TRỊ BỆNH VỚI ỚT

           Bài đăng ở BÁO QUẢNG NAM hôm nay 5.3.2014                                                                                                             BS LÊ THÂN (Tổng hợp)


                                                                          
            Có một loại ớt không cay gọi là ớt ngọt, loại này chỉ dùng làm rau ăn. Chúng ta hay sử dụng ớt cay, là loại gia vị không thể thiếu đối với nhiều người trong các bữa ăn, nó giúp làm tăng cảm giác ngon miệng, nhanh tiêu hóa thức ăn, khử mùi tanh; ngoài ra, ớt cay còn được sử dụng làm thuốc trong cả đông và tây y, nó không chỉ là gia vị mà còn là một thực phẩm chức năng đang được nghiên cứu để trị bệnh. Hoạt chất chính dùng làm thuốc của ớt là capsicain là một alcaloid chiếm từ 0,05-2%, có cấu trúc hóa học là acid isodexenic vanilylamid, bốc hơi ở nhiệt độ cao. Chính capsicain kích thích não bộ tiết ra endo-morphine, chất ma túy nội sinh làm con người khoan khoái, dễ chịu, giảm đau. Vì thế nhiều người “ghiền” ớt, bữa ăn thiếu ớt trở nên mất ngon. Ớt là chất bổ dưỡng vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất: vitamin A, E, K, B1, B2, B3, B5, B6, B9, betacaroten, calci, sắt, magnesium, phosphor, kali, natri, kẽm, đồng. Đặc biệt ớt chứa một hàm lượng cao vitamin C (100-250mg/100g ớt).



Theo y học cổ truyền, ớt có vị cay, nóng; có tác dụng: làm khoan khái bên trong, trừ lạnh, kiện tỳ, tiêu thực, giảm đau; thường dùng để chữa các bệnh: đau bụng do lạnh, tiêu hoá kém, đau khớp…. Một số ứng dụng làm thuốc trong đông y:
-Ăn uống kém, chậm tiêu: ăn ớt kèm các món ăn; hoặc 250g ớt rửa sạch, xắt thành sợi, 200g thịt nạc xắt lát mỏng, xào chín mà ăn.
- Rụng tóc: ớt cắt nhỏ ngâm vào rượu trắng khoảng 10-20 ngày, bôi vào chỗ tóc rụng ngày vài lần.
-Đau khớp, vấp ngã, bị thương: ớt bột vừa đủ, mùa đông dùng rượu, mùa hè dùng dấm mà hòa, đắp vào chỗ đau. Hoặc 10 quả ớt đỏ, 1 củ cải cùng giã nhỏ đắp vào chỗ đau.
-Hôi nách: ớt cắt nhỏ ngâm vào cồn iod, ngày 1-2 lần bôi vào nách.
-Đau bụng do lạnh: ớt 1-2 trái xắt nhỏ, 50g gạo, nấu cháo mà ăn, khi ăn ra một ít mồ hôi là tốt; có thể dùng bột ớt ăn với các thức ăn khác; hoặc 1-2 trái ớt, củ khúc khắc (thổ phục linh) 30g, sắc uống ngày 1 thang; hoặc ớt 1-2 trái, nghệ vàng 20g, tán bột ngày uống 2-3 lần. Đau bụng kinh niên: rễ cây ớt, rễ chanh, rễ hoàng lực, mỗi thứ khoảng 10g, sao vàng sắc uống ngày 1 thang.
-Chân bị nứt nẻ, chảy nước, hay bị thũng: ớt đỏ càng già càng tốt, rang, nghiền bột, trộn dầu mè thành hồ, đắp chỗ đau.
-Chữa đau lưng, đau nhức các khớp: 15 trái ớt chín, lá đu đủ 3 cái, rễ chỉ thiên 80g; tất cả giã nhỏ ngâm vào rượu tỉ lệ 1/2, dùng rượu đó xoa vào chỗ đau từng ít một.
Ớt  dưới dạng cồn thuốc dùng để súc miệng chữa khản cổ.
Lưu ý: người bị viêm loét dạ dày, tá tràng; những người luôn cảm thấy nóng (tạng nhiệt) không nên dùng ớt

Ảnh trong bài lấy từ Internet




0 nhận xét: