CHANH: SẴN CÓ BỐN MÙA

Bài ngắn hơn đã đăng trên Báo Quảng Nam (Ở đây)
Chanh là loại cây được trồng lâu đời và phổ biến khắp mọi vùng ở nước ta, cho trái quanh năm, là một loại gia vị hết sức quen thuộc. Vắt nước trái chanh vào nước luộc rau, các thức ăn như phở, bún, mỳ… rất hấp dẫn và bổ; mắm tôm cho nước trái chanh sủi bọt mới là mắm tôm loại ngon nhiều đạm; luộc ốc dùng lá chanh để thơm và bớt lạnh; ăn chanh trái khi lên cơn thèm rượu, thuốc lá có thể giúp cai rượu, thuốc lá. Dịch trái chanh là một thứ nước uống mát (dịch trái chanh pha với nước đường là thức uống giải khát rất thông dụng), có tác dụng thông tiểu tiện, thanh nhiệt, tiêu thực, chống viêm, có thể chữa bệnh tê thấp; th­ường xuyên ăn chanh hoặc uống n­ước chanh: có thể phòng ngừa được bệnh hoại huyết, có tác dụng làm đẹp da. Nếu bạn cần thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi, đơn giản hãy dùng nước chanh, một chút muối thả vào nước ấm và tắm; bạn sẽ cảm thấy hồi phục sức khoẻ ngay sau khi ra khỏi bồn tắm. 



Nhiều bộ phận của chanh được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền và dùng như mỹ phẩm: Khi bị viêm họng, ho nhiều, lấy lát trái chanh ngậm với ít muối, nuốt nước dần dần. Xắt lát mỏng trái chanh cho vào nước trà (cả vỏ) có tác dụng thanh nhiệt và trừ đàm. Chanh cũng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và mạch máu, tăng cường chuyển hoá canxi vào xương và răng, tăng cường tiêu hoá thức ăn, chống tình trạng stress của cơ thể. Khi bị côn trùng đốt: nhỏ dịch trái chanh hay đắp lát lên chỗ bị đốt. Mùa đông thời tiết hanh khô, sẽ làm cho đôi môi của bạn dễ bị khô nẻ, hãy trộn lẫn nước cốt trái chanh vào mật ong thoa lên môi. Muốn tóc ít rụng và bóng mượt, hãy trộn 1 muỗng nước cốt trái chanh với muỗng dầu dừa, thoa lên tóc mỗi tuần 1 lần. Lá chanh ăn với thịt gà luộc làm thơm ngon và dễ tiêu do có nhiều tinh dầu. Một số ứng dụng khác:

                                        Ảnh trong bài lấy từ Internet
     -Chữa cảm, cúm, nhức đầu: lá chanh, lá bưởi, lá tre, cúc tần, hương nhu mỗi thứ 50g; bạc hà 20g, sả 2 củ, tỏi 3 nhánh; tất cả dùng tươi cho vào nồi nấu với nước đến sôi, rồi xông cho ra mồ hôi (không được dùng cho người đã tự ra mồ hôi).
 -Chữa nôn ọe, ho khan: lấy trái chanh cắt từng lát, cho thêm vài hạt muối nhai nuốt. Chữa ho nhiều đờm: chanh 2 trái xắt nhỏ, thêm đường phèn vừa phải, hấp cách thủy ăn. Chữa ho: rễ chanh 6-12g/ngày dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với vỏ rễ cây dâu hoặc tầm gởi cây dâu 10g, lá trắc bá 10g.
-Khi trẻ bị ho: lấy hạt chanh, hạt quất, thạch xương bồ mỗi vị 10g, mật gà đen 1 cái; tất cả dùng tươi, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm cho chín rồi uống chia 2-3 lần trong ngày. Hoặc dùng hạt chanh 10g, lá hẹ 15g, hoa đu đủ đực 15g, nước 20ml; các dược liệu đem nghiền nát, hòa với nước rồi thêm mật ong hoặc đường cát, uống chia 3 lần trong ngày, dùng vài ngày.
-Người bị hen phế quản có thể lấy lá chanh một nắm, lá tơ hồng một nắm; tất cả sao vàng khử thổ, đổ 3 chén nước sắc còn 1 chén, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 chén, uống 7-10 ngày liền.
-Miệng khô l­ưỡi nhiệt, giải khát chống nóng: chanh vắt n­ước, thêm đ­ường phèn hoặc đường trắng, thêm lượng nước vừa đủ, uống từng ngụm, làm lạnh uống càng tốt; cũng có thể dùng chanh tư­ơi 1 quả cắt ra cho vào trà uống.
-Đau nửa đầu có thể dùng lát trái chanh cả vỏ áp lên trán rồi phủ khăn mặt lên, khi cảm thấy nóng thì bỏ ra, hoặc cho người bệnh ngâm chân vào nước có vắt chanh.
     -Chữa tăng huyết áp: chanh 2 trái, củ năn (mã thầy) 10 củ, rau câu 30g, sơn tra 12g sắc uống.
-Chữa trẻ nhỏ trướng bụng, đái không thông: lấy lá chanh giã nhỏ, hấp nóng, đắp lên rốn qua một miếng gạc mỏng, đề phòng bỏng vùng rốn.
-Chữa táo bón: lấy hạt chanh vừa tách khỏi múi 10-20g ngâm ngay vào một chén nước nóng trong vài giờ, chất nhầy bao quanh hạt sẽ nở và lan ra một dung dịch đặc sánh, thêm đường mà uống
          -Loét niêm mạc miệng, lưỡi: chanh, bột sắn dây mỗi thứ 12g, đường 20g, nước đun sôi 150ml; uống nóng 1-2 lần/ngày.
-Vị nhiệt, không muốn ăn uống, nóng phổi nhiều đờm: chanh vắt lấy n­ước, thêm mật ong vừa đủ, thêm nước vào uống; đơn này có thể chữa cảm cúm, viêm họng.
          -Chanh làm mỹ phẩm: dùng chanh làm chất se da, làm khít lỗ chân lông, làm da căng mịn; đặc biệt đối với da nhờn nên dùng loãng và kèm xoa bóp:      
  +Dịch chanh 5-7 giọt đánh nhuyễn với lòng trắng 1 trứng gà, bôi lên da mặt sẽ làm mất nếp nhăn trên da; dịch chanh trộn với nước ép trái dâu tây, dùng chải tóc và bôi lên da đầu, sau gội sạch để tẩy chất nhờn trên tóc.
  +Nếu chị em bị dị ứng phấn trang điểm, có thể dùng hạt chanh tươi nghiền mịn hòa với nước sôi để nguội xoa lên mặt cho đến khi khỏi.
  +Tẩy mụn đầu đen: những mụn đầu đen thường bám dai dẳng 2 bên cánh mũi, trán…làm bạn rất khó chịu; hãy bôi nước chanh lên chỗ mụn trước khi đi ngủ, buổi sáng hôm sau rửa mặt với nước lạnh, làm như vậy cho đến khi hết mụn.
  +Gội đầu bằng lá chanh làm cho tóc thơm, mượt và sạch gầu. Rửa mặt bằng nước pha loãng chanh sẽ trắng da, cho chanh vào bồn ngâm tắm sạch, thơm da, khử độc mùa hè tốt cho trẻ, trừ rôm sảy.
  +Làm trắng móng tay: để móng tay của bạn vào nước ấm, sau đó ngâm vào nước cốt pha chanh với nước trong vòng 5-10 phút; sau đó chải móng tay trong nước pha giấm trắng.

          Lưu ý: chanh có vị chua cực toan, cho nên mỗi lần không dùng nhiều, kể cả uống trong hay dùng ngoài; không ăn chanh để giảm béo; cả đông và tây y đều chống chỉ định (không được dùng) chanh cho người viêm loét đường tiêu hóa; dịch trái chanh có tính hàn nên tránh dùng trong trường hợp hàn chứng như cảm hàn.

                                                             Lê  Thân (Tổng hợp)

0 nhận xét: