TỔNG QUAN ĐÔNG TÂY Y VỀ BỆNH SỞI

Có 1 phần về đông y đăng trên BÁO QUẢNG NAM hôm nay 18.4.2014
                                                              BS Lê   Thân   (Tổng hợp)
          Hiện nay, rất nhiều trẻ mắc bệnh sởi; sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: có sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non. Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Hiện nay đang là mùa đông - xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi rút sởi lưu hành và gây bệnh. Theo kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi trong số các trường hợp có sốt phát ban nghi sởi là rất cao (trên 70%). Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

1-ĐÔNG Y:
 Đông y gọi là bệnh thời khí do lục dâm (6 thứ khí phong, hàn, thử, thấp, táo và hỏa) gây ra. Bệnh sởi còn gọi là ma chẩn, sa tử, bệnh xuất hiện những nốt đỏ trên da, nổi hơi cao, sờ tay có cảm giác như hạt vừng nên gọi là ma chẩn, nốt sởi mọc lên như hạt cát (sa) nên còn gọi là sa tử. Cần phân biệt với phong chẩn (nốt ban không nổi cao trên da).

Các bài thuốc trị bệnh sởi gồm các dược thảo có những tác dụng dược lý giúp ích cho việc điều trị bệnh như: Tác dụng kháng khuẩn (hoàng cầm, hoàng liên, ngưu bàng, kim ngân hoa, diếp cá, liên kiều, tri mẫu), kháng virut (hoàng cầm, hoàng liên, liên kiều, ngưu bàng), sinh tân dịch (mạch môn). Hầu hết các vị thuốc đều có tác dụng hạ sốt. Một số vị còn có thêm tác dụng an thần (tri mẫu), giảm đau (sa sâm), giải độc (cam thảo), lợi tiểu (mộc thông), trị viêm đường hô hấp (bối mẫu), trị tiêu chảy (hoàng liên, hậu phác).

          1.1- Thời kỳ phát sốt (sởi chưa mọc): Bệnh khởi đầu bằng sốt 3, 4 ngày đến khi sởi mọc. Các triệu chứng giống thời kỳ viêm và khởi phát của các bệnh truyền nhiễm khác, cần chú ý đến dịch tễ học, xem kỹ vùng tai, gáy, cổ, lưng có một số điểm ban đỏ.

Triệu chứng: Bắt đầu người nóng, ho, chảy nước mũi, chảy nước mắt, người mệt mỏi, sốt cao dần, niêm mạc miệng có ban chẩn.

Bài 1: Lá diếp cá, rau dệu, mỗi vị 16g, cam thảo đất 12g, sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

Bài 2
: Phù bình (bèo cái), đậu sị, mỗi vị 12g; ngưu bàng tử, liên kiều, cát căn, thăng ma mỗi vị 8g; thuyền thoái (xác ve sầu) 4g. Nếu sốt cao, thêm kim ngân hoa, hoàng cầm, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3
: Ngưu bàng 12g; kim ngân hoa, cát căn, bạc hà, kinh giới mỗi vị 8g. Đổ nước ngập, đậy kín, sắc rồi xông và uống.

Bài 4
: Cát căn 12g, xích thược 6g, thăng ma 4g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5
: Liên kiều, huyền sâm, mỗi vị 16g; kim ngân hoa, ngưu bàng, tử thảo, hoàng đằng, mẫu đơn bì mỗi vị 10g; cam thảo 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 6: Lá diếp cá tươi 30g, mùi tàu 20g, riềng 6g đem nấu lấy nước uống trong ngày.

Bài 7
: Cát căn 12g, liên kiều 8g; thuyền thoái, xích thược, kinh giới, ngưu bàng tử, mộc thông mỗi vị 6g; bối mẫu, tiền hồ, tang bạch bì mỗi vị 4g; đăng tâm, cam thảo mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.

Nếu khó thở, thêm ma hoàng 6g. Chảy máu cam, thêm trúc như 6g. Táo bón, thêm vừng đen 8-12g. Sốt cao, thêm hoàng liên, hoàng cầm mỗi vị 8g. Tiêu chảy, thêm phục linh, trạch tả mỗi vị 8g. Tiểu tiện ít, thêm xa tiền tử (hạt mã đề) 10g.


                                                        Ảnh:  Diếp cá
          1.2- Thời kỳ sởi mọc (bắt đầu xuất hiện nốt ban sởi đến khi mọc dày toàn thân, độ 3-4 ngày).

Triệu chứng: Sởi mọc tuần tự từ đầu mặt, thân mình, tay chân, lòng bàn tay chân, mọc càng ngày càng dày; sốt cao, ho nhiều, đại tiện nhão. Phương pháp chữa: thanh nhiệt giải độc.

Bài 1: (làm sởi chóng mọc và mọc đều): Quả khế thái lát phơi khô, rau dệu, lá nọc sởi, canh châu mỗi vị 20g, các vị trên đều sao vàng, hạ thổ. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Bài 2: Lá tre 20g, sài đất, kim ngân hoa, mỗi vị 16g; mạch môn, sa sâm, sắn dây, cam thảo đất mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Hoa kim ngân, cỏ ban mỗi vị 30g. Dùng tươi giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô sắc uống.

Bài 4: Cát căn 12g; tô diệp, xuyên khung mỗi vị 8g; xích thược, ngưu bàng mỗi vị 6g; thăng ma 4g; cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: (bệnh nhân sốt cao): Cát căn, liên kiều mỗi vị 12g; tri mẫu, địa cốt bì, thiên hoa phấn (rễ qua lâu), ngưu bàng tử, huyền sâm, tang diệp (lá dâu tằm) mỗi vị 8g; cát cánh, mộc thông, hoàng cầm, cam thảo mỗi vị 6g; tiền hồ, hoàng liên, chi tử, phòng phong, bạc hà mỗi vị 4g; đăng tâm 3g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 6: (bệnh nhân sốt cao li bì, mê sảng, có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh): Huyền sâm, gạo tẻ mỗi vị 12g; sừng con trâu, tri mẫu mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 7: (bệnh nhân tiêu chảy): Sơn tra 8g, đăng tâm 6g; bình lang sao, chỉ xác sao mỗi vị 4g; liên kiều, ngưu bàng tử mỗi vị 3g; hoàng liên sao, hoàng cầm sao, hậu phác sao, thanh bì, cam thảo, đương quy mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 8: (bệnh nhân có biến chứng viêm phổi): Thạch cao 20g, hạnh nhân 6g, ma hoàng 4g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.


                                                             Ảnh: Tre
          1.3- Thời kỳ sởi bay, bệnh nhân mất nước vì sốt kéo dài, miệng khô, ho.

Bài 1: Sa sâm, hạt sen, đậu đỏ, lá dâu non mỗi vị 120g; cam thảo, mạch môn, hoàng tinh mỗi vị 80g, hoài sơn 60g. Tán thành bột, làm viên. Ngày uống 30g, chia làm 3 lần.

Bài 2: Sa sâm 12g; ngân sài hồ, huyền sâm mỗi vị 8g; đảng sâm, mạch môn mỗi vị 6g; cam thảo 4g; long đởm thảo, đăng tâm mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Hoàng cầm, địa cốt bì mỗi vị 12g; tang bạch bì (vỏ dễ cây dâu), mạch môn, sa sâm, lô căn (rễ sậy) mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
          2- TÂY Y:
          Tác nhân gây bệnh sởi thuộc nhóm RNA giống Mobilli vi-rút của họ Paramyxoviridae Influenzae. Người là nguồn bệnh chủ yếu nhưng có thể gặp ở khỉ. Không có trung gian truyền bệnh, không có vi rút tiềm ẩn lây truyền, chỉ có 1 type huyết thanh, và thuốc chủng ngừa có hiệu quả.

          2.1- Triệu chứng của bệnh: Có thể chia làm các giai đoạn :
          2.1.1- Thời kỳ ủ bệnh: (từ lúc bị nhiễm siêu vi trùng đến lúc có triệu chứng bệnh) Trung bình là 10 ngày (có thề thay đổi từ 7đến 18ngày): trẻ có thể sốt nhẹ.

          2.1.2- Thời kỳ khởi phát (còn gọi là thời kỳ viêm long): Đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện như sau:
          - Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5oC đến 40oC, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp. 
          -“Viêm long”(có triệu chứng giống như cảm cúm): thường xảy ra ở mắt và mũi, gây chảy nước mắt, đổ  nghèn nhiều, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. Có thể gây viêm thanh quản co rút, nếu có triệu chứng viêm long ở đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy.
          -Khám họng trong giai đoạn này có thể thấy những chấm trắng nhỏ khoảng 1mm mọc trên nền niêm mạc má viêm đỏ, có vị trí ngay với răng hàm thứ nhất, đó là dấu “Koplik” (ảnh) rất có giá trị để giúp chẩn đoán khi phát ban. Thời gian tồn tại của dấu hiệu này khoảng 12 đến 18 giờ.


                                        Ảnh: Dấu hiệu “Koplik
          2.1.3- Thời kỳ toàn phát (hay còn gọi là thời kỳ phát ban): 
          Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 gờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh.Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.

          2.1.4- Thời kỳ phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da loang lỗ như da cọp nên được gọi là “vết vằn da hổ”

            Chẩn đoán sởi chủ yếu dựa vào lâm sàng là triệu chứng viêm họng với phát ban theo trình tự xuất hiện và khám họng thấy có dấu “Koplik” với tiền sử thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi chưa mắc sởi lần nào, có tiếp xúc với  nguồn lây trong 10 ngày trước đó. Cũng có thể gặp các cháu sống trong tập thể nhà trẻ, trường học và gia đình có người thân mắc bệnh tương tự.

          2.2-  Các biến chứng của bệnh:

          2.2.1- Biến chứng đường hô hấp

          @ Viêm thanh quản:
          - Giai đoạn sớm, là do virus sởi: xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban thường mất theo ban,hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản.
          - Giai đoạn muộn: do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiêng, khó thở, tím tái.
           @ Viêm phế quản:
          Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, neutro tăng, X quang có hình ảnh viêm phế quản.
          @ Viêm phế quản – phổi:
          Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ra nổ. X quang có hình ảnh phế quản phế vêm (nốt mờ rải rác 2 phổi). Bạch cầu tăng, neutro tăng, thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

          2.2.2- Biến chứng thần kinh

          @ Viêm não – màng não – tủy cấp:
          Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Gặp ở 0,1 – 0,6% bệnh nhân sởi. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 – 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt co giật, rối loạn ý thức: u ám – hôn mê, liệt ½ người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII hay gặp hội chứng tháp – ngoại tháp, tiểu não, tiền đình…
          - Viêm màng não kiểu thanh dịch (do virus).
          - Viêm tủy: liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng.
          @ Viêm màng não:
          - Viêm màng não thanh dịch do viru sởi
          - Viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.
           @ Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa:
Hay gặp ở tuổi 2 – 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, điều này nói lên virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diến biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân chết trong tình trạng tăng tương lực cơ và co cứng mất não.
          2.2.3- Biến chứng đường tiêu hóa
          @  Viêm niêm mạc miệng:
          - Lúc đầu do virus sởi, thường hết cùng với ban.
          - Muộn thường do bội nhiễm
          @ Cam mã tấu:
Xuất hiện muộn, do bội nhiễm xoắn khuẩn Vincent là một loại vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối.
          @ Viêm ruột: Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như shigella, E. coli…

          2.2.3- Biến chứng tai – mũi – họng

          - Viêm mũi họng bội nhiễm
          - Viêm tai – viêm tai xương chũm.

          2.2.4- Biến chứng do suy giảm miễn dịch

          Dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà…
          2.3- Điều trị:
          Chủ yếu là điều trị nâng đỡ, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu – săn sóc và nuôi dưỡng.
          - Hạ sốt: phương pháp vật lí, thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol).
          - An thần.
          - Thuốc ho, long đờm
          - Kháng histamin: Dimedron, Pipolphen.
          - Sát trùng mũi họng: nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol…
          - Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng.
          - Khi có biến chứng: viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính thì dùng kháng sinh và corticoid.
          - Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (thở O2, hô hấp hỗ trợ…) hồi sức tim mạch…
          - Chế độ ăn uống tốt.
          3- VẤN ĐỀ LÂY BỆNH:
          Sởi là một bệnh cực kỳ dễ lây lan. Đường lây truyền chủ yếu là đường hô hấp như: nước bọt , hắt hơi, sổ mũi hoặc do hít phải mầm bệnh từ môi trường bên ngoài của bệnh (do mầm bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường hơn một giờ). Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất và tính miễn dịch quần thể trong nhân dân cần phải đạt tới  94% mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng
          Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.
          Vi rút sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.   
          Là bệnh lây nhiễm người – người. Không ghi nhận bệnh sởi ở động vật.
          4- KHI TRẺ BỊ SỞI:
          4.1- NÊN: Tăng cường dinh dưỡng (ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa), vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân; cho trẻ uống nhiều nước, nước chanh, cam  uống đều đặn trong ngày; bột cam thảo trộn với mật ong giúp giảm ho và viêm họng do vi rút sởi gây ra; bột nghệ trộn với mật ong hoặc sữa giúp người bệnh nhanh phục hồi và tăng cường khả năng miễn dịch.

          4.2- KHÔNG NÊN: Ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, được chế biến dưới dạng chiên, xào gây khó khăn trong tiêu hóa; ăn thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao; các loại gia vị cay nóng như tiêu, ớt; đồ uống có ga, cồn.

                                            Ảnh trong bài lấy từ Internet

0 nhận xét:

CHIM SẺ – BỔ THẬN TRÁNG DƯƠNG

Bài đăng trên BÁO QUẢNG NAM
                                                                                               BS LÊ THÂN (Tổng hợp)
          Chim sẻ có công dụng: bổ ngũ tạng (đặc biệt là thận), tráng dương, ích khí, bổ huyết. Thịt chim sẻ được dùng để chữa: suy nhược cơ thể; tạng phủ hư tổn; gầy yếu khó thở; nhất là người cao tuổi thận khí suy nhược, lưng đau gối mỏi, tiểu tiện nhiều lần về đêm; phụ nữ sau sinh mỏi mệt, đau lưng, khí hư; nam giới liệt dương, suy giảm khả năng tình dục. Tiết chim sẻ được dùng cho những người yếu mệt, yếu sinh lý, hay hoa mắt chóng mặt, nhức đầu do thiếu máu và suy nhược (cắt đầu hay cổ chim, hứng hết tiết vào chén rượu hay mật ong rồi khuấy đều, uống ngay 1 lần trong ngày, dùng liên tục 10-15 ngày). Trứng chim sẻ được dùng cho nam giới liệt dương, thiểu tinh, thận lạnh; nữ giới huyết khô, băng lậu, đới hạ. Phân chim sẻ hơi có độc; trị đau mắt, làm sáng mắt, đau vì tích cục máu trọng bụng, đau họng và bạch đới; chữa cổ họng sưng đau: 20 hạt phân chim sẻ, trộn với đường cát trắng, viên thành 3 viên, gói vào một miếng lụa ngậm trong miệng.


          Chim sẻ có tính ấm (nóng). Chỉ thích hợp với những người thiên về dương hư, hoặc mắc các chứng bệnh thuộc về dương hư; biểu hiện: mệt mỏi, sắc mặc nhợt nhạt, sợ lạnh, chân tay lạnh, dễ bị cảm lạnh, ra mồ hôi vô cớ, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng nát, giảm ham muốn tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, lưng đau gối mỏi, phòng sự hay bị vả mồ hôi và toát lạnh. Không nên dùng cho những người thể chất thiên về âm hư, hoặc mắc các chứng bệnh về tình dục thuộc thể âm hư hỏa vượng. Để đạt được hiệu quả bổ thận tráng dương tốt nhất, cổ nhân thường phối hợp dùng chim sẻ với một số vị thuốc khác như:
          -Chim sẻ 5 con, chim bồ câu 1 con làm thịt, bỏ nội tạng, chặt mỏ, sấy khô; đỗ trọng 120g sao, muối rang 5g; tất cả tán mịn (xay), luyện với mật ong làm thành viên bằng hạt bắp; mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, uống với 1 ít rượu vào lúc đói.
          -Chim sẻ 3-5 con làm thịt bỏ nội tạng, rồi đem hầm với thỏ ty tử 10g, kỷ tử 10g, ba kích 10g (các vị thuốc cho vào túi vải cột kín miệng); khi chín nhừ bỏ bã thuốc, thêm gia vị ăn nóng.
          -Chim sẻ 20 con làm thịt bỏ nội tạng, sấy khô; đương quy 50g, kỷ tử 50g, long nhãn 50g, xuyên khung 20g, thỏ ty tử 40g, ba kích 50g, nhục thung dung 50g, dâm dương hoắc 100g, đại táo 100g, nhục quế 10g. Tất cả đem ngâm với 5 lít rượu trắng, sau 1 tháng là có thể dùng được, mỗi ngày uống 15-20ml.
          -Chim sẻ 3-5 con làm thịt bỏ nội tạng, gạo tẻ 100g và 1 chén rượu trắng nấu thành cháo; khi chín bỏ vào 3 củ hành trắng và gia vị, ăn nóng.
          Các vị thuốc phối hợp trên dễ dàng mua được ở các tiệm thuốc bắc.



 Ảnh trong bài lấy từ Internet

0 nhận xét:

THUỐC NAM CHỮA ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP

Bài ngắn hơn đăng BÁO QUẢNG NAM hôm qua 2.4.2014
                                                   BS LÊ  THÂN (Tổng hợp)

Tình trạng đau nhức xương khớp rất hay gặp ở bà con, khiến chất lượng sống giảm sút đáng kể, hạn chế việc tham gia các hoạt động cộng đồng, kéo theo những rối loạn khác về thể chất và tâm lý. Nếu kéo dài có thể để lại nhiều hậu quả như: Biến dạng khớp, teo cơ, tàn phế…. Một số bệnh lý hay gặp như: Viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, loãng xương, gút…
 Đông y cho rằng do sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ của cơ thể không đầy đủ, các yếu tố gây bệnh như: phong, hàn, thấp cùng phối hợp tác động xâm phạm đến kinh lạc - cơ - khớp, làm cho sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn không thông gây ra đau nhức xương khớp. Đau nhức xương khớp thường có hai thể lớn là có và không có sưng nóng đỏ. Bài viết này chỉ giới thiệu những cách thức dùng thuốc nam đơn giản có thể chữa tại cộng đồng những trường hợp đau nhức xương khớp mà không có sưng nóng đỏ (những trường hợp có sưng nóng đỏ nên đến cơ sở y tế để kiểm tra và chỉ định điều trị phù hợp):
1- Các biện pháp không dùng thuốc:
- Ăn uống điều độ, giảm cân, giữ cân nặng ở mức hợp lý để giữ cho các khớp không phải chịu một sức nặng quá mức, sẽ có tác dụng làm giảm đau nhiều. Ăn nhiều các sản phẩm từ đậu nành cũng giúp phòng chống loãng xương và tốt cho hệ tim mạch. Ăn ít chất đạm, nhiều chất xơ và rau tươi đối với bệnh gút.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức giúp cho khí huyết lưu thông sẽ làm thuyên giảm các chứng đau khớp; nhưng tránh tập quá sức vì có thể gây tổn thương gân cốt.
- Nếu đau nhiều, nên kết hợp châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp ... tại các cơ sở y học cổ truyền.
2- Một số bài thuốc đơn giản có thể dùng tại cộng đồng:
- Dây đau xương sao vàng, hạ thổ, sắc uống mỗi ngày 15-20g
- Ý dĩ nhân (hạt bo bo) nấu cháo ăn lâu dài.
- Thịt mèo 250g, tỏi 30g, dầu, muối. Làm sạch thịt mèo, cắt miếng, tỏi bỏ vỏ. Cho vào nồi, đổ nước, dầu, muối hầm chín nhừ ăn trong bữa ăn.
- Ngũ gia bì 50g, gạo nếp 500g, men rượu vừa đủ. Rửa sạch ngũ gia bì, ngâm sau đó sắc ngũ gia bì bỏ bã lấy 2 lần nước sắc, đổ gạo nếp vào nấu thành cơm khô, sau tản ra chờ còn hơi ấm rắc men rượu vào trộn đều, ủ thành rượu nếp, dùng tùy thích.
- Thịt dê 500g, cà rốt 250g, gia vị vừa đủ. Cà rốt, thịt dê rửa sạch cắt miếng, ướp gừng tươi xào 5 phút trong chảo dầu nóng, cho thêm ít rượu vang, muối, xì dầu và ít nước lạnh um trong 15 phút, sau bỏ vào nồi đất; cho vỏ quýt với 3 bát nước to, nổi lửa to, khi sôi hạ lửa riu riu nấu trong 2 giờ khi thịt dê chín nhừ là được, ăn trong bữa cơm.
- Rễ trinh nữ (cỏ thẹn, cây xấu hổ, cây mắc cỡ) đã xắt mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm 20-30g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Nếu nhiều có thể nấu thành cao lỏng, rồi pha rượu để dùng dần. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau: (1) rễ trinh nữ, rễ bưởi bung, rễ cúc tần mỗi thứ 20g; rễ đinh lăng, rễ cam thảo dây mỗi thứ 10g. Sắc uống trong ngày, có thể ngâm rượu. (2) rễ trinh nữ 10g; lá cối xay, rau muống biển, lạc tiên, rễ cỏ xước, lá lốt mỗi thứ 3g. Hãm với nước sôi hoặc sắc  uống.
- Dùng lá lốt 12-16g, rễ cây cỏ xước 10g, quế chi 8g, thiên niên kiện 8g, thổ phục linh 12g, kinh giới 8g, tầm gửi cây dâu 12g, rễ cỏ tranh 10g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống ấm, trước bữa ăn.

                                                   Lá lốt (Ảnh: Internet)
- Lươn to 4-6 con (mỗi con nặng 500g), rượu (tốt nhất là rượu vàng) một ít. Cho lươn vào rượu đảo đều khi ráo bỏ ruột lươn, sấy khô tán bột lươn cho vào bình dùng dần, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15g uống với nước sôi hay hòa vào cháo ăn. Mỗi liệu trình là 2 tháng.
- Giấm tốt lâu năm một bát, hành củ 3 lạng giã nát, nấu lẫn cho sôi rồi gói vào vải, chườm nóng chỗ đau.
- Lá ngải cứu, hành cả rễ, gừng bỏ vỏ. Cả 3 thứ lượng đều nhau, giã nát, tẩm rượu xào nóng đắp chỗ đau, lấy lá thầu dầu đắp ngoài mà buộc lại, ngày thay 5-6 lần đến lành thì thôi.


                                                        Ngải cứu (Ảnh: Internet)
- Quả ké đầu ngựa 2 lạng, giã nát, mỗi lần dùng 8-12g sắc uống khi hơi đói. Kỵ ăn thịt heo.
- Kim ngân hoa cả lá, trộn với rượu, xào nóng, đắp vào chỗ đau.
- Lấy lá lốt tươi và lá ngải cứu tươi, mỗi thứ 30-50g, rửa thật sạch, giã nát, chế thêm giấm, đem chưng nóng rồi chườm, đắp vào chỗ đau.

- Hạt cải tán bột, hòa với lòng trắng trứng gà mà bôi, ngoài lấy lụa bọc lại, ngày thay một lần.

1 nhận xét:

CÁ DIẾC – BỔ TỲ VỊ

Bài đã đăng trên BÁO QUẢNG NAM
                                                                         BS LÊ THÂN (Tổng hợp)
          Theo đông y, cá diếc ích khí, kiện tỳ, lợi tiểu tiêu sưng, hạ sữa. Là thực phẩm bổ dưỡng rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh đẻ thiếu sữa (cá diếc 250g nấu canh ăn, có thể thêm móng giò heo); người bị bệnh lâu ngày thân thể suy nhược, khí huyết hư tổn; còn dùng để chữa ăn kém do tỳ vị hư nhược, trĩ sang, đại tiện ra máu, nôn mửa…. Một số ứng dụng chữa bệnh:

          -Khí huyết hư tổn, thận thể suy nhược, ăn ít, mệt mỏi: lấy cá diếc 250g, gạo nếp 60g; cá làm sạch, bỏ vảy và nội tạng, nấu với gạo nếp thành cháo mà ăn.
          -Đầy hơi, nôn mữa: cá diếc 1 con, bỏ ruột, để vảy; tỏi xắt nhỏ cho hết vào bụng cá; dùng giấy thiếc gói kỹ, nướng chín, nghiền thành bột, mỗi lần uống 3g với nước cơm, ngày 2-3 lần.
          -Bồi dưỡng cho người bị lao phổi ho ra máu: cá diếc làm sạch, nấu cùng củ cải trắng, không cần lượng, ăn thường xuyên.
          -Ho lâu ngày: các diếc 250g, cho đường đỏ vào hầm ăn, liên tục 5-6 lần.
          -Phòng trị viêm dạ dày mạn tính: cá diếc 250g, rửa sạch, rán vàng 2 mặt, cho vào 1 ít rượu; sau khi rán thơm, cho vào lượng vừa muối, 2 chén nước, nấu sôi 15 phút, cho thêm rau rút 250g, nấu sôi thêm 10 phút là được, mỗi ngày uống 2 lần.
          -Trẻ lên sởi thời kỳ đầu hoặc lên sởi phát triển chậm: hầm riêng các diếc tươi sống (có thể cho thêm chút muối), cho trẻ uống canh, ăn cá; có thể làm cho sởi mọc nhanh hơn, mọc nhanh rồi mất nhanh, rút ngắn quá trình bệnh, tránh được biến chứng.
          -Mật cá diếc có tính sát trùng, giảm đau: gai tre đâm vào thịt không lấy ra được, lấy nước mật cá diếc chấm vào, có thể rút gai ra. Mật cá diếc 1 cái đốt thành than, tán nhỏ, trộn với dầu mè, bôi chữa sa dạ con (tử cung), sau khi rửa sạch bộ phận này bằng nước tỏi.
          -Bong bóng cá diếc rửa sạch, chiên gòn bằng dầu mè, tán bột, uống mỗi lần 5-6g, ngày 2 lần để chữa viêm loét dạ dày



                                                                    Ảnh lấy từ Internet

0 nhận xét: