ĐÔI ĐIỀU VỀ THUỐC BỔ ĐÔNG Y

Bài ngắn hơn đăng trên BÁO QUẢNG NAM  hôm nay 15.10.2104
                                                                      BS LÊ THÂN  (Biên soạn)
          Thuốc (bao gồm các vị thuốc và các bài thuốc) của đông y được chia thành nhiều nhóm khác nhau như: thuốc thanh nhiệt (làm hết nóng), thuốc trừ hàn (làm hết lạnh), thuốc chỉ khái trừ đàm (chữa ho trừ đàm), thuốc an thần, thuốc bổ.... để chữa những chứng bệnh do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Như vậy, thuốc bổ là một bộ phận cấu thành trong thuốc của đông y (đông dược). Thuốc bổ - cũng như các nhóm thuốc khác - được chỉ định cho những trường hợp bệnh cụ thể, với thuốc bổ thì chỉ định khi cơ thể người bệnh cần dùng phép bổ.


          Khi nào cần dùng thuốc (phép) bổ? Sách cổ đông y ghi: “Hư thì bổ, thực thì tả”. Như vậy, chỉ bổ khi bị hư, hư tức là 1 hoặc nhiều bộ phận trong cơ thể suy giảm công năng so với người bình thường hoặc so với bản thân khi bình thường; nói đơn giản là sự giảm sút sức đề kháng của cơ thể. Theo đông y, 4 mặt lớn cần quan tâm về hư trong cơ thể là: âm, dương, khí và huyết. Nguyên tắc thường dùng là phần nào trong 4 phần trên bị hư thì bổ phần đó: âm hư bổ âm, dương hư bổ dương, khí hư bổ khí, huyết hư bổ huyết; ngoài ra theo lý luận của đông y khi huyết hư có thể bổ khí. Nhưng các phần trên còn chia ra nơi phần đó hư như: âm hư có: thận âm hư, tâm âm hư, phế âm hư, phế thận âm hư…; dương hư có: tâm dương hư, thận dương hư, tỳ dương hư, tỳ thận dương hư; khí hư có: phế khí hư, vị khí hư, thận khí hư, tâm phế khí hư…; huyết hư có: can huyết hư, tâm huyết hư…; có khi âm dương cùng hư (âm dương lưỡng hư), khí huyết cùng hư (khí huyết lưỡng hư); chia ra như vậy để dùng các vị thuốc, các bài thuốc có tác dụng tốt ở những phần đó hơn là dùng chung chung.
          Làm sao để biết bộ phận nào trong cơ thể bị hư? Phải được thầy thuốc đông y khám bệnh và căn cứ vào lý luận khoa học biện chứng của đông y để xác định phần nào trong cơ thể bị hư mà dùng thuốc bổ phần đó, chứ quyết không thể dùng một cách chung chung, tùy tiện; nếu dùng thuốc bổ một cách bừa bãi thì không những không có tác dụng mà đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Nếu một người được đông y chẩn đoán là âm hư chẳng hạn mà cứ đi dùng thuốc bổ dương thì phần âm ngày càng hư (do phần dương đã hơn phần âm, giờ bổ dương thì dương càng mạnh hơn âm) bệnh càng nặng hơn và có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nhất là trong các bệnh như tăng huyết áp. Thiếu phần nào, bộ phận nào thì bồi bổ phần, bộ phận đó và ngay cả khi bồi bổ đã đúng chỗ cũng không được quá thiên lệch mà làm tổn hại đến cân bằng động giữa âm và dương trong nhân thể. Trình Quốc Bành, danh y đời Thanh (Trung Quốc) đã viết: “Bổ có ý nghĩa lớn. Song có người đáng bổ lại không bổ, có người không đáng bổ lại bổ; lại không chịu định rõ khí huyết, không phân biệt hàn nhiệt, âm dương, đóng mở, nhanh chậm, không định rõ ngũ tạng, căn bản thì chỉ có hại”.
Đối với người bình thường (không bệnh) có thể dùng thuốc bổ đông y được không? Câu trả lời là được. Tại sao dùng được? Bởi cơ thể chúng ta khi không bệnh là sự cân bằng động giữa các mặt (âm-dương, khí-huyết…), chứ không phải là sự bằng nhau tuyệt đối giữa các mặt đó; nên luôn có sự thiên lệch hoặc về bên này, hoặc về bên kia; tức là cơ thể luôn ở tình trạng thiếu một mặt nào đó nhưng chưa gây ra bệnh. Có sự thiếu hụt đó là do: (1)- Do bẩm sinh (đông y gọi là tiên thiên bất túc): Tức là từ nhỏ đã hư yếu toàn thân hoặc một bộ phần nào đó, nên cũng cần bồi bổ thường xuyên khi trưởng thành mặc dù không có bệnh. (2) – Do nhu cầu phát triển của cơ thể: Rất quan trọng đối với lứa tuổi vị thành niên, phụ nữ cho con bú. (3)- Sự tiêu hao không ngừng để duy trì sự sống của cơ thể: Phụ thuộc nhiều vào tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng dinh dưỡng… (4)- Nhu cầu bồi bổ chính khí: Tức là thường xuyên nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh tật, nhất là ở trẻ em, người già, phụ nữ sau sinh, người mới hồi phục sau bệnh tật… (5)- Các nhu cầu đặc biệt khác như: Nâng cao hiệu suất công tác, cải thiện khả năng sinh lý… Nhưng như đã phân tích, việc này cần có chỉ định của thầy thuốc đông y. Điều quan trọng là trước khi dùng thuốc, nên bồi bổ bằng ăn uống trước, ăn cơm ngày ba bữa là phương thức bồi bổ cơ bản nhất.


          Khi dùng thuốc bổ đông y cần lưu ý: (1) - Hư đâu bổ đó: Đây là nguyên tắc cơ bản nhất. (2) - Bổ có chừng mực, đủ mức thì dừng: Mọi dược liệu đều có tính thiên lệch nhất định; được người ta lợi dụng để điều chỉnh tính thiên lệch của cơ thể. Việc dùng thuốc bổ quá mức có thể dẫn đến sự thiên lệch mới, rất có hại cho sức khỏe. (3) - Cần biện chứng mà bồi bổ: Nghĩa là cần phải căn cứ đặc điểm bệnh lý cụ thể mà tiến hành dùng thuốc cho phù hợp, chứng làm sao thì trị làm vậy. (4) - Phải chú ý bảo vệ tỳ vị: Thuốc bổ đông y hầu hết phải dùng đường uống. Muốn cho thuốc được hấp thụ và phát huy tác dụng cao nhất thì không thể không chú ý đến việc nâng cao công năng của tỳ vị. (5) - Dùng thuốc bổ theo mùa: Nghĩa là phải căn cứ vào đặc điểm thời tiết từng mùa và mối quan hệ giữa thời tiết từng mùa với các phủ tạng của cơ thể để lựa chọn loại thuốc bổ phù hợp. (6) - Dùng thuốc bổ phải tùy người: Mỗi cá thể đều có những đặc điểm khác nhau về thể chất, tuổi tác, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế và hoàn cảnh sống. Thuốc dùng cho trẻ em không thể cùng liều với người lớn; người già cần bồi bổ nhiều và liên tục hơn...
          Các nghiên cứu của khoa học hiện đại về tác dụng dược lý chủ yếu của thuốc bổ đông y cho thấy: (1)- Ảnh hưởng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể: Các thuốc bổ đông y có khả năng tăng cường và điều tiết chức năng miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu. (2)- Tác dụng kiện não ích trí: Rất nhiều thuốc bổ đông y có tác dụng cải thiện tình trạng vi tuần hoàn, làm tăng lưu huyết não, tăng lượng ôxy cung cấp từ đó thúc đẩy quá trình phát triển cũng như hạn chế sự lão hóa của não, cải thiện trí nhớ và sức chú ý. (3) - Ảnh hưởng đối với chuyển hóa chất: Nhiều loại có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein và acid nhân, làm tăng nồng độ albumin và globulin trong máu. Đối với chuyển hóa đường, nếu đường máu tăng cao thì sẽ làm hạ xuống, nếu đường máu giảm thấp thì lại làm tăng lên. (4)- Ảnh hưởng đối với hệ thống nội tiết: Nhìn chung, các loại thuốc bổ đông y đều có tác dụng tăng cường hoạt động của cả 3 hệ thống nội tiết: dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận, dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục và dưới đồi-tuyến yên-tuyến giáp trạng. (5)- Ảnh hưởng đối với hệ thống tuần hoàn, tiêu hóa và tạo huyết: Nhiều loại có tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, cải thiện tình trạng vi tuần hoàn, chống loạn nhịp và thiểu năng động mạch vành tim. Đối với hệ thống tiêu hóa, thuốc bổ tỳ có tác dụng điều chỉnh sức co bóp, tăng cường chức năng tiết dịch và hấp thu, điều tiết thần kinh thực vật từ đó cải thiện tình trạng giảm tiết nước bọt, làm giảm hưng phấn thần kinh giao cảm, nâng cao trương lực dây thần kinh X, thúc đẩy hoạt động bài tiết dịch tiêu hóa ở các bệnh nhân có hội chứng âm hư.
          Nhiều người cho rằng dùng thuốc đông y không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc!?, qua phân tích trên thấy rằng điều đó không đúng với cả thuốc bổ của đông y. Ví như vị nhân sâm (vị thuốc đông y hầu như ai cũng từng ít nhất là nghe đến): đối với các trường hợp như viêm ruột thừa, sốt xuất huyết giai đoạn sốt cao… (các trường hợp này đông y cho là thực nhiệt) tuyệt đối không được dùng nó, nếu dùng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

                                            Ảnh trong bài lấy từ Internet

0 nhận xét: