TUỆ TĨNH - NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG: "NAM DƯỢC TRỊ NAM NHÂN"


                                                                

Ảnh từ Internet

          Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu Hồng Nghĩa, đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh (cũng gọi là Huệ Tĩnh). Ông sinh ra ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, Huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Tuệ Tĩnh sinh dưới triều Trần Dụ Tông (thế kỷ XIV). Nhiều tài liệu cho rằng ông sinh năm 1330,  còn năm mất (mất ở Trung Quốc) thì không rõ.


          Tương truyền, Nguyễn Bá Tĩnh là người rất thông minh, học giỏi. Ông mồ côi cha khi 6 tuổi, được các nhà sư chù Hải Triều trong tổng nuôi rồi đến chùa Gia Thủy (lúc 10 tuổi) ở Hà Nam ngày nay cho học chữ và học nghề thuốc. Năm 22 tuổi ông thi đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh; những ngày đi tu là những ngày ông chuyên cần học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người. Năm 30 tuổi, ông trở về trụ trì chùa Yên Trang, ông tu bổ lại chùa này và nhiều ngôi chùa khác ở hạt Sơn Nam và quê hương ông. Tuệ Tĩnh thường biến các chùa thành trạm xá, huấn luyện y học cho các tăng ni và thiện nam tín nữ thành lực lượng thầy thuốc, để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc. Năm 45 tuổi ông thi đậu Hoàng Giáp. Năm 55 tuổi (1385) ông bị bắt đi cống cho nhà Minh (Trung Quốc), sang Trung Quốc ông làm việc ở Viện thái y, giữ chức y tư cửu phẩm và nổi tiếng là thầy thuốc giỏi; có lần ông chữa khỏi bệnh sản hậu cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh), nên được vua Minh phong cho ông là Đại y thiền sư. Một đời đau đáu với sự nghiệp y học cứu nhân độ thế, được nhân dân ngưỡng mộ, được triều đình nhà Minh trọng dụng, nhưng Thiền Sư Tuệ Tĩnh vẫn một lòng hướng về quê hương, không màng vinh hoa phú quý, ông chỉ mong được quay về cố hương để làm thuốc chữa trị cho dân lành; song ông mắc bệnh đột ngột và qua đời ở Giang Nam - Trung Quốc không rõ năm nào. Trước khi qua đời ông trối lại rằng: hãy khắc lên bia mộ ông dòng chữ “Ai về phương Nam cho tôi về với!”, dù có còn là một nắm xương tàn, Tuệ Tĩnh vẫn hoài mong trở về với đất mẹ, trở về với giống nòi và Tổ quốc yêu thương. Hơn 200 năm sau, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho, người cùng làng Nghĩa Phú với Tuệ Tĩnh được cử đi sứ nhà Thanh, cảm động với lời nhắn tha thiết của cụ, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê hương. Mộ chí ông giờ không còn dấu tích nơi đất khách quê người, nhưng người dân đất Việt vẫn một lòng kính ngưỡng và trân trọng những đóng góp vô cùng to lớn của ông cho dân, cho nước.
          Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, đúc rút kinh nghiệm chữa bệnh bằng thuốc bắc, huấn luyện y học cho nhiều người; từ đó tạo dựng nên một sự nghiệp y dược mang tính dân tộc, đại chúng và sáng tạo; ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền đông y Việt Nam một cách toàn diện bao gồm lý, pháp, phương, dược. Nhiều thế kỷ qua, những thầy thuốc theo phương pháp trị liệu của Tuệ Tĩnh đã thực hành chữa bệnh có kết quả. Về y hoc, ông để lại cho hậu thế 2 tác phẩm chính là: Hồng Nghĩa giác tư y thư và Nam dược thần hiệu (Thuốc Nam chữa bệnh hiệu quả như thần); ngoài ra còn có: Nhân thân phú, Thập tam phương gia giảm, Thương hàn tam thập thất chủng.
          Với quan điểm độc lập, tự lực cánh sinh và chủ động, Tuệ Tĩnh cho rằng: “Muốn cứu dân sinh, phải tìm thánh dược. Sách trời đã định phận nước Nam, thổ sản có khác gì Bắc quốc”. Cho nên ông chủ trương “Nam dược trị Nam nhân” (Thuốc nước Nam chữa bệnh cho người nước Nam). Lý luận cơ bản của đông y có học thuyết “Thiên nhân hợp nhất”, coi thiên nhiên với con người hòa hợp làm một; nói lên mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và xã hội; khuyên người ta chung sống với môi trường, dựa vào môi trường để cải tạo, khắc phục những tác động xấu do môi trường sinh ra cho con người; và ngược lại nếu con người tàn phá thiên nhiên, thì sẽ bị thiên nhiên trừng phạt trở lại. Dân ta hay mắc các bệnh đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa với khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm, mưa nhiều và ẩm thấp; điển hình như là các bệnh về thấp, các bệnh cảm nhiễm phong – hàn – nhiệt rất thường gặp. Nhưng bù lại, mảnh đất này, khí hậu ấy cũng đã sinh ra những loài cỏ, cây, hoa, trái, côn trùng, khoáng vật…. có tác dụng điều hòa âm dương, hàn nhiệt…, lấy lại cân bằng cho cơ thể và chữa khỏi bệnh cho con người. Như cảm nắng (nhiệt) đã có củ sắn dây; cảm lạnh (hàn) ăn cháo hành, tía tô nóng; cảm gió (phong) thì đánh gió (bằng gừng, lá trầu không..)…
          Trong “Nam dược thần hiệu”, ông đã tổng kết được nhiều kinh nghiệm sử dụng thuốc nam, mô tả dược tính 580 vị thuốc (bằng thơ); với 3873 phương thuốc nam ứng trị 182 loại chứng bệnh cho 10 khoa lâm sàng. Trong “Hồng Nghĩa giác tư y thư”; ông trình bày danh từ dược học, tóm tắc công dụng của 630 vị thuốc nam…Trong các trước tác của mình; ông không rập khuôn theo các trước tác của các đời trước; ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu; mà xếp các cây cỏ lên trước tiên; ông còn nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, xoa bóp, xông, hơ….; ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc.
          Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và làng xóm. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng của việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ, ông nêu ra phương pháp dưỡng sinh tóm tắc trong 14 chữ:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”
          Chủ trương “Nam dược trị Nam nhân” của ông thể hiện quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người và môi trường sống xung quanh. Chủ trương ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền đông y Việt Nam: “Ông Thánh thuốc Nam”.
          Trong sinh hoạt ngày nay, với các sản phẩm công nghiệp tràn ngập trên thị trường, đã làm không ít người lãng quên nhiều loại cây cỏ, hoa lá… quanh mình rất hữu ích cho cuộc sống; người ta quen dùng các loại nước gội đầu làm sẵn mà bỏ qua thứ nước trái bồ kết nấu với lá bưởi, lá chanh gội đầu vừa sạch gầu, vừa trơn tóc, lại giữa được hương thơm thiên nhiên. Người ta đua nhau dùng các loại kem dưỡng da cao cấp đắt tiền mà quên mất các loại hoa quả bốn mùa vừa bổ dưỡng, vừa có thể dùng xoa đắp lên da giúp da mịn màng, nhuận sắc như cà chua, dưa leo….
          Tuệ Tĩnh là một danh y Việt Nam, người mở đường cho sự nghiên cứu thuốc Nam, xây dựng nền móng cho đông y Việt Nam; tài liệu ông để lại, đặc biệt là chủ trương “Nam dược trị Nam nhân” của ông là một cống hiến rất lớn cho đất nước không chỉ về mặt đông y; khi mà ngày nay không chỉ nước ta và các nước có nền đông y ở khu vực châu Á  - Thái Bình Dương biết sử dụng cây cỏ làm thuốc, mà ở nhiều nước phát triển trên thế giới đang ngày càng có xu hướng quay lại với thảo dược để tận dụng các hoạt chất gần gũi và có sẵn trong thiên nhiên, ít độc hại cho con người.

ĐỀN XƯA - NƠI TƯỞNG NIỆM ĐẠI Y THIỀN SƯ TUỆ TĨNH, THÔN NGHĨA PHÚ, XÃ CẨM VŨ, HUYỆN CẨM GIÀNG, TỈNH HẢI DƯƠNG

Lê Thân (Biên soạn)


0 nhận xét: