NGỘ ĐỘC SẮN

Bài đăng trên BÁO QUẢNG NAM HÔM NAY 20.6.2014
                                                                                   BS LÊ THÂN
          Sắn có tên khoa học: Manihot esculenta Crantz; thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)        
Sắn còn gọi là khoai mì, là cây lương thực quan trọng nên được trồng khắp nơi để lấy củ ăn, chăn nuôi gia súc và sản xuất tinh bột sắn. Nước ta có nhiều loại sắn, thường gặp 2 loại chính:
-Sắn phát (còn gọi là sắn tây, sắn đỏ, sắn hồng lai): cây có màu hơi hồng, đốt thưa, lá xanh thẫm; củ rắn, có vỏ ngoài trắng, vỏ trong đỏ, nhiều tinh bột, sau khi luộc củ rất bở.
-Sắn dù (còn gọi là sắn tàu, sắn đắng, sắn lùn): cây lùn, đốt dày, ngọn non màu xanh nhạt, lá màu xanh lục nhạt, cuống lá đỏ nhạt; củ có vỏ ngoài nâu sẫm, vỏ trong trắng, chứa nhiều nước; loại này thường được trồng nhiều vì sản lượng cao, củ để lấy bột và làm thức ăn gia súc.


1-Bộ phận độc và chất độc: Một số người ăn củ sắn bị say, đó là hiện tượng ngộ độc sắn, do một glycoside độc có trong củ sắn, chất độc này có nhiều ở vỏ và hai đầu rễ củ, nhất là củ sắn non. Khi cho vào nước và đặc biệt dưới ảnh hưởng của dịch dạ dày, nó bị phân huỷ thành acid cyanhydric (HCN), gây độc đối với người và gia súc. Bảng hàm lượng HCN trong các loại sắn nói trên:
Loại sắn
Hàm lượng HCN (mg/100g củ)
Khi mới đào
Sau 2-3 ngày
Sắn phát
2,2
4,3
Sắn dù
12,6
18,3
Liều 20mg HCN đủ gây ngộ độc và liều 40-50mg HCN đủ làm chết một người lớn.
2-Triệu chứng ngộ độc:
Khi ăn phải sắn “độc”, chất HCN được giải phóng ra sẽ ngấm qua ruột, vào máu và tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện thường vài giờ sau khi ăn (khoảng 2-3 giờ; cũng có khi sớm hơn hoặc muộn hơn). Bắt đầu thấy chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, rạo rực khó chịu; tiếp theo là nôn mữa, có thể đau bụng, sắc mặt tái, khó thở, thở nhanh và nông.
Nếu ngộ độc nặng, thì nạn nhân mệt lả, lịm dần rồi mê man; khi mê man, có thể có những cơn co giật giống bệnh động kinh; nạn nhân lạnh toát, vã mồ hôi, mạch yếu dần và chết do truỵ mạch.


3-Giải độc và điều trị: Trong mọi trường hợp người bị ngộ độc cần được cấp cứu kịp thời ngay tại gia đình hoặc cơ sở y tế gần nhất.
-Nếu mới ăn phải thì cần làm cho nạn nhân nôn hết chỗ sắn còn lại trong dạ dày. Sau đó, cho uống nước đường, nước mía, nước mật hoặc mật ong; vì chất đường có tác dụng làm mất độc tính của HCN.
-Nếu cơ thể nạn nhân lạnh toát, cần xoa dầu nóng, mặc ấm; sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi, đề phòng các biến chứng có thể xảy ra và có thể áp dụng thêm các biện pháp cấp cứu như:
   +Rửa dạy dày - ruột nếu thấy cần
   +Tiêm các thuốc giải độc, trợ tim và chống truỵ mạch; cho thở oxy và nếu ngừng thở phải hô hấp nhân tạo.
Trong y học cổ truyền có bài thuốc giải ngộ độc sắn như sau: Cám gạo tẻ khoảng 40g, rau muống sống 1 nắm. Rửa sạch rau muống, cho vào cối giã nhỏ, cho cám vào trộn đều; lấy ra, cho vào chén hoặc bát, chế nước sôi vào, đánh đều; lọc qua vải sạch lấy nước cho uống. Người lớn mỗi lần uống một chén, nếu chưa khỏi 2-3 giờ sau uống một chén nữa; trẻ em giảm lượng tuỳ theo tuổi. Hoặc dùng 60-100g lá hoặc rễ cây mua, sắc uống


4-Đề phòng ngộ độc sắn: Để đề phòng ngộ độc sắn cần chú ý mấy điểm sau:
-Nên trồng loại sắn ít độc. Không nên bón phân cho sắn loaị có nhiều chất đạm, vì đạm sẽ làm tăng tỷ lệ HCN trong củ sắn. Theo kinh nghiệm, không nên trồng sắn cạnh gốc xoan, vì trồng cạnh gốc xoan làm cho sắn hay có vị đắng và chứa nhiều chất độc.
-Hiện tượng ngộ độc sắn chỉ xảy ra khi ăn sắn tươi; hoặc nướng, luộc không kỹ. Còn sắn đã lột vỏ, ngâm nước, xắt mỏng, phơi khô hoặc làm thành bột thì chưa bao giờ thấy có ngộ độc; bởi vì, chất độc dễ hoà tan trong nước và dễ bay hơi trong quá trình chế biến.
-Khi ăn sắn tươi, nên làm như sau: sắn sau khi đào về, cắt bỏ 2 đầu rồi ngâm nước ít nhất một buổi (hoặc lột vỏ rồi ngâm nước thì tốt hơn). Khi luộc, nên đổ nhiều nước và luộc kỹ để làm tan chất độc vào nước; khi sôi mở vung để chất độc bay hơi. Sắn nấu ghế (độn) cơm, làm bánh, nấu chè thường không bao giờ gây say; sắn nướng dễ gây ngộ độc hơn, vì chất độc còn bị giữ lại nhiều.
-Ngộ độc sắn còn phụ thuộc vào tình trạng cơ thể từng người. Nói chung, trẻ em, người già yếu, người mới bệnh dậy dễ bị ngộ độc hơn người khoẻ mạnh, nếu cùng ăn sắn chứa một lượng chất độc như nhau.
-Không nên ăn quá nhiều sắn vào buổi sáng hay lúc đang đói bụng.
-Không nên dùng vỏ sắn, đầu củ sắn, lõi sắn và nước luộc sắn làm thức ăn cho gia súc, vì HCN trong đó có thể gây ngộ độc. Khi bò, heo bị ngộ độc vì ăn lá sắn, vỏ sắn tươi …. cho uống nước đường kịp thời có tác dụng giải độc tốt.

(Theo “Cây độc ở Việt Nam Trần Công Khánh và Phạm Hải- NXB Y học 2004)
                         Ảnh trong bài lấy từ Internet

0 nhận xét: