DƯA HẤU: THUỐC QUÝ TRONG MÙA HÈ

                                          Bài ngắn hơn đăng trên Báo Quảng Nam (Ở đây)
          Dưa hấu (còn gọi là: dưa đỏ, tây qua, hàn qua, hạ qua, thủy qua), là thứ trái cây rất phổ biến trong nhân dân và được nhiều người ưa chuộng, chủ yếu dùng làm thức ăn tráng miệng và giải khát trong mùa hè nắng nóng. Vị ngọt dịu, mát lạnh của dưa, cùng một tí mặn của muối, một tí cay của ớt; làm cho cái mệt mỏi, khó chịu do nắng nóng dường như tan biến đi. Hạt dưa hấu có thể dùng chế biến lấy dầu ăn; hoặc đem phơi khô để rang ăn (hạt dưa) trong các dịp lễ, tết, hội hè, cưới xin; hay làm nhân bánh kẹo. Việc sử dụng các bộ phận của dưa hấu làm thuốc ít được chú ý và thường chỉ có tính chất địa phương, dùng trong phạm vi nhân dân.


          CÁC BỘ PHẬN CỦA DƯA HẤU SỬ  DỤNG LÀM THUỐC:
          -Thịt dưa hấu: Thành phần chủ yếu là nước, ngoài ra còn có: acid amin, đường, can xi, phốt pho, kali, sắt, các vitamin C - B1 - B2 - PP.....Theo một nghiên cứu ở Mỹ phát hiện ra rằng: lycopene (là hợp chất tự nhiên tạo nên màu đặc trưng của các loại quả như cà chua, dưa hấu và bưởi đỏ - nó có tác dụng loại bỏ các gốc tự do gây hại cho tế bào lành) có trong cà chua làm giảm 1/3 nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới; một báo cáo khác cho thấy, dưa hấu chứa nhiều lycopene hơn cả cà chua; tuy nhiên, lycopene của các loại quả khác nhau được hấp thụ với tỷ lệ khác nhau; vì vậy, còn cần tiếp tục tìm hiểu liệu dưa hấu có khả năng phòng ngừa ung thư như cà chua hay không?.   
       Theo y học cổ truyền, nó có vị ngọt, tính lạnh; có tác dụng: lợi tiểu, giải nhiệt, chống khát; dùng trong những trường hợp: đái buốt, nóng trong bàng quang, tăng huyết áp, say rượu, cảm sốt, phiền khát...; người bị hàn thấp nặng thì không được dùng.  Dưa hấu tuy có tác dụng thanh nhiệt, giải khát lý tưởng và chữa trị được một số bệnh tật, nhưng khi dùng cần lưu ý: không nên ăn quá nhiều trong 1 lần và nhiều lần trong một ngày; đặc biệt là những người tỳ vị vốn đã hư yếu hay đau bụng đi lỏng và rối loạn tiêu hóa.




                          
                                                                      Ảnh Internet
          - Hạt dưa hấu: Thành phần chủ yếu có chất béo, protein, vitamin B2, tinh bột.... Theo y học cổ truyền, nó có vị ngọt, tính bình; có tác dụng: mát phổi, nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa, chữa khát; chủ yếu dùng cho các chứng: thổ huyết, ho, tăng huyết áp, chữa phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều....
          -Ngoài ra còn có:
                   +Vỏ quả giữa của quả dưa là vỏ dưa được cạo bỏ lớp vỏ màu xanh ở ngoài, phơi khô mà dùng.
                   + Lớp vỏ xanh phơi khô với tên Tây qua bì.
          VÀI  ỨNG DỤNG CHỮA BỆNH:
          -Chữa cảm sốt, đầu váng, hoa mắt, nhiều mồ hôi: Tây qua bì 20g, hoa hoặc cành kim ngân 20g, lá tre 10g, nước 500ml đun sôi, giữ sôi 15phút, chia 3 lần uống trong ngày.
-Chữa lưỡi nóng, khát nước, người hao tổn do nắng nóng mùa hè:
                   *Dưa hấu chín bổ ra ép lấy nước uống từ từ (còn có tác dụng giải say rượu
                   *Vỏ quả giữa dưa hấu 30g, hoạt thạch 18g, cam thảo 03g sắc uống
          -Bị rôm sảy: vỏ quả giữa dưa hấu tươi xoa vào chỗ rôm sảy.     

-Người tăng huyết áp dùng:
                   *Vỏ quả giữa dưa hấu (khô) 15g, hạt muồng (thảo quyết minh) 09g, sắc nước uống hằng ngày thay nước chè.
                   *Ăn hạt dưa (bỏ vỏ) lúc bụng đói, ăn sống hay chín đều được.
          -Chữa phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều: Nhân hạt dưa 09g nghiền vụn uống với nước, uống ngày 2 lần.
          -Chữa viêm phế quản mạn tính: Dưa hấu 01 quả (khoảng 3Kg), gừng tươi 60g, đường phèn 50g. Dưa hấu mở một lỗ cho gừng và đường phèn vào trong, lấy vỏ dưa đậy kín lại, đặt trên rổ, hấp cách thủy 2 giờ, ăn dưa và uống nước cốt chia nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày ăn 01 quả, một đợt điều trị là 10 ngày, giữa 2 đợt điều trị nghỉ 3 - 5 ngày.
           -Thịt dưa hấu 1Kg, cát cánh 25g, đường phèn 100g, gạo tẻ 100g. Dưa hấu xắt lát nhỏ, cát cánh xắt miếng nhỏ như hạt gạo, gạo vo sạch ngâm cho trương lên. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ rồi ninh nhừ thành cháo. Mỗi ngày ăn một vài bát trong những ngày hè nắng nóng; có công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu và làm hết khát.
         
         

                                                                 LÊ   THÂN (Tổng hợp)

0 nhận xét: