CHƯA THỂ KHẲNG ĐỊNH XÁO TAM PHÂN CHỮA ĐƯỢC VIÊM GAN, UNG THƯ
Bài trên www.thanhnien.com.vn (Tại đây)
Trước tình trạng một số báo chí trong nước đăng tải nhiều bài viết đề cập cây xáo tam phân như một loại “thần dược”, tạo sự hiểu lầm trong dư luận và gây cơn sốt săn lùng loại cây này, mới đây thạc sĩ - bác sĩ Lê Tấn Phùng, Sở Y tế Khánh Hòa, có bài viết gửi Báo Thanh Niên với mong muốn cung cấp thông tin để độc giả hiểu hơn về kết quả ban đầu thử nghiệm công dụng loại cây này.
Xáo tam phân đã được xắt lát - Ảnh: Trần Đăng
Ngày 14.11.2012, Viện Dược liệu (VDL) gửi văn bản số 539/VDL-QLKHĐT cho Sở Y tế Khánh Hòa thông báo một số “kết quả ban đầu” về nghiên cứu cây xáo tam phân (XTP). Kết quả nghiên cứu này dựa vào những thí nghiệm trên động vật, cụ thể là chuột nhắt trắng và trên một số dòng tế bào ung thư trong ống nghiệm (in-vitro). Điều đó có nghĩa các kết quả ban đầu này hoàn toàn còn mang tính thử nghiệm, chưa thể khẳng định những tác dụng này là tương tự trên cơ thể người. Sẽ còn nhiều thử nghiệm tiếp theo để khẳng định tính giá trị và tính tin cậy của các tác dụng này, trước khi trải qua những bước nghiêm ngặt và cần thiết về thử thuốc trên lâm sàng theo quy định của Bộ Y tế.
Về nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan: Văn bản của VDL nêu rõ nghiên cứu này thực hiện trên mô hình chuột nhắt trắng bị gây viêm gan cấp bằng Paracetamol. Như vậy nghiên cứu chỉ cho thấy tác dụng với viêm gan do Paracetamol, chứ không phải đối với mọi loại viêm gan khác (ví dụ như do virus, vi khuẩn, do rượu, do hóa chất...). Có nghĩa là XTP được sử dụng cho chuột nhắt trắng đã được gây viêm gan chủ động bằng Paracetamol. Ngoài ra, VDL đưa ra kết luận này dựa trên sự so sánh với tác dụng ức chế viêm gan cấp “tương tự silymarin 100 mg/kg”. Trong khi đó, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định silymarin có tác dụng trong điều trị các bệnh lý về gan nói chung và viêm gan nói riêng. Do đó, để khẳng định XTP có tác dụng ức chế viêm gan cấp trên người là chưa có cơ sở.
Về tác dụng gây độc đối với các dòng tế bào ung thư: Văn bản của VDL đã ghi rõ là nghiên cứu này được thực hiện trong ống nghiệm (mà từ chuyên môn gọi là in-vitro) trên các dòng tế bào ung thư chứ không phải thử trên động vật hay trên người. Các nghiên cứu tiếp theo trên động vật là rất cần thiết để khẳng định kết quả này, trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.
VDL chỉ mới nghiên cứu độc tính cấp (tức là độc tính được biểu hiện tức thì) của cây XTP trên chuột. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện về độc tính trường diễn và độc tính đặc hiệu của cây XTP. Chỉ khi nào làm rõ được các độc tính này, tính an toàn của việc sử dụng cây XTP mới được khẳng định. Đây cũng là một trong những bước cần tiến hành trong thử nghiệm thuốc trong lâm sàng.
Nói tóm lại, người dân cần phải bình tĩnh để tìm hiểu thông tin trước khi quyết định tìm và sử dụng cây XTP. Tốt nhất là cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn về y học, những thầy thuốc Đông y có kinh nghiệm để được tư vấn. Các phương tiện thông tin, truyền thông cũng tìm hiểu cặn kẽ thông tin, có hiểu biết nhất định về y học thông qua tư vấn, tìm hiểu trước khi đăng tải các bài viết liên quan đến cây XTP nhằm tránh tình trạng “tiền mất tật mang” đáng tiếc.
ThS-BS Lê Tấn Phùng
0 nhận xét: