NHỮNG QUAN ĐIỂM VÀ BÀI HỌC LỚN Ở HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

Đọc trong Lễ Dâng hương tưởng niệm 223 năm ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông
Rằm tháng giêng Tân Hợi (1791) - Giáp Ngọ (2014), tại Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam



       Trong không khí hân hoan, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, một mùa xuân nữa đã đến; sắc xuân tràn ngập khắp mọi mơi, mọi nhà và trong mỗi chúng ta. Hôm nay, rằm tháng giêng năm Giáp Ngọ (2014), tưởng niệm 223 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; ông sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (1720), mất ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791), thọ 71 tuổi. Chúng ta tập trung về đây thành kính thắp nén nhang để tưởng nhớ và tri ân công đức to lớn của ông đối với nền y học nước nhà. Lãn Ông được nhân dân ta suy tôn là Đại y tôn Việt Nam; năm 1970, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hiệp quốc đã chọn kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhật của Lãn Ông để nêu cao tên tuổi và sự nghiệp của ông, là cả một vinh dự cho Tổ quốc ta đã sản sinh ra một người con ưu tú làm rạng rỡ y giới. Ông để lại cho hậu thế bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển; trong đó không những chứa đựng nhiều khuôn vàng thước ngọc để chúng ta học tập, nghiên cứu về lý luận và thực hành YHCT; mà còn chứa đựng những quan điểm lớn, những bài học lớn làm tấm gương soi không chỉ cho riêng giới y học cổ truyền.
NHỮNG QUAN ĐIỂM LỚN CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Tư tưởng và sự nghiệp của Lãn Ông gắn liền với thực tế xã hội, với những điều kiện đương thời. Lãn Ông là một nhân vật đặc biệt, tất nhiên có nhiều quan điểm tốt đẹp để lại cho đời sau.
1-Quan điểm về cuộc sống: Lãn Ông sinh ra và sống trong một thời đại có tình hình chính trị không ổn định. Tư tưởng sĩ phu hoang mang, nhiều người không tham gia chính cuộc, rút lui về vùng thôn dã ở ẩn.Trong cái hoan mang chung của nhà nho, Lãn Ông tìm hướng đi trong dịp dưỡng bệnh tại Rú Thành, vào hồi hơn 30 tuổi. “Nghề Y thiết thực ích lợi cho mình, giúp đỡ được mọi người” (Y Huấn). Đó là một hướng đi tích cực đúng đắn, thiết thực, cao quý. Hướng đi ấy có tính chất lý tưởng hoá bản tính và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ông từ đó về sau.
Bản thân ông trước 30 tuổi chưa làm nghề y, cho nên làm nghề y là hướng mới về sau. Và suốt 40 mươi năm còn lại, ông đã phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng sự nghiệp, có tính tích cực, có ích cho xã hội. Bởi có quan điểm sống đúng đắn như vậy mà các quan điểm khác về nghề nghiệp, phục vụ cũng đều có nhiều đặc điểm.
        2 - Quan điểm về nghề nghiệp, về ý thức phục vụ: Lãn Ông nhiều lần nhấn mạnh “ Nghề thuốc là nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân...”. Từ đó mà các mặt đạo đức, trách nhiệm, động cơ, thái độ, tác phong, nghiệp vụ... của ông đều đạt tới một tầm cao đặc biệt. Ông nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”. Lãn Ông thể hiện rất rõ tính nhân đạo trong từng khâu của nghiệp vụ: Chuẩn đoán, suy luận, điều trị, dùng thuốc....
Đối với thầy thuốc “cái bệnh” là đối tượng số 1, tùy trường hợp mà giải quyết kịp thời và chu đáo. Do xác định được đối tượng số một đó mà Lãn Ông đặt sang bên những điểm khác như giàu nghèo, quyền uy, định kiến, sở thích, thuật số....
           3 - Quan điểm về trước tác và truyền thụ: Người viết sách có nhiều động cơ và thái độ khác nhau. Lãn Ông có quan điểm sống và ý thức phục vụ như trên nên động cơ và mục đích của ông vẫn đúng. Ông muốn “thâu tóm hàng trăm cuốn sách, đúc thành một bộ để tiện xem, tiện đọc...” Sách thuốc như rừng, lời bàn lắm ngả, yêu cầu có một bộ sách tóm gọn là một yêu cầu về học thuật của thời đại. Sách của ông viết xong đến đâu đã có người chép tay truyền nhau. Với tinh thần thận trọng, Lãn Ông còn đem hết tâm huyết của mình ra “Vắt hết ruột gan, moi tận đáy lòng,”, rõ ràng tinh thần trách nhiệm xây dựng học thuật và ý thức phục vụ của ông thật là triệt để và cao cả. Trong việc truyền thụ nghề nghiệp cho môn đệ, ông cũng rất chu đáo, ông chủ trương dạy bằng nhiều lối để người học nắm vững chuyên môn.
            4 - Quan điểm về thừa kế và học tập: Trong thừa kế và học tập Lãn Ông có những đặc điểm sau:
            4.1- Ồng nêu cao tinh thần khổ học, có thể thấy rõ ở một đoạn văn trong quyển Y hải cầu nguyên: “Tìm hiểu sách vở của khắp các nhà, nghiên cứu ngày đêm, mỗi khi được một câu cách ngôn của hiền triết xưa ghi lại tại chổ biện luận kỹ càng, thức nhấp luôn suy nghĩ. Phàm những chân lý ngoài lời nói, phần nhiều nảy ra trong lúc suy tưởng, nhân đó suy rộng ra, càng ngày càng tinh vi, như chiếc vòng không cùng tận.......”
           4.2- Học tập có chọn lọc: Hai chữ “Tâm lĩnh” trong tên bộ sách cũng nói lên cách học có chọn lọc của ông, ông muốn “chắt lọc lấy những tinh hoa của các sách, những vốn quý của dân gian về y học để đưa vào một bộ sách tóm gọn để tiện xem, tiện đọc...”.
          4.3 Học tập có sáng tạo: ông nghiên cứu sách xưa, nhưng có nhiều chỗ ông không rập khuôn hoàn toàn như xưa. Ông đã có đóng góp những chỗ mới về lý thuyết, về phương thang.
4.4 Học tập có phương pháp: Trong việc học tập cần phải có đọc rộng, tham khảo nhiều. Khi đã có tư liệu nhiều rồi phải biết sắp xếp tóm gọn cho hệ thống thì mới tránh được bệnh tản mát, hoặc lộn xộn mâu thuẫn nhau.
          Giữa học và hành, ông khuyên phải có sự “ biến thông linh hoạt”
4.5 Học tập với tinh thần suy nghĩ độc lập: Ông thừa kế sách xưa một cách toàn tâm toàn ý. Tuy nhiên, ông vẫn có tinh thần suy nghĩ độc lập, ông cũng tự hào với những phát kiến độc đáo. Ông không khiêm tốn giả tạo khi công bố thành quả của sự suy nghĩ độc lập trong học tập của mình và quyết định: “Tôi thà mắc tội với tiền bối, chứ không phụ cái sở học của mình”, và “...mong làm sáng tỏ thêm những chỗ văn chưa sáng nghĩa, những phần lý luận trước đây chưa đầy đủ”, hay như: “...lưu lại một chút khổ tâm của tôi trong việc nghiên cứu y học”. Điều đó phần nào nói lên lòng quả cảm, đồng thời sự tích cực xây dựng học thuật của ông, bất chấp những thông tục không cần thiết. Với tinh thần và phương pháp học tập chịu khó, chọn lọc, sáng tạo và suy nghĩ độc lập như trên, ông nắm vững học thuật và có sự xây dựng, đóng góp to lớn về các mặt.
             5 -Quan điểm về cách đối xử: Trong trước tác Lãn Ông cũng để lại những phong cách đối xử rất xác đáng, cần thiết cho một người thầy thuốc chân chính.
             5.1- Đối với mọi người nói chung: “Đối với người lớn tuổi thì mình phải kính trọng, người học giỏi coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì diều dắt họ học tập”
              5.2- Đối với người bệnh: Ông tận tình cứu chữa, ông không tin thuyết định mệnh. Ông quan tâm nhiều đến người nghèo, ông nói: “Nhà giàu không thiếu gì thầy thuốc, còn nhà nghèo khó lòng rước được thầy giỏi, vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”.                Đối với phụ nữ, ông giữ nghiêm túc triệt để; ông khuyên: “Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái, đàn bà goá, ni cô cần phải có người nhà ở bên cạnh mới bước vào phòng mà xem bệnh, để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến hạng người buôn son bán phấn cũng vậy, cũng phải đúng đắn, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm”.   
 5.3- Đối với việc nhận quà cáp: Thông thường ai giúp mình một việc gì, thì mình cảm ơn người đó. Nhân dân ta vốn có tính thuần hậu, không khi nào quên ơn người đã giúp mình; muốn bày tỏ lòng chịu ơn không thể nào không trả ơn bằng lời nói, bằng vật chất, hoặc bằng việc làm; điều đó được coi như là hoàn toàn chính đáng và hợp tình, hợp lý, mà người bệnh không làm, luôn tự thấy băn khoăn. Nhưng điều đáng chê trách là đôi khi món quà quá đáng đối với sự việc, hoặc quá lớn đối với khả năng của người bệnh, hoặc kèm theo những động cơ không đúng, hoặc đem lại những hậu quả không trong sạch, lành mạnh. Những món quà không chính đáng có thể hạ thấp nhân phẩm thầy thuốc, biến thầy thuốc thành kẻ phụ thuộc, người nô lệ của vật chất hoặc của quyền uy.      
          Những điều trên đây rút ra từ trước tác của Lãn Ông có thể gọi là mẫu mực và quý báu.
NHỮNG BÀI HỌC LỚN CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG      
          Ở Lãn Ông, nhiều điểm cần được nghiên cứu sâu sắc và học tập nghiêm túc. Nhưng ở đây hai điểm lớn bao quát cần được nêu trên hết và trước hết là bài học lớn về Y đức và Y thuật.
1- BÀI HỌC VỀ Y ĐỨC
          Mở bộ sách Y tông tâm lĩnh đã thấy bài “Y huấn cách ngôn” ở phần đầu đủ hiểu ông trọng  y đức đến mức rất cao. Trong các quyển sau, nhất là trong quyển “Y âm án” ông nhấn mạnh nhiều lần “Nghề y là một nhân thuật”. Theo ông, “nhân” là một đức tính cơ bản của người làm nghề y. Đức tính cơ bản ấy nên là điều kiện tiên quyết để vào nghề y: nếu không có lòng nhân, không biết quan tâm đến người khác thì nên đi kiếm sống bằng nghề khác ít đòi hỏi nhân đạo hơn. Ông nói: “tôi thường thấm thía rằng: thầy thuốc có nhiệm vụ bảo vệ mạng sống người ta; sự sống chết, điều họa phúc đều ở tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không khoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước nghề y”
          Ông khẳng định nghề y liên quan chặt chẽ đến đức độ của bản thân và của con cháu lâu dài. Qua nghề y, người ta có thể bồi đắp chữ “đức” được cao dầy, nếu người đó thực sự giúp ích cho người bệnh. Nhưng nếu người đó lợi dụng nghề y để hữu ý hoặc vô ý làm những điều có hại cho người khác thì cũng dễ mắc những điểm “thất đức” không nhỏ. Ông phàn nàn: “Than ôi đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được”. Có thể nói: “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người”, cũng có thể nói: “không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.
2 – BÀI HỌC VỀ Y THUẬT
Từ xưa đến nay y học cổ truyền vẫn giữ được những lý luận cơ bản, những khuôn phép chung, không có tình trạng học thuyết mới đảo lộn học thuyết cũ. Từ sau công nguyên đến nay, một số y gia ở từng thời đại, ở từng địa phương đã có phần đóng góp về kinh nghiệm y, dược, về luận thuyết này khác để làm sáng tỏ thêm nội dung của y thuật. Nhưng trong những phần chung, có thể thấy vài điểm đặc thù trong lập luận và nghiệp vụ: Ông làm thuốc theo lối “vương đạo”, và thiên về “thuỷ hoả”.
Về thuyết thuỷ hoả, ông dành riêng một quyển chuyên luận gọi là “Huyền tẫn phát vi”. Chỉ riêng trong quyển này cũng đã nhiều lần ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Thuỷ- Hoả. Học thuyết Thuỷ- Hoả của ông đã được nhiều người áp dụng.
          Về loại bệnh ngoại cảm, ông cũng có những lập luận độc đáo. Ông đã sáng chế ra ba bài giải biểu.
          Dù bệnh về ngoại cảm cũng như bệnh nội thương, ông đều chú ý đến bồi bổ chính khí. Chú trọng mặt bồi bổ trong khi chữa bệnh là đường lối của phái “Vương đạo”, khác với đường lối của phái “Bá đạo”, thiên về phép công tả. Trong đường lối chữa bệnh “ Vương đạo” trong bệnh nội thương, cả trong bệnh ngoại cảm ông vẫn trọng dụng Thuỷ- Hoả. Đó là hai đặc điểm nổi bật được Lãn Ông chủ trương và trình bày.
          Tuy nhiên, những đặc điểm nói trên, cũng cần chú ý đến những điểm do điều kiện lịch sử hạn chế của thời đại ông sống như: Thầy, bạn, sách, trình độ khoa học đương thời... Qua hơn hai trăm năm, đến nay nhiều luận thuyết được phát huy, phát triển, một số quan điểm được phát minh, đề cập, nhiều vấn đề được nghiên cứu thêm, nhiều phương tiện, phương pháp được áp dụng rộng rãi. Do vậy, ở thời điểm ngày nay, người làm y học cổ truyền muốn có kiến thức toàn diện và phong phú cần chú ý thêm đến các vấn đề mới có sau này.
          Thưa các đồng nghiệp, thông qua các quan điểm lớn và bài học lớn được rút ra từ bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh’, nhằm ôn lại thân thế và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Chúng ta - các lớp hậu  sinh theo nghề của y tổ - nguyện cố gắng học tập, rèn luyện và cống hiến theo gương sáng của ông về y đức, y đạo, y thuật; để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

                                 Dựa theo “HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH” Tập I
                                   Nhà xuất bản Y học – Hà Nội  1993

ĐỌC LÃN ÔNG TRONG  ĐÊM XUÂN 

Tĩnh lặng giao thừa đọc Lãn Ông
Từng trang lấp lánh nắng Y Tông…
Hiểu lòng nhân ái khinh quyền quý
Trọng đức vị tha giữ chí công
Diệu dược cứu sinh vang đất việt
Thần phương cải tử sáng trời Đông
Gương xưa thôi thúc người nay mãi
Tiếp bước quên mình chẳng quản công.

VÂN TRINH


NHỚ ƠN HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
(Họa: “Đọc Lãn Ông trong đêm xuân” )

Đọc trang sách cũ nhớ ơn ông
Hải Thượng tên Người sáng nghiệp tông
“Ậm án” răn đời không ngại tiếng
“Lương phương” cứu thế chẳng nài công
Lợi danh buông thả theo dòng nước
Đức độ lưu truyền vượt biển Đông
Rừng Hạnh mở đường con cháu bước
Y thư để lại thật kỳ công

QUỲNH  HOA


0 nhận xét:

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ TRONG ĐÔNG Y

Dành cho các bạn lớp Y sĩ Định hướng Y học cổ truyền
                                                                                                BS Lê Thân (Biên soạn)
           Biện chứng: Căn cứ vào sự diễn biến của triệu chứng, vận dụng lý luận và kinh nghiệm tìm ra nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh.
          Biện chứng luận trị: Phương pháp chẩn đoán, phân tích và hệ thống những triệu chứng bệnh, từ đó đề ra phương pháp điều trị, cũng gọi là Biện chứng thi trị.



          1-NHỮNG ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA VIỆC BIỆN CHỨNG:
          1.1-Chứng hậu (hội chứng của các loại bệnh) rõ ràng mà chuẩn xác là cơ sở của biện chứng:
          Căn cứ vào nguyên tắc “tham hợp tứ chẩn”, BC không thể chỉ bằng vào một chứng trạng hoặc một mạch mà thôi để đi đến chẩn đoán một cách phiến diện; cần phải đem kết hợp chứng hậu của cả 4 mặt: vọng, văn, vấn, thiết lại làm căn cứ để biện chứng. Tứ chẩn không đầy đủ, rất dễ sai lệch, thậm chí chẩn đoán lầm nữa.
          Sau khi vận dụng đủ tứ chẩn, lại phải chú ý xét xem mỗi một trong tứ chẩn đã kỹ càng, chuẩn xác chưa, điều này cũng rất quan trọng. Chứng hậu là chứng cứ của chẩn đoán, chứng cứ càng đầy đủ thì biện chứng chẩn đoán càng dễ dàng. Do đó, yêu cầu tứ chẩn đều phải nắm được rõ ràng, tỉ mỉ mọi chứng hậu của bệnh tật mà không để sơ sót một khía cạnh nào. Khi biện chứng còn có điểm nghi vấn, thì nắm lấy đầu mối biện chứng chẩn sát lại cho thật kỹ, phải tìm hiểu kỹ trong chứng hậu mà người bệnh có. Nếu không thì tứ chẩn tuy vận dụng đủ mà không hoàn toàn, cơ sở BC còn chưa vững chắc.
          Bệnh tình có nhẹ có nặng; chứng hậu xuất hiện có giản đơn, cũng có phức tạp. Có một số bệnh chỉ có vài ba chứng trạng, có một số lại xuất hiện rất nhiều chứng trạng; có người bệnh do diễn đạt kém mà không nói rõ hết được bệnh tình; có người bệnh do ảnh hưởng của thần chí mà khai bệnh không rõ ràng hoặc giả nói không đúng; cũng có người do tính cách riêng hoặc có vấn đề khác mà không thể cho một chuỗi chứng trạng đã là đầy đủ, mà cần phải chú ý tới sự chuẩn xác của chứng trạng, không nên thêm vào cũng không được bớt đi.
          Chứng hậu của tứ chẩn là bằng vào sự quan sát của thầy thuốc trên cơ thể người bệnh. Do đó, để chuẩn xác cần yêu cầu thầy thuốc phải tiến hành tứ chẩn thật khách quan, không thể lấy chủ quan của mình mà ước đoán hoặc nghi tự mà có ấn tượng lờ mờ, để làm thành chứng hậu chuẩn xác. Đó tức là yêu cầu chúng ta phải tập luyện và nắm vững tứ chẩn thật chuẩn xác.
          1.2-Tiến hành biện chứng chung quanh chủ chứng:
          BC còn phải nắm vững được chủ chứng. Gọi là chủ chứng, có thể chỉ một chứng trạng, hoặc là mấy chứng trạng. Chỉ một chứng hoặc mấy chứng ấy là khâu trung tâm của bệnh. Do đó, cần phải tiến hành biện chứng chung quanh những chứng trạng ấy, chữa đúng vào những chứng trạng ấy tất có hiệu quả rõ rệt.
          Ví dụ: Chứng nôn mửa
          -Có 1 bệnh nhân, mới đầu đau đầu, sợ rét, phát sốt nôn mửa
          -Lại 1 bệnh nhân khác, bỗng nhiên trong bụng đau như xoắn, nôn mửa (có khi mửa ra giun), chân tay buốt lạnh
          -Lại 1 BN khác nữa, mệt mỏi, thân thể rã rờ, tay chân thiếu sức, bệnh đã lâu mà mữa vẫn không ngừng thường sau khi ăn vào 1-2 giờ là mửa ra hầu hết hoặc hết cả nguyên thức ăn, 7-8 ngày mới đi cầu được, phân như phân dê.
          Xét 3 bệnh kể trên tuy đều có chứng nôn mửa, nhưng địa vị mỗi chứng một khác: ở BN thứ nhất là ngoại cảm kiêm có nôn mửa, thì chứng nôn mửa này ở địa vị thứ yếu; ở BN thứ 2 là chứng hồi quyết (Kinh lãi) thì nôn mửa và đau bụng như vặn đấy có địa vị như nhau (cả 2 đều là chủ chứng); ở BN thứ 3 là bệnh phiên vị, nôn mửa ở địa vị chủ yếu- nếu trong bệnh này không có nôn mửa thì chưa thể chẩn đoán được là bệnh phản vị.
          Nắm được chủ chứng rồi, tất lấy chủ chứng làm trung tâm, lại kết hợp với những chứng khác cùng mạch và lưỡi nữa càng phân biệt nguyên nhân bệnh mà lập pháp xử phương chuẩn xác, do đó mà hiệu quả trị liệu rõ ràng hơn
Do đó đủ biết, nắm vững chủ chứng và tiến hành biện chứng chung quanh chủ chứng là rất quan trọng trong chẩn đoán
          1.3-Dựa vào quá trình bệnh biến phát triển để biện chứng:
          Quá trình của bệnh tật là quá trình biến hóa không ngừng. Tuy cũng là một loại bệnh, căn cứ vào cơ thể và điều kiện của từng người khác nhau mà có sự biến hóa khác nhau. Tức là cũng một người bệnh cũng tùy từng thời gian mà bệnh cơ phát triển không ngừng, nhất là vì chữa không đúng cách càng dẫn tới biến hóa mạnh. Ví như người bị thương hàn, hôm nay bệnh ở kinh thái dương, ngày mai có thể bệnh đã vào kinh thiếu dương hoặc dương minh; hoặc giả hôm qua là biểu thực, hôm nay vì chữa lầm mà xuất hiện chứng biểu hư hoặc thành biến chứng khác. Ôn bệnh cũng vậy, hôm nay bệnh ở phần khí, ngày mai bệnh có thể vào phần dinh, phần huyết hay vẫn nguyên phần khí, hoặc sốt lui bệnh giải. Lại như trẻ em cơ thể còn là dương non yếu (trĩ dương), ngũ tạng nhu nhược, dễ hư thực, dễ hàn nhiệt, biến hóa rất nhanh. Cho nên người xưa có câu: “Cưỡi ngựa ngó thương hàn, ngoái đầu trông đậu chẩn”, đó là câu nói thật sâu sắc. Đủ biết bệnh tật biến hóa nhanh chóng, biện chứng cần phải giỏi ở chỗ biện biệt trong sự biến hóa của chứng trạng. Nên xem xét kỹ nguyên nhân phát bệnh, quá trình trị liệu, hiệu quả ra sao? Xét xem hiện tại bệnh cơ thế nào? Tiên lượng xu thế bệnh sẽ như thế nào? Tóm lại, cần phải xem bệnh tật là một quá trình luôn luôn động chứ không phải tĩnh, thì biện chứng mới sáng suốt, phép chữa mới hay.
          Không chỉ chữa bệnh cấp tính mới nên  như vậy, mà đối với bệnh mạn tính cũng thế. Ví như có bệnh nhân hen suyễn đã 20 năm, khi ở nguyên quán lại lên cơn sợ lạnh vô cùng, khí hậu hơi lạnh càng hay lên cơn, mửa ra đờm như bọt dãi; kinh qua biện chứng, cho là hàn suyễn, dùng thuốc ôn (tiểu thanh long thang) có công hiệu. Sau đó, đi xa làm việc nặng nhọc hen suyễn lại lên không dứt, lại cho uống Tiểu thanh long thang nhưng vô hiệu mà suyễn lại tăng lên; thầy thuốc chỗ đó khám thấy sắc mặt người bệnh trắng xanh, nói năng yếu ớt, chỉ động một tí là suyễn, lại suyễn thì thở gấp ngắn hơi, thầy thuốc cho là khí hư, cho uống thuốc bổ khí (Bổ trung ích khí gia giảm) mà dẹp cơn suyễn. Sau vài tháng, vì ngửi phải khói và mùi ở ngoài xông lại lên cơn suyễn, người bệnh tự dùng thuốc bổ khí như trước (BTIK) uống vào không đỡ; lại mời thầy thuốc đến khám, thấy người bệnh sắc mặt đỏ, miệng khô đầu đau, ngực đau, biện chứng cho là phong nhiệt, dùng thuốc tân lương uống 1 thang suyễn hết, tiếp đó cho uống thuốc bổ thận mà suyễn hết. Cũng một người bệnh và bệnh ấy, đủ nói lên sự biến hóa phi thường sinh động của bệnh tật. Tóm lại, BC cốt ở trong người không có thành kiến, nhất thiết chỉ dựa vào chứng hậu khách quan và hoàn cảnh trong ngoài khác nhau mà linh động chẩn đoán. Bệnh trạng chưa biến thì kết quả biện chứng không đổi, bệnh trạng đã biến hóa rồi thì kết quả biện chứng cũng theo đó mà biến đổi theo.
          1.4- Chứng trạng cá biệt có khi lại là mấu chốt của BC:
          Chứng hậu rõ ràng chính xác là cơ sở của BC như đã nói ở trên. Còn như chứng trạng, mạch tượng, rêu lưỡi cá biệt thì có quan hệ khi biện chứng hay không? Chứng trạng cá biệt là chứng trạng sở hữu, sự quan hệ tương hỗ giữa chúng nên so sánh ra sao?
          Nói chung, chứng trạng cá biệt là một đơn vị trong toàn bộ chứng trạng. Chứng trạng do tứ chẩn mà biết và các loại kiểm tra mà biết hợp lại thành một chỉnh thể, các dấu hiệu trong cái chỉnh thể ấy đều tương đối thống nhất, những chứng trạng ấy có quan hệ bổ sung cho nhau, có thể đi đến một kết quả BC tương đối nhất trí. Đó là một quy luật chung của BC. Ví như: BN sốt cao hoặc sốt cơn, miệng khát uống nhiều, bụng đầy đau, đại tiện bí, tiểu tiện ngắn đỏ, mạch trầm sác hữu lực, rêu lưỡi vàng, kết hợp những chứng trạng ấy lại mà BC có thể kết luận là chứng lý thực nhiệt. Nhưng cũng có một số BN qua tứ chẩn thấy một cách khác: vọng - vấn chẩn thấy chứng hư; văn- thiết chẩn lại thấy giống như chứng thực, thậm chí có khi ngay trong một cách chẩn lại thấy dấu hiệu hư thực lẫn lộn, BC có chỗ chống đối nhau không thể rút ra được một kết luận thống nhất, như vậy thì biết BC ra sao? Có thể dựa vào phương pháp BC theo bát cương từ trong chứng hậu phức tạp, căn cứ vào một chứng hoặc mạch hoặc lưỡi đủ để phản ánh toàn diện của bệnh cơ mà lấy đó làm kết luận của BC.
          Điểm chủ yếu này và tinh thần của “chứng hậu rõ ràng mà chuẩn xác là cơ sở của BC” nói trên, không có gì là mâu thuẫn mà còn bổ sung cho nhau. Vì rằng một chứng hoặc một mạch hoặc một lưỡi có tính chất quyết định ấy, không thể tách rời nó ra khỏi toàn bộ chứng hậu mà phán đoán. Bệnh tật có thường có biến, đúng như Lưu Hà Gian nói: “Cang chi quá cực, phản tự thắng kỳ chi hóa’ ; nói “thắng kỳ chi hóa” tức là xuất hiện một số chứng trạng không phù hợp với bệnh. Trên lâm sàng loại hiện tượng này thường thấy khá nhiều như nói: “hư quá lại có hiện tượng thực”, “thực quá lại có hiện tượng hư”. Lại có một số bệnh do chữa lầm, bệnh tình biến hóa phức tạp. Do đó, BC không thể căn cứ vào hiện tượng bình thường mà phán đoán, cũng không thể kết luận chạy theo chứng trạng phản thường; nhưng trong chứng trạng phản thường, tất cả phải tìm cho được một  chứng, một mạch, một lưỡi để làm tiêu chí cho bản chất của bệnh tật thì chẩn đoán mới chính xác.
          Ví dụ: Dụ Gia Ngôn chữa cho Từ Quốc: trán - mình nóng, mặt đỏ, bức rức vật vã khác thường, đòi mở toang cửa, nằm lăn ra đất, trăn trở vẫn khó chịu, lại đòi xuống giếng ngâm mình, đòi uống nước, mạch cũng hồng đại, nhìn qua thì một loạt nhiệt tượng không còn nghi ngờ gì nữa, thầy thuốc trước muốn gấp dùng Thừa khí thang; nhưng Dụ Gia Ngôn đã xuyên qua một loạt giả tượng ấy, thấy rằng BN tuy đòi uống nước nhưng đưa nước tận tay lại đặt xuống mà không uống; mạch hồng đại hữu lực mà trọng án lại vô lực. Ông dựa vào hai điểm ấy, quyết định bệnh của họ Từ là chứng chân hàn giả nhiệt. Xử phương dùng thuốc đại ôn nhiệt, vì có một chuỗi giả tượng nhiệt cho nên thuốc phải dùng cách uống nguội, bệnh khỏi.



          1.5-Quan hệ giữa BC và biện bệnh:
          Chứng và bệnh quan hệ rất chặt chẽ. Có bệnh ấy tất phải có chứng ấy. Nhưng có khi bệnh khác nhau mà thường thường cũng có chứng trạng tương đồng. Ví như bệnh thu táo có chứng đau họng, bệnh ngũ nga có chứng đau họng, bệnh bạch hầu có chứng đau họng, bệnh hầu sa cũng có chứng đau họng, mà phép chữa lại khác nhau. Do đó, đã cần phải biện chứng, lại cần phải biện bệnh. Nếu nói BC là đã bao quát tứ chẩn kiểm tra mà biết, lại bao quát nhân tố nội ngoại gây bệnh, toàn diện mà lại cụ thể phán đoán bệnh tật có tính chất đặc thù và mâu thuẫn chủ yếu của từng giai đoạn; thế thì điểm bất động của “biện bệnh” là xét theo sự nhận biết của BC so sánh phân biệt với nhiều chứng giống mà lại khác của bệnh tật, kiểm tra suy tìm những đặc trưng của bệnh với những loại chứng trạng của bệnh nhân là tiến hành đối chiếu kiểm tra từng chứng một, trong quá trình đối chiếu kiểm tra sẽ dần dần chỉ rõ cho BC, xét xem có hay không những dấu hiệu này hay đặc trưng khác của bệnh tật, cuối cùng loại bỏ những chứng trạng giống mà khác đó, sẽ được kết luận cuối cùng. Khi đã rút ra kết luận thì bệnh cơ và diễn biến của bệnh sẽ ra sao đã có một khái niệm; trên cơ sở ấy, tiến hành BC thì tiên lượng được tốt xấu; quan trọng hnất là kinh qua BB rồi, làm cho BC với nguyên tắc chữa và kết hợp phương dược của bệnh ấy càng được chặt chẽ, để nâng cao hiệu quả trị liệu, đỡ phải đi đường vòng mà tới đích.
          Đông y chú trọng BC, cũng rất chú trọng BB. “Thương hàn luận” của Trương Trọng Cảnh là một tước tác lớn về biện biệt bệnh thương hàn; Lưu Hà Gian lại bổ sung thêm về phương pháp biện bệnh nhiệt; Ngô Hựu Khả lại nêu lên phương pháp biện biệt bệnh ôn dich; đời nhà Thanh (TQ) các nhà nghiên cứu ôn bệnh lại phân nhỏ thành các bệnh xuân ôn, phong ôn, thử ôn, thấp ôn, đông ôn. Cùng với sự phát triển của y học đất nước, sự nhận thức bệnh tật về các khoa nội, ngoại, phụ, nhi ngày càng nhiều, phân biệt tật bệnh ngày càng tỉ mỉ, hiệu quả trị liệu cũng nhân đó ngày càng cao. Phép BB là một phép đáng được chúng ta coi trọng.
          Trong công tác trị liệu thường gặp mọi trtường hợp như vậy. Một người bệnh đại tiện ra máu, bệnh tình không nặng lắm nhưng khi khỏi khi không, kéo dài mãi; sau chẩn đoán là bệnh trĩ, dùng thuốc khô trĩ chữa khỏi trĩ nội thì chứng đại tiện ra máu không còn tái phát nữa.; giả như lúc đầu BB mà biện rõ được bệnh trĩ, thì bệnh không đến nỗi kéo dài không khỏi.
          Lại như khi chữa cho người bệnh bị sởi; nếu chúng ta không hiểu về quá trình phát bệnh của toàn bệnh sởi, thì bệnh sởi lúc mới phát rất dễ lầm lẫn với các chứng ngoại cảm khác; không biết căn cứ vào nguyên tắc chữa bệnh sởi mà chữa tất dễ biến sinh những biến chứng khác. Nếu hiểu được cách biện biệt bệnh sởi, biết được chứng hậu của từng giai đoạn của bệnh sởi, trung tâm đã có định hướng, biện chứng có đầu mối, chẩn đoán càng chính xác, kết quả trị liệu càng tốt hơn.
          Tuy vậy, trong các khoa lâm sàng học, có một số bệnh lấy đúng hướng của nó để định danh như ho, suyễn, thổ huyết, tiện huyết….. nhưng không phải bệnh danh đều chỉ như vậy. Bệnh danh của đông y có loại lấy nguyên nhân làm bệnh danh như: thu táo; có loại lấy bộ vị làm bệnh danh như: cước khí, dương nuy; có loại lấy bệnh lý làm bệnh danh như: đờm ẩm, bạch nội chướng (Đục nhân mắt). Ngoài ra còn có loại lấy nguyên nhân hợp với bộ vị  bệnh làm bệnh danh như: phế táo; cũng có loại lấy bệnh lý hợp với vị trí làm bệnh danh như: tràng ung…Nhân chứng đặt tên hay nhân cái khác mà đặt tên đều tốt cả, điều đó không quan trọng, trên phương diện BC đều có ý nghĩa chỉ đạo, trên phương diện trị liệu sẽ có một số nguyên tắc và phương pháp tức là có thể xem là bệnh.
          Tóm lại, “bệnh” là từ chứng bệnh mà ra, mỗi loại bệnh có một quy luật biến hóa của nó, quy luật của bệnh ấy trở lại chỉ đạo cho BC.
          Từ BC - BB - BC, là một quá trình chẩn đoán bệnh tật không ngừng biến hóa vi diệu. Chúng ta không thể chỉ lấy “BC” đã cho là đầy đủ, mà đã cần phải BC lại phải BB; rồi từ BB lại tiến thêm một bướcđể BC. Phương pháp BC cần phải học tập ở các khoa lâm sàng. Mỗi khoa lâm sàng có những loại bệnh riêng, qua nghiên cứu thực tiễn nhiều sẽ nắm được quy luật chung về nguyên nhân bệnh, bệnh cơ, BC và trị liệu của mỗi loại bệnh, cho nên sau khi chúng ta học chẩn đoán rồi, coàn cần phải học tập ở các khoa lâm sàng nữa mới có thể đảm nhiệm công tác chẩn trị.



2-KẾT HỢP VẬN DỤNG TỨ CHẨN - BÁT CƯƠNG
 VÀ PHÂN LOẠI CHỨNG HẬU:
Tứ chẩn, bát cương và phân loịa chứng hậu có mối quan hệ với nhau một cách hoàn chỉnh. Khái quát lại như sau:
2.1-Tứ chẩn là 4 phương pháp kiểm tra và sưu tạp chứng hậu, toàn bộ chứng hậu sưu tập được qua 4 phương pháp ấy là cơ sở của BC, trên cơ sở ấy lại vận dụng bát cương và phân loại chứng hậu để BC.
2.2-Bát cương là dem những tư liệu do tứ chẩn thu thâp được, dựa vào lý luận bát cương tiến hành quy nạp và phân tích, thông qua các hiện tượng của bệnh tìm được: âm dương, biểu lý, hàn nhiệt và hư thực để bước đầu chỉ phương cho trị liệu
          2.3-Phân loại chứng hậu là đem một loạt chứng trạng biến hóa theo thường quy của nguyên nhân, vị trí và xu thế phát triển của bệnh tật.
          Bát cương và phân loại chứng hậu, một đằng là cương lĩnh của BC (bát cương), một đằng là lý luận đi sâu vào bệnh cơ (phân loại chứng hậu), nên kết hợp cả hai lại để chẩn đoán bệnh tật

Ảnh trong bài lấy từ Internet

0 nhận xét: