THUỐC NAM CHỮA TĂNG HUYẾT ÁP

Bài ngắn hơn đã đăng ở Báo Quảng Nam Thứ 5 ngày 19 tháng 4 năm 2012 số 3249 (6471) (Ở đây)

        1-Tăng huyết áp là một bệnh thường gặp, là phổ biến nhất trong các bệnh tim mạch, ngày càng có xu thế gia tăng; nó được ví như "kẻ giết người" thầm lặng, nghĩa là không gây triệu chứng gì ồn ào, nhưng lại dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng vô cùng tai hại ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiều khi là biến chứng chết người. Việc điều trị tăng huyết áp bằng thuốc y học cổ truyền hoặc các phương pháp không dùng thuốc theo y học cổ truyền đơn thuần hay kết hợp với thuốc tây có nhiều ưu điểm:
Ảnh: Internet


          -Bớt liều lượng của thuốc tây cần sử dụng và bớt được tác dụng phụ của thuốc tây. Thường đối với những trường hợp có kết hợp thì liều thuốc tây giảm một phần ba hoặc một nửa, nhiều trường hợp chỉ dùng thuốc tây khi huyết áp tăng qúa cao mà không cần dùng liên tục.
          -Có thể phòng tránh được những cơn tăng huyết áp ác tính xảy ra.
          -Có trường hợp chỉ số huyết áp không thay đổi, nhưng triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt giúp cho người bệnh dễ chịu.
          -Nguồn dược liệu phong phú, dễ kiếm, giá thành hạ; đôi khi không tốn tiền.
          -Phương pháp bào chế dược liệu nhìn chung là đơn giản, dễ dàng thực hiện ngay cả ở những nơi có điều kiện khó khăn.
          2-Tăng huyết áp thuộc phạm vi chứng “huyễn vựng” của y học cổ truyền, thường chia thành các thể bệnh như: can thận âm hư, đàm thấp, tâm tỳ hư...; để giải quyết chứng bệnh này dùng nhiều nhóm thuốc khác nhau (mỗi nhóm có nhiều vị thuốc), kết hợp với nhau theo biện chứng luận trị tùy từng thể bệnh để điều trị, trong các phương thuốc thường có một số vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp, không nhất thiết tất cả các vị thuốc trong phương thuốc đều có tác dụng hạ huyết áp. Theo các nghiên cứu, có rất nhiều vị thuốc cổ truyền có tác dụng hạ huyết áp, trong đó có các vị thuốc nam như: Củ sắn dây (cát căn), hạt dành dành (chi tử), dừa cạn, đẳng sâm, đinh lăng, quả đu đủ, giun đất (địa long), vỏ thân và vỏ rễ cây đại, hoa hòe, lá dâu (tang diệp), mã đề (xa tiền), nhàu, rau má, sen, vỏ rễ dâu (tang bạch bì), mè, tầm gởi cây dâu (tang ký sinh), tỏi, hạt muồng (thảo quyết minh, quyết minh tử), mắc cỡ (xấu hổ, trinh nữ)... 
           Dưới đây chỉ giới thiệu một số cách tự dùng "cây nhà lá vườn" (THUỐC NAM như tiêu đề bài viết), mọi người có thể áp dụng được tùy theo hoàn cảnh; không giới thiệu những cách thức dùng các bài thuốc bắc hay châm cứu... đòi hỏi phải có kiến thức, lý luận đông y mới áp dụng được
          3-Những bài thuốc nam có thể dùng để điều trị tăng huyết áp tại cộng đồng:
          Bài 1: Tang ký sinh 20g, hạt muồng 16g, lá tre 20g, rau má 30g, tâm sen 8g, rễ cỏ tranh 20g, hạ khô thảo 10g, hoa hòe 16g. Sắc uống ngày 1 thang; chữa tăng huyết áp có chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, ù tai, cáu gắt, họng khô, miệng đắng.
          Bài 3: Mè đen, lá dâu, hạt dành dành mỗi thứ 500g, nghiền thành bột mịn, thêm đường, mỗi lần uống 12 - 20g sáng tối, uống với nước sôi để nguội; dùng chữa tăng huyết áp có chóng mặt, táo bón.
          Bài 4: Dừa cạn 4g, hoa đại 3g, cỏ mần trầu 10g, cây dâu tằm 4g; sắc với 300ml nước còn lại 100nl uống chia 2lần/ngày.
          Bài 5: Rễ cỏ tranh 300g, râu bắp 400g, bông mã đề 250g, hoa cúc 50g; tất cả xắt nhỏ, trộn đều; mỗi lần cân 50g pha với 0,75 lít nước, chia uống trong 1 ngày.
          Bài 6: Cá diếc sống một con, cho vào chậu nước muối để nhả hết dãi, để nguyên con đem luộc, gỡ lấy thịt nấu canh với một nắm lá dâu ăn. Hoặc lá dâu, cành dâu, hạt cây ích mẫu, mỗi vị 15g, sắc uống.
          Các phương thức khác:
          -Râu bắp 50g, sắc uống hằng ngày.
          -Hạt muồng sao vàng tán bột, hãm nước sôi, mỗi lần uống 4g, ngày uống 3 lần.
          -Trắc bá diệp (khô) mỗi lần 8g, hãm với nước sôi uống, phòng trị tăng huyết áp có ho.
          -Rau cần tây 0,5 kg, giã vắt lấy nước thêm ít đường uống, 3 ngày 1 lần. Hoặc dùng 60g rau cần tươi, gạo tẻ 50-70g; rau cần tây rửa sạch, xắt nhỏ cùng gạo nấu thành cháo; mỗi ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và tối, ăn khi còn nóng, không nên để lâu; món này có tác dụng chậm nên cần dùng lâu.
          -Nấm linh chi: thường dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm; liều dùng hàng ngày 3-10g, có thể dùng độc vị hoặc phối hợp sắc với các vị khác như: thảo quyết minh, ngưu tất, hà thủ ô…. để làm tăng tác dụng hạ huyết áp, chống rối loạn mỡ máu.
          -Vào sáng sớm khi chưa ăn uống gì, bạn có thể lấy 1-2 trái cà chua sống, dùng nước sôi rửa sạch, xắt lát, thêm chút đường vừa ngọt, ăn sống; dùng từng đợt 10 ngày (một liệu trình), nghỉ 3 ngày sau đó dùng 1 liệu trình mới; món này có tác dụng: phòng ngừa tăng huyết áp, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp  kèm theo xuất huyết đáy mắt.
          -Sơn tra 30-40g, gạo tẻ 50-70g; sơn tra cho vào nồi đất, sắc lấy nước, bỏ bã; cho gạo vào nấu; khi cháo chín, cho thêm đường; ăn cháo giữa các bữa chính; món ăn này có tác dụng mạnh tỳ vị (kiện tỳ), tiêu thực tích, tán huyết ứ, phòng ngừa và chữa tăng huyết áp, xơ vữa động mạch vành.


                                                             Cỏ tranh (Ảnh: Internet)
          4-Việc sử dụng các cây thuốc, rau, quả có trong vườn nhà để phòng và chữa trị tăng huyết áp không chỉ cho những người bệnh ở vùng quê, mang lại nhiều tiện ích như đã nêu. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự an toàn và bền vững trong điều trị tăng huyết áp cần có ý thức tốt trong ăn uống và sinh hoạt như: ăn nhiều trái cây, rau; tham gia các hoạt động thể lực vừa sức như đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày; nhất thiết phải bỏ hút thuốc lá (nếu đã hút thuốc), rượu bia; ăn nhạt ít muối: không ăn quá 1 muỗng cà phê muối(<6g NaCl) mỗi ngày, bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm; hạn chế mỡ động vật; hạn chế căng thẳng; nên nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí. Đồng thời nên đến bác sĩ kiểm tra định kỳ và khi có bất thường.

                                                           LÊ THÂN (Tổng hợp)


2 nhận xét:

  1. Bác có tài liệu nào nói về Chữa ung thư bằng đông y không bác.

    Trả lờiXóa
  2. Đông y chữa bệnh tăng huyết áp có vẻ hiệu quả lâu dài hơn uống thuốc bằng tây y. Tây y khi dừng hoặc quên uống thuốc rất có thể bị đột quỵ do quên thuốc.

    Trả lờiXóa