Người phụ nữ (Donna) nặng 273kg
Donna (273kg) đang nuôi ý định vượt qua kỷ lục béo phì của Terri (317kg)
Bài đã đăng ở BẢN TIN Y DƯỢC QUẢNG NAM số 46 Quý II/2012
Hiện
nay tình hình thừa cân và béo phì đang tăng lên với tốc độ báo động không những
ở các nước phát triển, mà ở cả các nước đang phát triển. Đây thật sự là mối đe
dọa tiềm ẩn trong tương lai. Tại các nước đang phát triển béo phì tồn tại song
song với thiếu dinh dưỡng, béo phì gặp nhiều ở thành phố hơn nông thôn.
Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức
và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới
sức khỏe. Hiện nay, thường dùng chỉ số khối cơ thể (Body mass index – viết tắc
là BMI) để nhận định tình trạng gầy béo; công thức tính:
W= Cân nặng (tính bằng kilogam), H: Chiều
cao (tính bằng mét)
Nhẹ cân: BMI ít hơn 18,5; bình thường: BMI
từ 18,5 đến 25; thừa cân BMI từ 25 đến 30; béo phì đội I: BMI từ 30 đến 35; béo
phì độ II: BMI từ 35 đến 40; rất béo-cần giảm cân ngay: BMI trên 40. Người ta
thường cho rằng chỉ số trên dành cho người Châu Âu và Châu Mỹ; còn người Châu
Á, BMI bình thường có giới hạn từ 18,5 đến 23; BMI vượt quá 27,8 đối với nam và
27,3 đối với nữ được xác định là béo phì. Cân nặng là kết quả cân bằng giữa
lượng năng lượng nhập vào từ thực phẩm và năng lượng xuất ra sử dụng cho các
hoạt động hàng ngày của cơ thể. Nếu nhập nhiều hơn tiêu thụ, năng lượng dư thừa
sẽ được dự trữ dưới dạng mỡ. Ăn uống quá độ cộng với thiếu hoạt động là nguyên
nhân chính dẫn đến béo phì, bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khác góp phần gây
nên béo phì như: ngủ quá ít, môi trường bị ô nhiễm, một số rối loạn tâm lý gây
ra ăn uống quá độ, phụ nữ sau mỗi lần có thai và sinh nở, dùng một số loại
thuốc chữa bệnh, điều hòa không khí, yếu tố di truyền, bệnh tăng theo tuổi….
Béo phì thường không tốt đối với sức khỏe:
gây mất thỏa mái trong cuộc sống; giảm hiệu suất lao động, kém lanh lợi; tỷ lệ
bệnh tật cao: béo phì là yếu tố nguy cơ cao của các bệnh như: tăng huyết áp,
đái tháo đường, bệnh mạch vành, sỏi mật, bất thường mỡ trong máu, đột qụy,
ngưng thở khi ngủ…; tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Thừa cân và béo phì còn làm
giảm vẻ đẹp của mọi người. Có rất nhiều phương cách điều trị béo phì, điều kiện
tiên quyết cho bất kỳ phương pháp điều trị nào, cần chỉ định và hỗ trợ sự thay
đổi lối sống lối sống một cách tích cực, bao gồm chế độ ăn, hoạt động thể lực
và các yếu tố hành vi.
Đối với người béo phì thì nên dựa vào chỉ số BMI mà quyết định lượng calo
trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Cụ thể: BMI từ 25-29,9 thì năng lượng
đưa vào một ngày là 1500 kcal; BMI từ 30-34,9 thì năng lượng đưa vào một ngày
là 1200 kcal; BMI từ 35-39,9 thì năng lượng đưa vào một ngày là 1000 kcal; BMI
≥ 40 thì năng lượng đưa vào một ngày là 800 kcal. Ăn ít chất béo, bột; đủ chất đạm, vitamin, muối khoáng; tăng cường
rau và hoa quả; tạo thói quen ăn uống theo đúng chế độ.
Đông y từ xưa đã ghi
nhận về chứng béo phì (thuộc phạm trù chứng Phì bán bệnh) và phân hình thể con
người làm 3 loại: phì, cao, nhục; và cho rằng phát sinh chứng béo phì là có
liên quan với thấp, đàm, khí hư, huyết dịch hỗn trọc, lưu thông chậm. Nằm lâu,
ngồi lâu, vận động quá ít khí hư tích tụ làm cho việc vận hóa bị ngăn trở, mỡ
tích tụ lại gây nên béo phì; thất tình nội thương như vui quá, buồn quá, giận
quá… làm can khí tụ lại, can đởm mất sự điều tiết không chỉ ảnh hưởng đến sự
vận động của tỳ mà còn làm cho dịch mật không thể tiết ra thấm vào chất dinh
dưỡng một cách bình thường, mỡ tích tụ lại bên trong gây nên béo phì. Đông y
cho rằng, béo phì thường là bệnh trong hư ngoài thực; trong hư chủ yếu là khí
hư. Bệnh ở các tạng phủ tỳ, can, đởm, phế và tâm. Trường hợp nhẹ, người bệnh sinh hoạt bình
thường; trường hợp trung bình và nặng, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, sợ nóng, ra
mồ hôi nhiều, hoạt động nhiều thì tim hồi hộp khó thở, bụng đầy, lưng đau, táo
bón, đau đầu chóng mặt, tình dục giảm sút, phụ nữ thường rối loạn kinh nguyệt…Tùy
theo triệu chứng lâm sàng mà đông y chia béo phì ra các thể như: tỳ hư thấp
trệ, vị thấp nhiệt, can khí uất kết, khí trệ huyết ứ, đàm trọc, tỳ thận dương
hư; béo phì thường biểu hiện lâm sàng những hội chứng bệnh lý hư thực lẫn lộn,
không hoàn toàn rành rọt là 6 thể trên, nên cần có sự linh hoạt trong biện
chứng luận trị để đạt hiệu quả cao trong điều trị.
Khi điều trị béo phì bằng đông
y cần tuân thủ 3 vấn đề cơ bản: (1) thay đổi thói quen ăn uống bằng thực đơn cụ
thể; (2) thay đổi lối sống: vận động người bệnh đi bộ, tránh ngồi nhiều, tránh
nằm nhiều….; (3) sử dụng các phương pháp điều trị của y học cổ truyền: cần phân
biệt kỹ lưỡng từng thể loại bệnh để kết hợp điều trị cho thích hợp, điều trị
theo nguyên tắc lấy lại cân bằng âm dương cho cơ thể. Trong thời gian điều trị
cần chú ý một số điểm để đánh giá diễn tiến của phương pháp điều trị: ba tháng
là một liệu trình, hết một liệu trình nếu trọng lượng cơ thể giảm được 3kg là
có hiệu quả; sau một liệu trình nếu trọng lượng cơ thể giảm trên 5kg là có hiệu
quả rõ; sau một liệu trình nếu trọng lượng cơ thể đạt đến trọng lượng cơ thể
tiêu chuẩn coi như là khỏi bệnh.
Đông y có nhiều phương pháp
điều trị béo phì như: dùng thuốc, điện châm, cấy chỉ, nhĩ châm…. Từ lâu, rất
nhiều người quan niệm rằng dùng thuốc đông y sợ mập (béo), đặc biệt người mập
lại càng sợ dùng thuốc đông y, điều này hoàn toàn không có cơ sở, bởi không
phải cứ thuốc bổ đông y là làm cho mọi người mập, chẳng hạn như thể tỳ thận
dương hư của béo phì cần dùng thuốc bổ tỳ thận dương của đông y thì mới chữa
được béo phì. Theo đông y,
thuốc bổ (sẽ có bài riêng về Thuốc bổ của đông y) được chia làm 4 loại: bổ khí, bổ dương, bổ huyết, bổ âm; nguyên tắc
đơn giản và thường dùng nhất là phần nào trong cơ thể (khí, huyết, âm, dương)
hư suy, thì dùng loại thuốc bổ phần đó (bởi phần đó bị bệnh mới hư, cần phải
điều trị bằng cách bổ phần hư đó); cho nên việc sử dụng các thuốc bổ của đông y
phải tuân thủ đúng chỉ định, không được dùng bừa bãi với suy nghĩ: không bổ bề
ngang cũng bổ bề dọc!; việc sử dụng thuốc bổ nói riêng và thuốc đông y nói
chung không đúng cách, không những không phát huy tác dụng của thuốc, mà còn
ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí đe doạ tính mạng. Cho nên, việc dùng thuốc
đông y cho người béo phì là điều rất bình thường như dùng trong các bệnh khác; vấn
đề là các thầy thuốc phải khám kỹ lâm sàng xem người bệnh ở thể nào theo phân
loại của đông y để dùng thuốc cho thích hợp, chứ không có gì mà người bệnh béo
phì phải e ngại khi dùng thuốc đông y cả. Trong thời gian uống thuốc, cứ cách 1
tháng nên ngưng uống thuốc 3-5 ngày rồi lại tiếp tục.
Ngoài dùng thuốc các phương pháp không dùng
thuốc như điện châm, nhĩ châm, cấy chỉ… cũng là những cách thức điều trị béo
phì hiệu quả của đông y. Đặc biệt, phương pháp cấy chỉ có ưu điểm: có hiệu quả
cao trong điều trị; người bệnh đỡ phải đi lại và không cần nằm viện, có thể
điều trị ngoại trú tại nhà hoặc tại cơ sở y tế, một lần cấy chỉ mất khoảng
10-20 phút, khoảng cách giữa 2 lần điều trị thường là 10-20 ngày; không có tai
biến nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Cấy chỉ (chôn chỉ, xuyên
chỉ, vùi chỉ vào huyệt) là một phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng rất
độc đáo, là thành quả kết hợp giữa đông y và tây y, trên cơ sở châm cứu của
đông y. Chỉ catgut là loại chỉ dùng trong phẫu thuật, có khả năng tự tiêu sau
một thời gian nhất định. Dùng dụng cụ chôn chỉ catgut vào huyệt vị, sự tồn lưu
của chỉ tại huyệt trong một thời gian nhất định đã phát huy vai trò khich thích
huyệt đạo nhằm tạo được sự cân bằng âm dương, điều chỉnh chức năng tạng phủ,
hành khí hoạt huyết, khai uất trệ, giảm đau…Cấy chỉ còn ứng dụng chữa nhiều
loại bệnh khác như: hen phế quản, một số bệnh cơ xương khớp (viêm khớp dạng thấp,
đau lưng, đau thần kinh tọa…), viêm oét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn
tính, di chứng liệt (nữa người, 2 chân, tứ chi …), đau đầu kinh niên …
Một số cách dân gian đơn giản giảm béo phì:
(1) lá sen sắc uống hoặc sắc đặc lấy nước nấu cháo. (2) thường xuyên ăn bí đao,
nấu canh hoặc kho, xào. (3) lá chè đun sôi làm nước trà đậm uống hàng ngày. (4)
thường xuyên ăn củ cải sống. (5) râu bắp (ngô) lượng vừa đủ, hãm nước sôi uống
thay nước trà. (6) củ mài nấu cháo ăn. (7) một trái thị xanh, 30g cành dâu, sắc
nước uống 1 ngày. (8) lá mã đề, hạ khô thỏa đều 30g, lá liễu 10 sắc uống trong
1 ngày. (9) rong biển 100g, đậu xanh 100g, cả hai thứ nấu canh, cho gia vị vừa
đủ, ăn ngày 1 lần. (10) gạo tẻ 50g, bí rợ 150g, đậu xanh 50g, nấu nhừ ăn ngày 1
lần. (11) gạo tẻ 100g, hạt bo bo (ý dĩ) 30g, hạt sen 20g, nấu cháo ăn ngày 2
lần. (12) lá sen tươi 1 lá xắt vụn, gạo tẻ 100g, đậu xanh 100g, nấu cháo ăn
trong 1 ngày, nếu không có lá sen tươi, dùng lá sen khô cũng được, nhưng trước khi
dùng phải ngâm nước cho mềm. (13) sơn tra tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày uống 3
lần; hoặc dùng 18g bột sơn tra, sắc uống như nước trà trong ngày. (14) hoa mồng
gà (kê quan hoa) 30g, hạt dành dành (chi tử) 15g, hạt bo bo 30g sắc uống trong
1 ngày.
LÊ THÂN (Tổng hợp)
0 nhận xét: