HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC

TƯỞNG NIỆM 222 NĂM NGÀY MẤT ĐẠI Y TÔN HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC [Rằm tháng giêng Tân Hợi (1791) - Quý Tỵ (2013)]


LÊ THÂN (Biên soạn)



Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (1720), nguyên quán ở thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông mất ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791), ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Hiệu Hải Thượng của ông ghép từ chữ Hải là tên tỉnh Hải Dương; còn chữ Thượng là phủ Thượng Hồng, cũng là xứ Bầu Thượng. Lãn Ông có nghĩa là ông lười, ngụ ý muốn nói là lười biếng danh lợi.
          Ông xuất thân từ một gia đình khoa bảng, hồi nhỏ theo cha học ở kinh thành Thăng Long (Hà Nội), đã nổi tiếng là thông minh, học giỏi, hiểu rộng, thơ hay. Năm Kỷ Mùi (1739), thì cha mất, ông tiếp tục tự đọc sách, học binh thư, luyện võ, thi tam tường, rồi sau không thi nữa
          Ông lớn lên giữa lúc chế độ phong kiến trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng, xã hội Việt Nam rối ren cực độ. Năm 1740 ông vào quân đội của chúa Trịnh, những năm sống trong quân ngũ ông nhìn rõ sự thối nát, mục rỗng của chính quyền đương thời, chán ghét chiến tranh; nên mặc dù ông cầm quân thường thắng trận, nhưng luôn từ chối việc cất nhắc. Nhân có tin người anh ở Hương Sơn vừa mất, ông xin xuất ngũ để về quê nuôi  mẹ và cháu thay anh.
          Về quê ông lao tâm và lao lực trong cuộc mưu sinh cũng như trao dồi học thuật, không bao lâu ông ốm nặng, chạy chữa vài năm không khỏi. Sau ông tìm đến nhà cụ lương y Trần Độc ở Rú Thành (Nghệ An) để chữa bệnh. Dưỡng bệnh ở đây hơn một năm, vốn tính ham học hỏi, nhân lúc nhàn rỗi ông mượn sách thuốc để đọc. Với tố chất thông minh, kiến thức rộng nên ông nhanh chóng hiểu sâu y lý, do đó càng đọc sách thuốc càng thấy say mê và thú vị, mặc dù ông chưa quyết tâm học. Lúc này, Hải tướng quân đương vây quân địch ở vùng Bào Giang, có người đề bạt ông, nhưng ông nghĩ: “trường đời danh lợi đã gởi cho nước trôi mây nổi từ lâu rồi” (Y huấn), ông cố ý từ chối với lý do còn mẹ già không thể đi xa được.
 Ông quay về lại Hương Sơn, dựng nhà ở dưới rừng, quyết chí học tập nghề y. Chủ yếu là ông tự học qua các sách của mọi nhà y, ngày đêm miệt mài, mò mẫm, suy đoán, tự hỏi tự đáp để tìm ra chân lý. Ông giao tiếp với một lương y cũng họ Trần ở làng Đậu Xá bên cạnh. Sau vài ba năm ông bắt đầu chữa được một số bệnh thông thường. Nhưng ông thấy y lý thật sâu rộng, mùa thu năm 1754 ông ra kinh đô để tìm thầy học thêm, “nhưng giận rằng, không có duyên để gặp được thầy giỏi”(Y huấn), ông mua thêm một số sách thuốc mang về Hương Sơn, đóng cửa đọc sách, vừa nghiên cứu vừa chữa bệnh. Sau 10 năm, ông đã nổi tiếng ở vùng Hoan Châu (Nghệ An)
          Trong cái hoang mang chung của nhà nho, trước tình hình chính trị, xã hội của đất nước lúc bấy giờ, ông đã tìm hướng đi vào y học hồi hơn 30 tuổi, ông cho rằng: “nghề y thiết thực ích lợi cho mình, giúp được mọi người” (Y huấn). Hướng đi ấy có tính chất lý tưởng hóa bản tính và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ông từ đó về sau. Chí hướng đó đã trở thành quyết tâm lớn: “Dựng lên cờ đỏ giữa y trường” (Y huấn)
          Trong đời làm thuốc, Lãn Ông luôn luôn tích cực, nhiệt tâm phục vụ người bệnh, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, chăm nom người bệnh như mẹ hiền. Ông rất quan tâm đến những người nghèo khó, mồ côi, góa bụa.. “ vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn những người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi, vậy ta để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời” (Y huấn).
          Lãn Ông luôn luôn đề cao tinh thần trách nhiệm đối với tính mạng người bệnh, hết sức thận trọng, chín chắn, chu đáo, tỉ mỉ trong việc khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc; khẩn trương, bình tĩnh trước bệnh nguy cấp. Ông quán triệt các phương châm “dùng thuốc như dùng binh”, “cứu người như cứu hỏa”..., với những trường hợp nguy nan, ông đem hết nhiệt tâm cứu chữa đến cùng với tinh thần “còn nước còn tát”, không hề từ nan vì lòng nhân đạo và lương tâm nghề nghiệp, không khuất phục trước bệnh tình vì lý tưởng phấn đấu để nâng cao trình độ y học nhằm chiến thắng bệnh tật.
          Lãn Ông đặc biệt coi trọng y dược học dân tộc, ông luôn luôn thể hiện tinh thần tự hào dân tộc và ý thức tự lực tự cường trong sự nghiệp của mình. Ông đề cao sản phẩm Việt Nam như: quế Thanh Hóa, sâm Bố Chính.... Phát huy chủ trương “dùng thuốc Nam chữa bệnh người Nam” của Tuệ Tĩnh, sưu tầm, phát hiện và nghiên cứu trên lâm sàng nhiều vị thuốc mới, tổng hợp thêm nhiều phương thuốc gia truyền công hiệu để phổ biến cho nhân dân, kèm theo các cách chữa bệnh đơn giản như: xông hơ, chườm cứu, xoa bóp..., để cho mọi người có thể tự chữa các bệnh thông thường, với cây nhà lá vườn sẵn có, được kịp thời và đỡ tốn tiền thuốc. Những tinh túy về phong tục vệ sinh của dân tộc, đều đươc phân tích và tổng hợp trong tập Vệ sinh yếu quyết. Song song với việc bảo tồn những vốn quý của nền văn hóa dân tộc, ông không quên chống những tệ nạn, hủ tục tồn tại gây nên bệnh tật, tai nạn, chết chóc cho xã hội đương thời.
          Ông cho rằng “nghề thuốc là thanh cao, ta càng phải giữ gìn phẩm chất cho trong sạch” (Y huấn), ông viết: “khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi với những kẻ giàu sang, tính khí thất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ” (Y huấn).
          Lãn Ông là một nhà khoa học có thái độ tiếp thu học thuật nước ngoài một cách tích cực, có chọn lọc, không giáo điều và giàu tính sáng tạo. Trước hết để có thể tiếp thu và thừa kế đầy đủ học thuật của các y gia ngoại quốc, ông đã công phu ngày đêm thu thập và tham khảo rất nhiều tài liệu. Thứ đến, mặc dù đọc sách rất nhiều, tìm hiểu rất rộng, nhưng Lãn Ông luôn luôn tiếp thu có phê phán với tinh thần độc lập suy nghĩ, không chấp nhận một cách giáo điều tất cả những gì viết trong sách cổ, ví như: Có thuyết nói “nhân sâm giúp ích cho hỏa” đã gây ấn tượng cho đời sau không dám dùng sâm để chữa bệnh hư lao (suy nhược) là thiên lệch...; điều này được thể hiện ngay cả đối với những nguyên tắc được ghi trong các y thư kinh điển của đông y như: Nạn kinh, Thương hàn luận.... Cuối cùng, trên cơ sở tiếp thu một cách có phê phán, với tinh thần độc lập, tự chủ, ông đã sáng tạo và đề xuất ra nhiều quan điểm và phương pháp trị bệnh có hiệu quả, phù hợp với các điều kiện địa lý, khí hậu, đất đai, con người và hoàn cảnh kinh tế của nước ta thời bấy giờ. Ông đã sáng chế ra hàng chục phương thuốc mới, được ghi trong quyển Hiệu phỏng tân phương.
          Lãn Ông cần cù nghiên cứu, sưu tầm kinh nghiệm của mọi nhà y, ngày đêm lao tâm khổ tứ, tiếc từng giây từng phút, để xây dựng một nền y học thích hợp với bệnh tình nước ta. Ông đã lấy sách Nội kinh làm gốc, sách Cẩm nang, Cảnh Nhạc làm đề cương, tham hợp với nhiều sách khác, thâu lái những tinh túy của y học cổ truyền, tổng hợp những kinh nghiệm trong dân gian, kết hợp với những kinh nghiệm trên lâm sàng, đúc kết thành một hệ thống Lý Pháp Phương Dược của y học Việt Nam thành bộ sách Hải thượng y tông tâm lĩnh, gồm 28 tập, 66 quyển. Mở đầu bộ sách là tập Y huấn cách ngôn, đủ hiểu ông chú trọng đến y đức ở mức rất cao. Ông còn mở lớp huấn luyện y học cho các môn sinh
          Chất lượng, khối lượng lao động của ông rất lớn. Trong trước tác của mình, không những ông ghi lại những trường hợp chữa khỏi (Y dương án). Mà cuốn Y âm án (những bệnh án chữa không có kết quả), là một đặc trưng khác biệt với các tác giả từ xưa tới nay. Ông không ngần ngại nêu lên cả những điều mà mình chưa biết tới, chưa làm được để người đương thời và người đời sau cùng suy ngẫm, nghiên cứu, để “mong các bậc trí thức đời sau có nhiệt tình với nghề làm thuốc, thấy những chổ hay của tôi tuy không đủ bắt chước, nhưng những chổ dở của tôi cũng đáng làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo là chỉ chữa được bệnh không chữa được mệnh. Đó là một cái may cho nghề làm thuốc” (Y âm án). Chỉ một điểm này thôi, ngoài nhiều điểm ở các quyển khác, đủ nói lên tầm cao của lòng trung thực, tầm cao của ý thức đối với học thuật, tầm cao của lòng thương yêu người bệnh, tầm cao của phẩm giá con người chân chính.
          Lãn Ông không chỉ là một thầy thuốc lỗi lạc, ông còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc của cuối thời Lê. Ông đã dùng văn học, tri thức của mình vào những trước tác có gía trị thiết thực, đem lại lợi ích lâu dài cho dân tộc. Ông có những bài thơ rất hay, những lời văn thâm thúy nói lên tâm tư kiên nghị và kiến thức sâu rộng của một nhà y học văn học lão luyện uyên thâm, có thơ ca bằng chữ nôm lời rất bình dân để cho người đọc dễ nhớ.      
           Sự nghiệp của Lãn Ông là một cống hiến vô cùng to lớn cho nền y học dân tộc, ảnh hưởng của ông thật sâu rộng trong y giới Việt Nam. Ông đã trở thành một nhà y học nổi tiếng đương thời, về sau được nhân dân ta suy tôn là một Đại y tôn Việt Nam. Từ năm 1834 giới y học đã phối tự Lãn Ông vào Y miếu Thăng Long (Hà Nội) để ghi nhớ công trạng của ông. Tháng 12 năm 1999, Bộ y tế đã quyết định lấy 9 điều y huấn cách ngôn của ông làm “ Đạo đức hành nghề Y dược học cổ truyền” cùng với 12 điều y đức chung của ngành y, hằng năm lấy ngày rằm tháng giêng âm lịch ngày mất của ông làm ngày truyền thống của những người làm công tác Y dược học cổ truyền. Năm 1970, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc đã chọn kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhật của Lãn Ông là để nêu cao tên tuổi và sự nghiệp của ông, là cả một vinh dự cho Tổ quốc ta đã sản sinh ra một con người ưu tú làm rạng rỡ y giới.
          Cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông thật xứng đáng là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền Y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo.


Bài hát: "Huyền thoại Hải Thượng Lãn Ông" trên Youtube:



Phóng sự: "Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông" trên Youtube:



Ảnh và Video trong bài lấy  từ Internet























0 nhận xét: