THUỐC NAM CHỮA SỎI ĐƯỜNG TIẾT NIỆU
Bài được đăng ở Báo Quảng Nam số 3259 (6481) ngày 03.5.2012 (Tại đây)
Theo
đông y sỏi đường tiết niệu (thận, bàng quang...) thuộc phạm trù chứng sa lâm
(sỏi nhỏ như cát), thạch lâm (sỏi có kích thước lớn) của “Ngũ lâm chứng” (5
chứng lâm). Nguyên nhân hoặc do thường ngày ăn nhiều thức ăn cay nóng, hoá
nhiệt thấp sinh, uất kết lâu ngày rồi dồn xuống bàng quang làm cho khí hoá trở
trệ không thông; hoặc do phòng sự quá độ, làm thận âm hao tổn, âm hư gây hoả
động, ảnh hưởng đến tác dụng khí hoá của bàng quang, làm cho tạp chất của nước
tiểu kết lại mà thành sỏi. Cách chữa tuỳ theo thể bệnh, thời gian chữa thường
kéo dài, có thể làm sỏi nhỏ lại tự tiêu hoặc đi tiểu ra sỏi; có thể gây thay
đổi cơ địa, làm sỏi không tái phát (sau khi sỏi được đi tiểu ra hoặc phẩu thuật
lấy sỏi ra). Phạm vi bài này tổng hợp và giới thiệu các cách dùng thuốc nam cho
người bị sỏi đường tiết niệu:
-Chọn trái chuối chát (chuối hột, chuối sứ)
thật chín, lấy hạt phơi khô, tán nhỏ; hàng ngày lấy 7 muỗng cà phê bột hột
chuối chát, cho vào 2 lít nước nấu lửa nhỏ, khi còn khoảng 2/3 lượng nước là
được, uống thay nước trà, uống 1 đợt 2-3 tháng; cho kết quả khá tốt. Cũng có
thể lấy trái chuối chát đem xắt lát mỏng, sao vàng hạ thổ, mỗi ngày lấy một nắm
tay người lớn (chừng 1 trái), sắc với 3-4 chén nước, uống vào lúc no. Hoặc lấy
trái chuối xanh đang chuyển sang già, xắt lát sao vàng hạ thổ, ngâm rượu uống
sau bữa ăn, mỗi lần 1 ly nhỏ.
-Lấy 1 trái thơm (dứa, khóm) để nguyên vỏ,
khoét ở cuống một lỗ nhỏ, lấy 7-8g phèn chua giã nhỏ nhét vào, dùng thân thơm
vừa khoét đậy lại, đem nướng trên than hồng (hoặc vùi vào lửa) cho cháy xém hết
vỏ, thịt trái thơm chín mềm, để nguội vắt lấy nước uống, mỗi ngày uống nước của
1 trái, sỏi thận sẽ bị bào mòn dần và có thể tan hết, nếu sỏi nhỏ thì có thể
tiểu tiện ra được; hoặc dùng trái thơm xắt miếng, nấu nhừ với 0,5g phèn chua
trong 2-3 giờ, ăn cái uống nước trong 1 ngày; các cách này dùng 1 đợt khoảng 7
ngày. Hoặc rễ cây thơm rửa sạch, phơi khô, sao lên nấu nước uống hằng ngày. Hoặc
dùng dịch ép lá và trái thơm chưa chín mỗi ngày 20-30g.
-Màng mề gà (kê nội kim) - là lớp màng mỏng
cứng có ngấn, màu vàng nhạt phủ mặt trong của mề gà, tiếp xúc trực tiếp với
thức ăn; mề gà mổ ra gạt hết chất bẩn, do hạn chế rửa nước nên rửa qua nhanh tay,
bóc lấy màng trong phơi hay sấy khô, khi dùng đem sao với cát cho phồng lên,
lấy ra rây bỏ cát là được, bảo quản nơi khô ráo, kín- thường dùng phối hợp với
một số vị thuốc đông y, nhưng cũng có vài cách đơn giản có thể tự áp dụng được
như: màng mề gà bột 30g, mề vịt xắt mỏng 30g, măng 200g, mộc nhĩ đen 30g, gừng
tươi 10g, hành 20g, dầu ăn 50g, rượu trắng 20g; cho tất cả vào xào ăn, ăn với 2
bữa cơm chính.
-Thịt bí đao, mã đề, kim tiền thảo, rễ cỏ
tranh (bạch mao căn) mỗi thứ 15g; cho vào 800ml nước, nấu sôi còn 300ml, bỏ bã
mà uống, ngày một thang chia 2 lần.
-Rễ cau non, rễ cây dâu, rễ dừa, cỏ mần
trầu, mỗi thứ một nắm sao vàng hạ thổ; mía lau 5 lóng; đường phèn 1 nhúm nấu
uống.
-Rễ dành dành, cây mã đề, kim tiền thảo mỗi
thứ 12g, sắc với nước, uống ngày 1 thang, 1 đợt uống liên tục 10 ngày
-Râu bắp 60g, lá bầu 30g rửa sạch, xắt nhỏ
cho vào nồi thêm 400ml nước nấu sôi, còn 250ml nước chia 3-4 lần uống trong
ngày, uống 7-8 ngày.
-Râu bắp 40g, hạt mã đề (xa tiền tử) 25g,
rễ cỏ tranh 30g, hoa cúc 10g; tất cả xắt nhỏ, trộn đều, mỗi lần dùng 50g hãm
như chè, pha thành 750ml, cất 2-3 lần uống trong ngày.
-Kim tiền thảo 50g, mề gà (cả màng trong) 2
cái làm sạch, hai thứ đem hầm trong một giờ, ăn mề gà và uống nước hầm.
-Nấu cháo với 50g gạo tẻ, khi được cho
100g rau chân vịt đã rửa sạch, xắt nhỏ
vào nấu nhừ, chia ăn vài lần trong ngày.
-Kim tiền thảo 30g, râu bắp 50g, nhân trần
25g, bồ công anh 25; sắc uống chia 2-3 lần trong ngày
-Măng tre (lột bỏ vỏ) 120g, rau mã đề 120g
hãm uống trong 1 ngày.
-Giá đậu xanh 100g, trạch tả 18g, đậu đỏ
30g, sắc uống trong 1 ngày
-Râu bắp 30-60g, trai 50-200g, hai thứ đem
hầm nhừ, bỏ bã râu bắp, ăn thịt trai và uống nước.
-Có thể dùng riêng các vị thuốc nam sau
dưới dạng sắc hoặc hãm như trà uống: (1) kim tiền thảo 15-30g; (2) rễ cỏ tranh
30-60g; (3) toàn cây rau mèo 30g; (4) vỏ trái cau (đại phúc bì) 10g; (5) liên
kiều 10-30g; (6) mã đề: toàn cây 10-20g, hạt 6-12g; (7) ý dĩ (hạt bo bo)
20-30g; (8) bắp: râu 60g, rễ 120, lá 12g; (9) vỏ rễ cây lựu 30-60g; (10) hạ khô
thảo 30g; (11) dứa dại: rễ 6-10g, đọt non 15-20g; liều lượng trên dùng cho 1
ngày.
Để phòng sỏi đường tiết niệu cần: Uống đủ
nước; thường xuyên vận động, lao động vừa với sức khoẻ và có chế độ nghỉ ngơi
hợp lý; bổ sung vitamin A và đạm; tẩy giun định kỳ; uống nhiều nước kết hợp với
đi bộ vừa phải vào buổi sáng là phương pháp phòng bệnh rất hữu hiệu. Nếu đã mổ
lấy sỏi, tán sỏi hay tiểu ra sỏi cần tham vấn các thầy thuốc để có chế độ ăn
thích hợp chống tái phát sinh sỏi vì sỏi đường tiết niệu rất dễ tái phát, sau
khi ra sỏi nên uống phòng bằng bài thuốc đông y sau: thương truật 12g, hoàng bá
12g, ngưu tất 16g, hoạt thạch 16g, hoàng kỳ 12g, xa tiền tử 16g, kim tiền thảo
20g, sắc uống ngày 1 thang khoảng 15-20 ngày.
LÊ THÂN (Tổng hợp)
0 nhận xét: