VE KHÔNG CHỈ GỌI HÈ

Bài đã đăng ở Báo Quảng Nam (Tại đây)


        Ve sầu dùng làm thuốc đông y có tác dụng: thanh nhiệt, tức phong, trấn kinh. Người ta dùng ve sầu trị trẻ em kinh phong, điên giản, khóc đêm (khóc dạ đề). Liều dùng uống trong 1-3 con, sắc uống hoặc làm hoàn tán.




                                                            Ảnh Internet
          Bộ phận hay sử dụng làm thuốc nhất là xác ve sầu (còn có tên: thuyền thoái, thuyền xác, thuyền thuế…). Người ta tìm thấy xác ve trên các thân cây hoặc ngay trên mặt đất quanh các hốc cây vào buổi sáng sớm mùa hè; có những nơi sau trận mưa to mùa hè, xác ve trên cây bị gió mưa làm rơi xuống, nước cuốn trôi theo dòng suối bị các cành lá cây giữ lại, lấy rổ vớt hay nhặt lấy, rửa sạch rác rưởi phơi khô (không ngâm nước lâu ngày vì sẽ bị nát), mỗi kg có khoảng 6.000 – 7.000 xác ve; làm hoàn tán thì nhất thiết phải bỏ chân, răng. Xác ve có tác dụng: tán phong nhiệt, giải kinh, tuyên phế, thấu đậu chẩn; dùng chữa các trường hợp: đậu chẩn, phong chẩn, trẻ em kinh giật, đau đầu do phong, choáng váng, mất tiếng, mụn nhọt, ghẻ lở. Một số ứng dụng chữa bệnh của xác ve:
          -Trị mụn nhọt, lở loét: xác ve, bạch cương tằm (tằm vôi, tằm chết gió) lượng bằng nhau; tán bột, trộn với dấm bôi chung quanh mụn, để hở miệng nhọt, đợi cho cùi nhọt dài thì khêu ra.
          -Trị trẻ nhỏ khóc đêm (khóc dạ đề): xác ve 7 cái chỉ lấy phần bụng, nghiền nát với sữa mẹ. Sắc lá bạc hà lấy nước, hoà vào cho trẻ uống.
          -Chữa sau khi đậu bay, nọc chạy vào mắt kéo màng: xác ve sầu rửa sạch bỏ đầu cánh, hoa cúc trắng, hai vị bằng nhau, mỗi lần dùng 8 – 12g, đổ ít nước, sắc còn 7/10, hoà một chút mật ong cho uống.
          -Chữa chứng hay đau đầu, chóng mặt: xác ve sao qua, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g với ít rượu hoặc nước ấm.
          -Chữa da khô, nóng ngứa: xác ve, tổ ong (tầng sáp vừa thu hoạch) nướng qua, lượng bằng nhau, sao vàng, tán bột; ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g với rượu
          Lưu ý: Xác ve uống lâu ngày sẽ làm cho nguyên khí bị thoát, phụ nữ có thai cần thận trọng, hư chứng mà không thuộc phong nhiệt không dùng

                                                           LÊ THÂN (Tổng hợp)

0 nhận xét: