VỊ THUỐC VÀ BÀI THUỐC TỪ CÂY TÍA TÔ

Bài ngắn hơn đã đăng Báo Quảng Nam (Ở đây)
 Lê    Thân (Tổng hợp)

Cây tía tô có tên khoa học là Perilla ocymoides L, thuộc họ Hoa môi (Labiatae). Trong toàn cây tía tô có chứa 0,5% tinh dầu; trong tinh dầu, thành phần chủ yếu là perilla andehyt C10H14O chiếm 55% làm cho tía tô có mùi thơm đặc biệt. Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy: Nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, kích thích tiết mồ hôi; làm giảm chất xuất tiết của phế quản, làm giảm co thắt cơ trơn của phế quản; có tác dụng cầm máu; chất tinh dầu làm tăng đường huyết, aldehyt tía tô chống thối và ức chế trung khu thần kinh; nước ngâm kiệt lá tía tô có tác dụng ức chế các loại vi trùng như: tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ.


Tía tô được trồng ở khắp mọi nơi, ngoài công dụng làm gia vị, cây tía tô còn dùng làm thuốc trong đông y, nó cho các vị thuốc sau:
          -Tô diệp là lá tía tô, còn gọi là tử tô diệp. Có thể thu hái lúc cây trưởng thành, nhưng tốt nhất vào lúc cây bắt đầu ra hoa, hái về phơi khô ở nơi râm mát, thoáng gió. Có tác dụng giải cảm lạnh, điều hoà chức năng tiêu hoá, an thai, giải độc tôm cua.
          -Tô ngạnh là cành tía tô. Có tác dụng lý khí, an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn mữa. Đông y còn phân biệt cành già và non; cành già (lão tô ngạnh) thu hái vào cuối mùa thu, cắt toàn bộ phần cây ở trên mặt đất, bỏ riêng lá, cành non và quả, để riêng những cành già; cành non (nộn tô ngạnh) thu hái vào cuối mùa hạ, cắt những cành nhỏ (lá để riêng dùng là tô diệp)
          -Tô tử là quả chín của cây tía tô (thường gọi là hạt), còn có tên là tử tô tử, hắc tô tử. Có tác dụng giáng khí, bình suyễn, trừ đờm, nhuận tràng; dùng trong các trường hợp cổ họng bị nghẽn tắc, khó thở, ho suyễn, ngực đầy tức...
          -Tử tô bao là nụ tía tô, có dược tính tương đối bình hoà, thường dùng chữa: phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh đẻ cơ thể suy nhược mà bị cảm lạnh.
          -Tô đầu là rễ và phần thân già sát gốc, nay ít dùng.
          Vài bài thuốc thông dụng có các vị thuốc từ cây tía tô:    
-Cháo tía tô bạc hà: lá tía tô tươi 20g, lá bạc hà tươi 8g, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 40-60g. Cho gạo vào nồi đổ nước nấu đến khi cháo chín; cho tía tô, bạc hà đã xắt nhỏ và gừng vào đun sôi lại là được. Ăn cháo khi đang còn nóng. Dùng cho các trường hợp cảm lạnh kèm theo ho, khó thở.
          -Chữa sưng vú: lá tía tô một nắm (10-20g), sắc lấy nước uống, bã đắp vào nơi sưng.
         -Chữa chứng ho nhiều đờm ở người già: dùng quả tía tô, hạt cải bẹ, hai thứ lượng bằng nhau; tất cả tán thành bột mịn, trộn đều. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-8g. Bài thuốc này còn có tác dụng tốt đối với người già hay người suy yếu mà bị chứng táo bón. Nếu người lớn hay có cơn hen: quả tía tô 1 lạng, sao qua tán bột, đổ 2 chén nước khuấy đều, lọc bỏ bã, nấu cháo ăn lúc đói.
-Chữa chứng ăn uống khó tiêu: lá tía tô và cành, chặt nhỏ 2-3cm sao vàng, mỗi ngày dùng 20-30g sắc uống.
- Trẻ em ho nhiều, thở gấp: hạt tía tô 20g tán thành bột, hoà với nước đã nấu sôi để còn âm ấm, lọc bỏ bã cho uống. Cẩn thận hơn thì cho bột vào túi vải hãm vào nước sôi, hoặc lấy bột này hoà vào cháo, nước cơm cho trẻ uống.
-Chữa táo bón ở người già suy nhược: quả tía tô, hạt me lượng bằng nhau, giã nhuyễn cho nước lắng, lấy nước nấu chín để uống. Hoặc quả tía tô, hạt mè đen đều 10g, giã nhuyễn, cho nước vào để gạn lấy nước nấu cháo.
          -Rối loạn tiêu hoá: đau bụng đi ngoài, nôn mữa do ăn các loại thức ăn như cua, cá: lấy lá tía tô đủ dùng, giã lấy nước cốt để uống; nếu có ngứa nổi mẩn (dị ứng) thì lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xát vào chỗ ngứa; hoặc lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, cam thảo 2g, sắc với 600ml nước còn 200ml chia 2-3 lần uống nóng trong ngày. Để phòng tránh, khi ăn các loại hải sản tanh lạnh nên kèm theo rau thơm gia vị là lá tía tô; nhưng theo một số tài liệu đông y không nên ăn lá tía tô với cá gáy (cá chép) vì sinh nhọt.
          -Sâm tô ẩm: nhân sâm, lá tía tô, cát căn, bán hạ(tẩm gừng sao), tiền hồ, phục linh mỗi vị 4g; mộc hương, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) mỗi vị 6g; gừng tươi 3 lát; táo 1 quả. Mỗi ngày 1 thang, sắc với nước, chia 3 lần uống khi còn ấm. Dùng cho trường hợp cơ thể vốn suy nhược mà bị cảm lạnh ăn uống khó tiêu, ngực bụng đầy tức, ho nhiều đờm.
          -Hương tô tán: lá tía tô 120g, hương phụ (thân rễ cỏ cú) 120g, trần bì  60g, cam thảo 30g. Tất cả các vị thuốc (sao qua hoặc đều phơi khô) đem tán thành bột thô, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 10g. Dùng trong trường hợp bị cảm lạnh, kèm theo tức ngực, đầy bụng, không muốn ăn uống.
          -Chăm sóc da: có nơi người ta rất chuộng dùng trà tía tô uống thay trà; đồng thời dùng nước trà tía tô để gội đầu, tắm rửa để bảo vệ da, dưỡng da tươi nhuận, trừ vết nhăn, vết nám; vì tía tô làm ẩm da, dịu da, tăng cường trao đổi chất. Súc miệng bằng trà tía tô sẽ tẩy sạch miệng, làm thơm miệng. Gội đầu bằng nước tía tô làm tóc mượt, sạch gàu, không rụng và không bị chẻ. Da mẩn ngứa, mụn cóc, dùng lá tía tô xoa xát trực tiếp hoặc nghiền nhuyễn cho vào túi mà xoa xát



Theo Hải Thượng Lãn Ông thì tía tô vốn là thuốc tán phong, người thường hay ăn vì thích cái thơm tho của nó, đâu có biết nó làm tiết hết cái khí chân nguyên; người khí hư, biểu hư (như tự nhiên ra mồ hôi) thì cấm dùng lá; người nhuận trường, phế hư thì cấm dùng quả; không thể dùng chung chung hoặc dùng dài ngày mà hãm con người vào cái hoạ đã hư lại càng thêm hư.


Ảnh trong bài lấy từ Internet
               

0 nhận xét: