh khương) dùng chữa cảm lạnh nôn mữa, ho có đờm, bụng đầy trướng; giải độc bán hạ, nam tinh, cua, cá. Gừng khô (can khương) dùng để chữa đau bụng do hàn, chân tay lạnh, ho suyễn do lạnh, phong hàn thấp gây đau nhức cơ xương khớp. Vỏ gừng tươi (khương bì) có tác dụng hành thủy (dẫn nước), chủ trị các chứng phù. Gừng lùi (ổi khương) là gừng sống vùi nhẹ lửa cho chín hoặc nướng chín; có tác dụng làm ấm bụng, trừ hàn. Gừng khô thái phiến, đem sao cho phồng rộp, rồi phun nước cho nguội (bào khương), có tác dụng ôn tỳ vị; trị chứng bên trong bị hàn tà, ứ nước, hoắc loạn, lạnh bụng…... Một số ứng dụng phòng và chữa bệnh:
-Phòng say tàu, xe: gừng tươi xắt mỏng, đặt vào khẩu trang khi đeo; hoặc cầm tay hít hơi gừng; hoặc nhấm nháp gừng trước khi lên xe 40 phút và khi ngồi tàu, xe.
- Chữa nôn mữa: Gừng tươi nhấm từng ít một; hoặc nước gừng tươi, nước mía bằng nhau, trộn đều hâm nóng uống. Chữa nấc liên tục không dứt: gừng tươi 30g giã, vắt lấy nước; cho 30g mật ong vào trộn đều, thêm chút nước ấm, uống.
- Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn ọe, có đờm: Gừng khô 10g, cam thảo 04g, nước 300 ml sắc còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày.
-Tứ chi tê dại dùng: gừng tươi 60g, hành 120g, giấm 120g; tất cả cho vào nồi, nấu lên, xông tay chân, ngày 1 lần.
- Chữa cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi: Gừng tươi giã nhỏ 12g, tóc rối một ít, 50ml rượu trắng 400, tất cả đem xào nóng, bọc vải, chà xát khắp người và chỗ đau mỏi.
-Khi bị dị ứng do ăn hải sản (sứa, tôm, cua, cá biển…) dùng: gừng tươi lát mỏng 20g, lá tía tô xắt nhỏ 50g; cho một chén nước vào sắc sôi trong 15 - 20 phút, cho người bệnh uống; rồi sắc tiếp nước 2 với 2/3 chén nước cho người bệnh uống tiếp sau 2 giờ.
-Ăn uống chậm tiêu, ậm ạch, khó chịu: gừng tươi nướng cạo sạch vỏ, lấy khoảng 15g nhai nuốt cả bã ngày 01 lần. Hoặc bao tử heo 1 cái rửa sạch; cho gừng tươi 15g, 10 hạt tiêu vào; buộc chặt miệng bao tử heo lại, cho vào hấp chín, ăn 2 lần sáng – tối.
-Phòng cảm lạnh: người yếu, người già khi cần tắm gội hoặc ra ngoài khi trời lạnh nên phòng cảm lạnh bằng cách: gừng tươi cạo sạch vỏ 1 lát (khoảng 15g) cho vào miệng nhấm nhẹ cho tiết chất cay rồi mới vào phòng tắm gội hoặc ra ngoài trời; khi tắm gội xong mặc quần áo ấm, nhai nuốt miếng gừng đang ngậm. Ngừa cảm lạnh sau khi dầm mưa nhiều giờ: gừng tươi 20g giã nát, bỏ vào 1 ly nước sôi hoặc trà nóng cho đường vừa đủ ngọt để dễ uống, uống lúc còn nóng ngay khi vừa về đến nhà
-Chữa cảm lạnh thông thường, chảy nước mũi trong: gừng tươi 10g, lá tía tô xắt nhỏ 40g, hành tăm xắt nhỏ 15g, tất cả cho vào bát to, 01 trứng gà bỏ vỏ đổ lên trên; cháo loãng đang sôi đổ vào bát, khuấy đều, ăn nóng mỗi ngày 01 lần.
-Chưa lỵ đi phân mũi đỏ: gừng tươi 5 lát, đậu đỏ 30g, chim cút 1 con làm sạch bỏ lông ruột; cho 3 thứ vào nồi, nước vừa phải, nấu lửa to, đến khi sôi thì  nhỏ lửa, nấu thật nhừ, chia 2 lần ăn trong ngày.
-Chữa viêm phế quản mạn: gừng tươi 50g, rễ cây chè 100g, sắc một lúc rồi gạn lấy nước, cho mật ong vừa đủ vào khuấy đều bỏ bọt, đổ chai, dùng dần, ngày uống 2 lần mỗi lần 20g.
-Người bị di tinh, liệt dương có thể dùng: gừng tươi 5 lát, táo tầu bỏ hạt 6 quả; cá chạch  400g làm sạch bỏ ruột, cho vào nồi với gừng, táo tầu, nước vừa đủ ninh nhừ; ăn cả cái và nước làm 2 lần trong ngày, ăn liền 10 ngày là 1 đợt, nghỉ 1 tuần có thể ăn đợt 2.
-Lưng đau do làm quá mức; bong gân, cơ: gừng tươi 60g, hành củ 5 củ, dây mướp 300g, gián đất 4 con; tất cả giã nát, cho một ít rượu trắng vào trộn đều, đắp chỗ đau.
-Người già bị hen suyễn: gừng tươi 15g, trứng gà 1 quả; gừng xắt nhỏ, đập trứng vào đánh đều, xào chín, ăn khi nóng.


Lưu ý: Cẩn thận khi dùng gừng cho người bệnh tiểu đường, tim mạch, phụ nữ có thai (nhưng nó làm dịu cảm giác buồn nôn ở thai phụ: đa số phụ nữ mang thai đều không tránh khỏi cảm giác buồn nôn, khó chịu trong thời kỳ thai nghén, khi bị chỉ cần dùng 1g bột gừng khô hoặc 5g gừng tươi 3-4 lần/ngày có thể khắc phục hiệu quả tình trạng này). Không dùng gừng liều cao, nhiều ngày. Không tự dùng gừng cho những người đang chảy máu như: rong kinh, hành kinh, ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam…. Không dùng gừng cho người bị cảm nắng, người ra nhiều mồ hôi, sốt cao. Không được dùng gừng cùng lúc với thuốc tây y Coumarin, Aspirin (dùng phải cách xa ít nhất 4 giờ).


                                  Ảnh trong bài được lấy từ Internet
                                           Lê  Thân (Tổng hợp)

0 nhận xét: