BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ TRONG ĐÔNG Y

Dành cho các bạn lớp Y sĩ Định hướng Y học cổ truyền
                                                                                                BS Lê Thân (Biên soạn)
           Biện chứng: Căn cứ vào sự diễn biến của triệu chứng, vận dụng lý luận và kinh nghiệm tìm ra nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh.
          Biện chứng luận trị: Phương pháp chẩn đoán, phân tích và hệ thống những triệu chứng bệnh, từ đó đề ra phương pháp điều trị, cũng gọi là Biện chứng thi trị.



          1-NHỮNG ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA VIỆC BIỆN CHỨNG:
          1.1-Chứng hậu (hội chứng của các loại bệnh) rõ ràng mà chuẩn xác là cơ sở của biện chứng:
          Căn cứ vào nguyên tắc “tham hợp tứ chẩn”, BC không thể chỉ bằng vào một chứng trạng hoặc một mạch mà thôi để đi đến chẩn đoán một cách phiến diện; cần phải đem kết hợp chứng hậu của cả 4 mặt: vọng, văn, vấn, thiết lại làm căn cứ để biện chứng. Tứ chẩn không đầy đủ, rất dễ sai lệch, thậm chí chẩn đoán lầm nữa.
          Sau khi vận dụng đủ tứ chẩn, lại phải chú ý xét xem mỗi một trong tứ chẩn đã kỹ càng, chuẩn xác chưa, điều này cũng rất quan trọng. Chứng hậu là chứng cứ của chẩn đoán, chứng cứ càng đầy đủ thì biện chứng chẩn đoán càng dễ dàng. Do đó, yêu cầu tứ chẩn đều phải nắm được rõ ràng, tỉ mỉ mọi chứng hậu của bệnh tật mà không để sơ sót một khía cạnh nào. Khi biện chứng còn có điểm nghi vấn, thì nắm lấy đầu mối biện chứng chẩn sát lại cho thật kỹ, phải tìm hiểu kỹ trong chứng hậu mà người bệnh có. Nếu không thì tứ chẩn tuy vận dụng đủ mà không hoàn toàn, cơ sở BC còn chưa vững chắc.
          Bệnh tình có nhẹ có nặng; chứng hậu xuất hiện có giản đơn, cũng có phức tạp. Có một số bệnh chỉ có vài ba chứng trạng, có một số lại xuất hiện rất nhiều chứng trạng; có người bệnh do diễn đạt kém mà không nói rõ hết được bệnh tình; có người bệnh do ảnh hưởng của thần chí mà khai bệnh không rõ ràng hoặc giả nói không đúng; cũng có người do tính cách riêng hoặc có vấn đề khác mà không thể cho một chuỗi chứng trạng đã là đầy đủ, mà cần phải chú ý tới sự chuẩn xác của chứng trạng, không nên thêm vào cũng không được bớt đi.
          Chứng hậu của tứ chẩn là bằng vào sự quan sát của thầy thuốc trên cơ thể người bệnh. Do đó, để chuẩn xác cần yêu cầu thầy thuốc phải tiến hành tứ chẩn thật khách quan, không thể lấy chủ quan của mình mà ước đoán hoặc nghi tự mà có ấn tượng lờ mờ, để làm thành chứng hậu chuẩn xác. Đó tức là yêu cầu chúng ta phải tập luyện và nắm vững tứ chẩn thật chuẩn xác.
          1.2-Tiến hành biện chứng chung quanh chủ chứng:
          BC còn phải nắm vững được chủ chứng. Gọi là chủ chứng, có thể chỉ một chứng trạng, hoặc là mấy chứng trạng. Chỉ một chứng hoặc mấy chứng ấy là khâu trung tâm của bệnh. Do đó, cần phải tiến hành biện chứng chung quanh những chứng trạng ấy, chữa đúng vào những chứng trạng ấy tất có hiệu quả rõ rệt.
          Ví dụ: Chứng nôn mửa
          -Có 1 bệnh nhân, mới đầu đau đầu, sợ rét, phát sốt nôn mửa
          -Lại 1 bệnh nhân khác, bỗng nhiên trong bụng đau như xoắn, nôn mửa (có khi mửa ra giun), chân tay buốt lạnh
          -Lại 1 BN khác nữa, mệt mỏi, thân thể rã rờ, tay chân thiếu sức, bệnh đã lâu mà mữa vẫn không ngừng thường sau khi ăn vào 1-2 giờ là mửa ra hầu hết hoặc hết cả nguyên thức ăn, 7-8 ngày mới đi cầu được, phân như phân dê.
          Xét 3 bệnh kể trên tuy đều có chứng nôn mửa, nhưng địa vị mỗi chứng một khác: ở BN thứ nhất là ngoại cảm kiêm có nôn mửa, thì chứng nôn mửa này ở địa vị thứ yếu; ở BN thứ 2 là chứng hồi quyết (Kinh lãi) thì nôn mửa và đau bụng như vặn đấy có địa vị như nhau (cả 2 đều là chủ chứng); ở BN thứ 3 là bệnh phiên vị, nôn mửa ở địa vị chủ yếu- nếu trong bệnh này không có nôn mửa thì chưa thể chẩn đoán được là bệnh phản vị.
          Nắm được chủ chứng rồi, tất lấy chủ chứng làm trung tâm, lại kết hợp với những chứng khác cùng mạch và lưỡi nữa càng phân biệt nguyên nhân bệnh mà lập pháp xử phương chuẩn xác, do đó mà hiệu quả trị liệu rõ ràng hơn
Do đó đủ biết, nắm vững chủ chứng và tiến hành biện chứng chung quanh chủ chứng là rất quan trọng trong chẩn đoán
          1.3-Dựa vào quá trình bệnh biến phát triển để biện chứng:
          Quá trình của bệnh tật là quá trình biến hóa không ngừng. Tuy cũng là một loại bệnh, căn cứ vào cơ thể và điều kiện của từng người khác nhau mà có sự biến hóa khác nhau. Tức là cũng một người bệnh cũng tùy từng thời gian mà bệnh cơ phát triển không ngừng, nhất là vì chữa không đúng cách càng dẫn tới biến hóa mạnh. Ví như người bị thương hàn, hôm nay bệnh ở kinh thái dương, ngày mai có thể bệnh đã vào kinh thiếu dương hoặc dương minh; hoặc giả hôm qua là biểu thực, hôm nay vì chữa lầm mà xuất hiện chứng biểu hư hoặc thành biến chứng khác. Ôn bệnh cũng vậy, hôm nay bệnh ở phần khí, ngày mai bệnh có thể vào phần dinh, phần huyết hay vẫn nguyên phần khí, hoặc sốt lui bệnh giải. Lại như trẻ em cơ thể còn là dương non yếu (trĩ dương), ngũ tạng nhu nhược, dễ hư thực, dễ hàn nhiệt, biến hóa rất nhanh. Cho nên người xưa có câu: “Cưỡi ngựa ngó thương hàn, ngoái đầu trông đậu chẩn”, đó là câu nói thật sâu sắc. Đủ biết bệnh tật biến hóa nhanh chóng, biện chứng cần phải giỏi ở chỗ biện biệt trong sự biến hóa của chứng trạng. Nên xem xét kỹ nguyên nhân phát bệnh, quá trình trị liệu, hiệu quả ra sao? Xét xem hiện tại bệnh cơ thế nào? Tiên lượng xu thế bệnh sẽ như thế nào? Tóm lại, cần phải xem bệnh tật là một quá trình luôn luôn động chứ không phải tĩnh, thì biện chứng mới sáng suốt, phép chữa mới hay.
          Không chỉ chữa bệnh cấp tính mới nên  như vậy, mà đối với bệnh mạn tính cũng thế. Ví như có bệnh nhân hen suyễn đã 20 năm, khi ở nguyên quán lại lên cơn sợ lạnh vô cùng, khí hậu hơi lạnh càng hay lên cơn, mửa ra đờm như bọt dãi; kinh qua biện chứng, cho là hàn suyễn, dùng thuốc ôn (tiểu thanh long thang) có công hiệu. Sau đó, đi xa làm việc nặng nhọc hen suyễn lại lên không dứt, lại cho uống Tiểu thanh long thang nhưng vô hiệu mà suyễn lại tăng lên; thầy thuốc chỗ đó khám thấy sắc mặt người bệnh trắng xanh, nói năng yếu ớt, chỉ động một tí là suyễn, lại suyễn thì thở gấp ngắn hơi, thầy thuốc cho là khí hư, cho uống thuốc bổ khí (Bổ trung ích khí gia giảm) mà dẹp cơn suyễn. Sau vài tháng, vì ngửi phải khói và mùi ở ngoài xông lại lên cơn suyễn, người bệnh tự dùng thuốc bổ khí như trước (BTIK) uống vào không đỡ; lại mời thầy thuốc đến khám, thấy người bệnh sắc mặt đỏ, miệng khô đầu đau, ngực đau, biện chứng cho là phong nhiệt, dùng thuốc tân lương uống 1 thang suyễn hết, tiếp đó cho uống thuốc bổ thận mà suyễn hết. Cũng một người bệnh và bệnh ấy, đủ nói lên sự biến hóa phi thường sinh động của bệnh tật. Tóm lại, BC cốt ở trong người không có thành kiến, nhất thiết chỉ dựa vào chứng hậu khách quan và hoàn cảnh trong ngoài khác nhau mà linh động chẩn đoán. Bệnh trạng chưa biến thì kết quả biện chứng không đổi, bệnh trạng đã biến hóa rồi thì kết quả biện chứng cũng theo đó mà biến đổi theo.
          1.4- Chứng trạng cá biệt có khi lại là mấu chốt của BC:
          Chứng hậu rõ ràng chính xác là cơ sở của BC như đã nói ở trên. Còn như chứng trạng, mạch tượng, rêu lưỡi cá biệt thì có quan hệ khi biện chứng hay không? Chứng trạng cá biệt là chứng trạng sở hữu, sự quan hệ tương hỗ giữa chúng nên so sánh ra sao?
          Nói chung, chứng trạng cá biệt là một đơn vị trong toàn bộ chứng trạng. Chứng trạng do tứ chẩn mà biết và các loại kiểm tra mà biết hợp lại thành một chỉnh thể, các dấu hiệu trong cái chỉnh thể ấy đều tương đối thống nhất, những chứng trạng ấy có quan hệ bổ sung cho nhau, có thể đi đến một kết quả BC tương đối nhất trí. Đó là một quy luật chung của BC. Ví như: BN sốt cao hoặc sốt cơn, miệng khát uống nhiều, bụng đầy đau, đại tiện bí, tiểu tiện ngắn đỏ, mạch trầm sác hữu lực, rêu lưỡi vàng, kết hợp những chứng trạng ấy lại mà BC có thể kết luận là chứng lý thực nhiệt. Nhưng cũng có một số BN qua tứ chẩn thấy một cách khác: vọng - vấn chẩn thấy chứng hư; văn- thiết chẩn lại thấy giống như chứng thực, thậm chí có khi ngay trong một cách chẩn lại thấy dấu hiệu hư thực lẫn lộn, BC có chỗ chống đối nhau không thể rút ra được một kết luận thống nhất, như vậy thì biết BC ra sao? Có thể dựa vào phương pháp BC theo bát cương từ trong chứng hậu phức tạp, căn cứ vào một chứng hoặc mạch hoặc lưỡi đủ để phản ánh toàn diện của bệnh cơ mà lấy đó làm kết luận của BC.
          Điểm chủ yếu này và tinh thần của “chứng hậu rõ ràng mà chuẩn xác là cơ sở của BC” nói trên, không có gì là mâu thuẫn mà còn bổ sung cho nhau. Vì rằng một chứng hoặc một mạch hoặc một lưỡi có tính chất quyết định ấy, không thể tách rời nó ra khỏi toàn bộ chứng hậu mà phán đoán. Bệnh tật có thường có biến, đúng như Lưu Hà Gian nói: “Cang chi quá cực, phản tự thắng kỳ chi hóa’ ; nói “thắng kỳ chi hóa” tức là xuất hiện một số chứng trạng không phù hợp với bệnh. Trên lâm sàng loại hiện tượng này thường thấy khá nhiều như nói: “hư quá lại có hiện tượng thực”, “thực quá lại có hiện tượng hư”. Lại có một số bệnh do chữa lầm, bệnh tình biến hóa phức tạp. Do đó, BC không thể căn cứ vào hiện tượng bình thường mà phán đoán, cũng không thể kết luận chạy theo chứng trạng phản thường; nhưng trong chứng trạng phản thường, tất cả phải tìm cho được một  chứng, một mạch, một lưỡi để làm tiêu chí cho bản chất của bệnh tật thì chẩn đoán mới chính xác.
          Ví dụ: Dụ Gia Ngôn chữa cho Từ Quốc: trán - mình nóng, mặt đỏ, bức rức vật vã khác thường, đòi mở toang cửa, nằm lăn ra đất, trăn trở vẫn khó chịu, lại đòi xuống giếng ngâm mình, đòi uống nước, mạch cũng hồng đại, nhìn qua thì một loạt nhiệt tượng không còn nghi ngờ gì nữa, thầy thuốc trước muốn gấp dùng Thừa khí thang; nhưng Dụ Gia Ngôn đã xuyên qua một loạt giả tượng ấy, thấy rằng BN tuy đòi uống nước nhưng đưa nước tận tay lại đặt xuống mà không uống; mạch hồng đại hữu lực mà trọng án lại vô lực. Ông dựa vào hai điểm ấy, quyết định bệnh của họ Từ là chứng chân hàn giả nhiệt. Xử phương dùng thuốc đại ôn nhiệt, vì có một chuỗi giả tượng nhiệt cho nên thuốc phải dùng cách uống nguội, bệnh khỏi.



          1.5-Quan hệ giữa BC và biện bệnh:
          Chứng và bệnh quan hệ rất chặt chẽ. Có bệnh ấy tất phải có chứng ấy. Nhưng có khi bệnh khác nhau mà thường thường cũng có chứng trạng tương đồng. Ví như bệnh thu táo có chứng đau họng, bệnh ngũ nga có chứng đau họng, bệnh bạch hầu có chứng đau họng, bệnh hầu sa cũng có chứng đau họng, mà phép chữa lại khác nhau. Do đó, đã cần phải biện chứng, lại cần phải biện bệnh. Nếu nói BC là đã bao quát tứ chẩn kiểm tra mà biết, lại bao quát nhân tố nội ngoại gây bệnh, toàn diện mà lại cụ thể phán đoán bệnh tật có tính chất đặc thù và mâu thuẫn chủ yếu của từng giai đoạn; thế thì điểm bất động của “biện bệnh” là xét theo sự nhận biết của BC so sánh phân biệt với nhiều chứng giống mà lại khác của bệnh tật, kiểm tra suy tìm những đặc trưng của bệnh với những loại chứng trạng của bệnh nhân là tiến hành đối chiếu kiểm tra từng chứng một, trong quá trình đối chiếu kiểm tra sẽ dần dần chỉ rõ cho BC, xét xem có hay không những dấu hiệu này hay đặc trưng khác của bệnh tật, cuối cùng loại bỏ những chứng trạng giống mà khác đó, sẽ được kết luận cuối cùng. Khi đã rút ra kết luận thì bệnh cơ và diễn biến của bệnh sẽ ra sao đã có một khái niệm; trên cơ sở ấy, tiến hành BC thì tiên lượng được tốt xấu; quan trọng hnất là kinh qua BB rồi, làm cho BC với nguyên tắc chữa và kết hợp phương dược của bệnh ấy càng được chặt chẽ, để nâng cao hiệu quả trị liệu, đỡ phải đi đường vòng mà tới đích.
          Đông y chú trọng BC, cũng rất chú trọng BB. “Thương hàn luận” của Trương Trọng Cảnh là một tước tác lớn về biện biệt bệnh thương hàn; Lưu Hà Gian lại bổ sung thêm về phương pháp biện bệnh nhiệt; Ngô Hựu Khả lại nêu lên phương pháp biện biệt bệnh ôn dich; đời nhà Thanh (TQ) các nhà nghiên cứu ôn bệnh lại phân nhỏ thành các bệnh xuân ôn, phong ôn, thử ôn, thấp ôn, đông ôn. Cùng với sự phát triển của y học đất nước, sự nhận thức bệnh tật về các khoa nội, ngoại, phụ, nhi ngày càng nhiều, phân biệt tật bệnh ngày càng tỉ mỉ, hiệu quả trị liệu cũng nhân đó ngày càng cao. Phép BB là một phép đáng được chúng ta coi trọng.
          Trong công tác trị liệu thường gặp mọi trtường hợp như vậy. Một người bệnh đại tiện ra máu, bệnh tình không nặng lắm nhưng khi khỏi khi không, kéo dài mãi; sau chẩn đoán là bệnh trĩ, dùng thuốc khô trĩ chữa khỏi trĩ nội thì chứng đại tiện ra máu không còn tái phát nữa.; giả như lúc đầu BB mà biện rõ được bệnh trĩ, thì bệnh không đến nỗi kéo dài không khỏi.
          Lại như khi chữa cho người bệnh bị sởi; nếu chúng ta không hiểu về quá trình phát bệnh của toàn bệnh sởi, thì bệnh sởi lúc mới phát rất dễ lầm lẫn với các chứng ngoại cảm khác; không biết căn cứ vào nguyên tắc chữa bệnh sởi mà chữa tất dễ biến sinh những biến chứng khác. Nếu hiểu được cách biện biệt bệnh sởi, biết được chứng hậu của từng giai đoạn của bệnh sởi, trung tâm đã có định hướng, biện chứng có đầu mối, chẩn đoán càng chính xác, kết quả trị liệu càng tốt hơn.
          Tuy vậy, trong các khoa lâm sàng học, có một số bệnh lấy đúng hướng của nó để định danh như ho, suyễn, thổ huyết, tiện huyết….. nhưng không phải bệnh danh đều chỉ như vậy. Bệnh danh của đông y có loại lấy nguyên nhân làm bệnh danh như: thu táo; có loại lấy bộ vị làm bệnh danh như: cước khí, dương nuy; có loại lấy bệnh lý làm bệnh danh như: đờm ẩm, bạch nội chướng (Đục nhân mắt). Ngoài ra còn có loại lấy nguyên nhân hợp với bộ vị  bệnh làm bệnh danh như: phế táo; cũng có loại lấy bệnh lý hợp với vị trí làm bệnh danh như: tràng ung…Nhân chứng đặt tên hay nhân cái khác mà đặt tên đều tốt cả, điều đó không quan trọng, trên phương diện BC đều có ý nghĩa chỉ đạo, trên phương diện trị liệu sẽ có một số nguyên tắc và phương pháp tức là có thể xem là bệnh.
          Tóm lại, “bệnh” là từ chứng bệnh mà ra, mỗi loại bệnh có một quy luật biến hóa của nó, quy luật của bệnh ấy trở lại chỉ đạo cho BC.
          Từ BC - BB - BC, là một quá trình chẩn đoán bệnh tật không ngừng biến hóa vi diệu. Chúng ta không thể chỉ lấy “BC” đã cho là đầy đủ, mà đã cần phải BC lại phải BB; rồi từ BB lại tiến thêm một bướcđể BC. Phương pháp BC cần phải học tập ở các khoa lâm sàng. Mỗi khoa lâm sàng có những loại bệnh riêng, qua nghiên cứu thực tiễn nhiều sẽ nắm được quy luật chung về nguyên nhân bệnh, bệnh cơ, BC và trị liệu của mỗi loại bệnh, cho nên sau khi chúng ta học chẩn đoán rồi, coàn cần phải học tập ở các khoa lâm sàng nữa mới có thể đảm nhiệm công tác chẩn trị.



2-KẾT HỢP VẬN DỤNG TỨ CHẨN - BÁT CƯƠNG
 VÀ PHÂN LOẠI CHỨNG HẬU:
Tứ chẩn, bát cương và phân loịa chứng hậu có mối quan hệ với nhau một cách hoàn chỉnh. Khái quát lại như sau:
2.1-Tứ chẩn là 4 phương pháp kiểm tra và sưu tạp chứng hậu, toàn bộ chứng hậu sưu tập được qua 4 phương pháp ấy là cơ sở của BC, trên cơ sở ấy lại vận dụng bát cương và phân loại chứng hậu để BC.
2.2-Bát cương là dem những tư liệu do tứ chẩn thu thâp được, dựa vào lý luận bát cương tiến hành quy nạp và phân tích, thông qua các hiện tượng của bệnh tìm được: âm dương, biểu lý, hàn nhiệt và hư thực để bước đầu chỉ phương cho trị liệu
          2.3-Phân loại chứng hậu là đem một loạt chứng trạng biến hóa theo thường quy của nguyên nhân, vị trí và xu thế phát triển của bệnh tật.
          Bát cương và phân loại chứng hậu, một đằng là cương lĩnh của BC (bát cương), một đằng là lý luận đi sâu vào bệnh cơ (phân loại chứng hậu), nên kết hợp cả hai lại để chẩn đoán bệnh tật

Ảnh trong bài lấy từ Internet

0 nhận xét: