CÂY DÂU ĐÂU CHỈ NUÔI TẰM
Bài đã đăng ở Tạp chí "Khoa Học và Sáng Tạo" tỉnh Quảng Nam tháng 03 năm 2009
Cây
dâu tằm (tên khoa học Morus alba L. Morus acidosa Griff, thuộc họ Dâu tằm
Moraceae), được trồng chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn, phục vụ cho nghề truyền
thống “Trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa” có ở một số địa phương của Quảng Nam ta. Lá dâu
còn có thể luộc hay nấu canh ăn, có tác dụng bổ dưỡng và chống say sóng khi đi
tàu thuyền. Trong đông y, rất nhiều bộ phận từ cây dâu được sử dụng làm thuốc,
chúng có những đặc tính dược lý và tác dụng chữa bệnh rất khác nhau. Bài viết
này xin giới thiệu một số ứng dụng của các bộ phận liên quan đến cây dâu dùng
làm thuốc:
1-Cây dâu: Chữa ho lâu ngày: vỏ
rễ cây dâu 15g, vỏ rễ cây chanh 15g sắc uống. Trẻ con ho có đờm dùng vỏ rễ cây
dâu (tang bạch bì) 4g sắc uống. Chữa đau mắt đỏ, viêm màng tiếp hợp: lá dâu
10g, hạt muồng 10g, cúc hoa 10g sắc uống. Chữa ho ra máu: tang bạch bì 600g,
ngâm trong nước vo gạo 3 đêm, xé nhỏ, cho thêm 250g gạo nếp; tất cả sao vàng
tán nhỏ, trộn đều; ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, uống với nước cơm. Rụng tóc:
tang bạch bì giã dập, ngâm nước, nấu sôi khoảng nữa giờ; lọc lấy nước đó gội
đầu. Tẩy sán xơ mít: dùng dao tre (cật tre) cạo lấy vỏ trắng cành dâu 3 nắm,
nước 3 chén sắc còn 1 chén; tối hôm trước phải nhịn ăn, sáng sớm hôm sau uống
hết lúc bụng đói, uống 2 -3 lần.
Ảnh: Internet
2-Trái dâu chín (hay còn gọi
tang thầm): Được nhân dân ta sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Theo y học cổ
truyền; nó có công dụng: bổ huyết, trừ phong, bổ thận, nhuận trường, làm sáng
mắt, giúp cho sự tiêu hóa được tốt; thường dùng để chữa các chứng do huyết hư,
can thận bất túc gây ra như: váng đầu, hoa mắt, lưng đau gối mỏi, tai ù, tai
điếc, râu tóc bạc sớm, mất ngủ hay mê, tiêu khát (đái đường), táo bón; các khớp
vận động khó khăn….. Trái dâu chín ăn tươi ngon, mát và bổ. Để làm xirô và rượu
bổ; đến mùa dâu chín, chọn những quả dâu chín đỏ đem về rửa sạch, để ráo nước,
cho vào bình thủy tinh với đường cát trắng, cứ 1 lớp quả dâu là 1 lớp đường,
đậy kín, để sau 5-7 ngày được một nước màu đỏ có mùi thơm, pha thêm nước sôi
nguội vào sẽ thành xirô uống giải khát ngon và bổ; nếu thích rượu ngọt, chỉ cần
pha dịch dâu trên với rượu 300 sẽ được một thứ rượu bổ rất ngon,
trước bữa ăn uống 1 ly nhỏ khai vị để kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng.
Một số ứng dụng khác: Quả dâu chín 15g
nấu kỹ lấy nước uống thay nước chè hằng ngày, có tác dụng bổ gan thận cho người
mắc bệnh mỏi lưng gối (cách này có thể dùng trị chứng nóng vào mùa hè cho
trẻ). Chọn những quả dâu đã chín lành
lặn, dùng nước sạch rửa kỹ, đem phơi hoặc sấy thật khô rồi đựng trong bình kín
để dùng dần; mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-15g hãm với nước sôi trong bình kín,
sau chừng 15 phút thì uống thay trà (trên thực tế thường phối hợp với các vị thuốc
khác để nâng cao hiệu quả); nó có công dụng và dùng để chữa các chứng như mô tả
trên về quả dâu chín theo y học cổ truyền.
Đường cát 500g cho vào nồi, thêm chút nước nấu lửa nhỏ đến khi đường
trong nồi đặc thì cho 200g bột quả dâu chín vào, khuấy đều liên tục đến khi
đường trong nồi kéo lên thành dạng tơ, tay sờ vào không dính; tắt lửa, đổ ra
một đĩa sứ lớn đã bôi dầu phộng; để nguội, cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn; ăn
một ngày khoảng 50 -100g kẹo này; có tác dụng: bổ can (gan), ích thận, tăng
dịch; thích hợp cho các bệnh can thận âm hư, mắt mờ, tai ù, táo bón và dùng để
giải khát.
3-Chùm gởi cây dâu: Đối với các
nhà khoa học thì chùm gởi cây dâu được sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi
“Cây thần kỳ”. Ở Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm về sử dụng nó trong điều
trị một số bệnh về tim mạch, viêm gan.... Chùm gởi cây dâu là một vị thuốc đặc
biệt trong đông y với 10 tên gọi khác nhau, nhưng tên phổ biến nhất là tang ký
sinh.
Theo đông y tang ký sinh có vị đắng, tính
bình, không độc, tính bổ nhiều hơn công. Có công năng bổ can thận, ích huyết,
mạnh gân xương, an thai, xuống sữa. Chủ trị gân cốt tê bại, các chứng nhức mỏi
ở tay-chân-lưng-khớp, động thai, đẻ thiếu sữa, đau vú, làm chắc tinh, chắc
răng, dài tóc. Dùng dạng thuốc sắc là phổ biến nhất liều thường dùng 12 - 20g/
ngày. Một số công thức đơn giản: Trà tang ký sinh pha loãng uống hằng ngày thay
cho uống nước; dùng tốt cho sản phụ luôn khát nước, những người hay bị nôn oẹ
mỗi khi uống sữa, cà phê... Chữa thần kinh suy nhược: tang ký sinh 12g, hà thủ
ô 12g; nấu nước uống sau bữa ăn tối hoặc uống cả ngày. Trường hợp chân tay bị
tê lạnh vào mùa thu, đông; đêm đi tiểu tiện luôn; đi dứng khó khăn, mau mỏi;
thiếu sức, thiếu hơi; đau lưng mỏi gối mỗi khi thời tiết thay đổi; dùng bài
sau: tang ký sinh 20g, hoàng kỳ 20g, táo 3 quả; nấu nước uống. Để tư nhuận nội
tạng, bổ huyết dưỡng da cho mọi lứa tuổi, nấu chè với trà tang ký sinh, trứng
gà và đường phèn uống. Chữa chóng mặt: người bệnh do thận tinh hư khuyết nên
không nuôi dưỡng can mộc, làm khí vọng động mà sinh ra chóng mặt, có thể dùng
độc vị tang ký sinh, mỗi ngày 120g, sắc lấy nước chia 3 lần uống nóng, liền
trong 3 ngày; tang ký sinh bổ ích can thận nên chữa chứng chóng mặt này rất
tốt. Động thai đau bụng: tang ký sinh 60g, a giao (hoặc cao ban long) 20g nướng
thơm, lá ngải cứu 20g, nước 600ml (khoảng 3 chén); sắc còn 200ml (khoảng 1
chén), chia nhiều lần uống trong ngày.
4-Tổ bọ ngựa trên cây dâu (còn
gọi là tang phiêu tiêu): Chữa tiểu buốt, nước tiểu đục: tang phiêu tiêu 1 cái,
nướng khô, tán nhỏ, uống với ít rượu lúc đói 1 lần, uống 2-3 lần. Trẻ em đái
dầm: tang phiêu tiêu đem sao đen, tán thành bột mịn, trộn với đường rồi cho trẻ
uống với nước nóng vào buổi chiều hoặc tối 3-4g/lần; uống liên tục 10 ngày.
LÊ THÂN (Tổng hợp)
0 nhận xét: